Làn sóng thay đổi chính sách thời 'hậu Donald Trump'

Việc ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ đã khiến nhiều nền kinh tế tính đến các chính sách phát triển 'thời hậu Donald Trump'.

Chủ nghĩa đa phương “quay đầu”

Xu thế thay đổi chính sách kinh tế và thương mại đang được tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng nhằm “đón lõng” chính quyền Mỹ mới dưới thời ông Joe Biden, được kỳ vọng sẽ mang lại luồng sinh khí mới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa tìm được lối thoát.

 Nhiều nền kinh tế đang tính toán thay đổi chính sách kinh tế -thương mại trong thời gian tới. Ảnh: Gettyimagesbank

Nhiều nền kinh tế đang tính toán thay đổi chính sách kinh tế -thương mại trong thời gian tới. Ảnh: Gettyimagesbank

Ngay từ khi ông Joe Biden giành lợi thế trước ông Donald Trump trong cuộc bầu cử chạy đua vào Nhà Trắng, nhiều quốc gia đã thể hiện sự ủng hộ của mình đối với chính sách kinh tế của ứng cử viên đảng Dân chủ. Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông Biden luôn ủng hộ chính sách kinh tế đa phương hơn là các thỏa thuận song phương nhằm thúc đẩy tái thiết nền kinh tế Mỹ.

Tại Hàn Quốc, đội ngũ chuyên gia đã tư vấn chính phủ nên bám sát và chuẩn bị cho những thay đổi chính sách dưới thời chính quyền mới của Mỹ sẽ được công bố vào tháng Giêng tới. Theo đó, trong tâm của chính quyền Mỹ mới sẽ chuyển sang khuôn khổ đa phương và hợp lực với các đồng minh. Điều này được thể hiện qua những cam kết của ông Biden luôn đi ngược với các chính sách hiện nay của chính quyền ông Trump trên một loạt lĩnh vực, trong đó bao gồm cả những nỗ lực hủy bỏ các chính sách trong nhiệm kỳ tổng thống trước đó.

Giới phân tích Hàn Quốc cho rằng, riêng về lĩnh vực thương mại, ông Biden được cho là vẫn sẽ không đi chệch khỏi các chính sách mà Mỹ gây sức ép đối với Trung Quốc và có thể tiếp tục xu hướng bảo hộ vì lợi ích của nền kinh tế trong nước. Tuy nhiên, điều có thể khác với thời ông Trump là sẽ quay trở lại theo đuổi chủ nghĩa thương mại đa phương- di sản 2 nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Barack Obama mà ông Biden từng làm Phó Tổng thống.

Các chính sách dưới thời chính quyền Mỹ sắp mãn nhiệm, ngay từ khi tiếp quản Nhà Trắng, ông Donald Trump đã luôn coi nhẹ Tổ chức Thương mại Thế giới, thậm chí còn ngăn cản các cơ quan có thẩm quyền trong nước tham gia giải quyết các tranh chấp thương mại khi định chế này tham gia vào cuộc chiến thuế quan với các nền kinh tế khác.

Ngược lại ông Biden lại có thiên hướng ủng hộ thương mại tự do trong suốt ba thập kỷ trên nhiều cương vị khác nhau và hậu thuẫn cho lộ trình khởi động Hiệp định Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như một giải pháp để kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Giới quan sát nhận định, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden được kỳ vọng sẽ củng cố mối quan hệ với WTO và hỗ trợ các khuôn khổ đa phương nhằm phục hồi nền kinh tế Mỹ, tạo ra việc làm và tăng cường đầu tư. Tuy nhiên, tổng thống mới dự kiến sẽ chọn lập trường ổn định hơn về thương mại chứ không thất thường giống như ông Trump đã làm trong việc áp đặt thuế quan.

Trong khi Mỹ được cho là sẽ sớm quay trở lại gia nhập CPTPP để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc thì thời điểm này Trung Quốc cũng có những dấu hiệu bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập bản hiệp định này.

Hàn Quốc, Thái Lan cũng hướng đến CPTPP

Đến nay sở dĩ Hàn Quốc vẫn chưa tham gia CPTPP vì nước này đã có các hiệp định thương mại song phương với hầu hết các quốc gia thành viên của khối thương mại rộng lớn này. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, một khi Mỹ quay trở lại CPTPP, nền kinh tế số một thế giới có thể sẽ kêu gọi các đồng minh của mình làm theo. Và Hàn Quốc, với tư cách là một trong những đồng minh chưa tham gia CPTPP, có thể đứng trước sự lựa chọn gia nhập khối thương mại này.

Hàn Quốc đang muốn gia nhập CPTPP nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Đồ họa: KRT

Ngoài ra nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu kêu gọi các đối tác thương mại trong khối tuân thủ các tiêu chuẩn lao động và môi trường nghiêm ngặt hơn, theo đúng như lập trường của ông Biden về lượng khí thải CO2 của Mỹ sẽ về mức rezo vào năm 2050.

"Nếu Seoul tham gia CPTPP sẽ phải tính toán lợi ích và chi phí để đưa ra quyết sách chiến lược, nhất là khi đứng trước cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Hàn Quốc trong một số lĩnh vực tăng cường hợp tác với các công ty Mỹ đang tìm cách tái cấu trúc chuỗi sản xuất", Kang Gu-sang, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc cho hay.

Trong diễn biến liên quan, Thái Lan cho biết sẽ hướng đến khả năng sớm tham gia CPTPP sau khi nước này và 14 quốc gia ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tuần trước. Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai cho rằng Bangkok cần phải đi theo lộ trình thương mại đa phương bởi nó sẽ là chính sách trung tâm của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden.

Theo các nguồn tin trong nước, hiện một ủy ban của Quốc hội Thái Lan đã hoàn thiện một bản nghiên cứu về những thuận lợi và khó khăn của việc tham gia CPTPP. Ông Don cho hay, dự kiến CPTPP và một đề án tương tự của Bộ Thương mại cũng sẽ sớm được trình lên nội các. Hiệp định thương mại tự do CPTPP hiện có sự tham gia của 11 quốc gia thành viên gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Theo ông Don, nếu nội các nhất trí, Thái Lan sẽ bắt đầu đàm phán với từng thành viên của bản hiệp định này và chính thức thông báo tham gia tại cuộc họp thường niên CPTPP vào tháng 8 năm sau.

Vào Chủ nhật tuần trước, 10 quốc gia ASEAN cùng với các quốc gia châu Á -Thái Bình Dương gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đã ký kết bản thỏa thuận RCEP tại hội nghị thượng đỉnh RCEP lần thứ tư, sau tám năm đàm phán. Theo ước tính, quy mô RCEP bao gồm hơn 3 tỷ người (30% dân số thế giới), với tổng GDP khoảng 17 nghìn tỷ USD (30% GDP toàn cầu) và chiếm khoảng 40 phần trăm tổng thương mại thế giới.

Hà Dương

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/lan-song-thay-doi-chinh-sach-thoi-hau-donald-trump-d278120.html