Làn sóng tẩy chay Huawei từ Mỹ lan rộng sang châu Âu lẫn châu Á

Giới chức Washington tuần trước tung hai đòn tấn công với Huawei: Cấm công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông sản xuất bởi đơn vị gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, cấm Huawei lẫn 70 chi nhánh mua linh kiện từ nhà cung cấp Mỹ nếu không có sự chấp thuận từ chính quyền.

Công việc kinh doanh của Huawei bị đe dọa - Ảnh: Reuters

Công việc kinh doanh của Huawei bị đe dọa - Ảnh: Reuters

Nhiều đơn vị công nghệ hàng đầu lập tức hưởng ứng chiến dịch tẩy chay, đặc biệt Google không còn cho Huawei truy cập các bản cập nhật hệ điều hành Android cùng hàng loạt dịch vụ do Google độc quyền cung cấp (bắt đầu thực thi từ ngày 19.8). Như vậy, thiết bị Huawei mới sẽ không thể dùng nhiều ứng dụng phổ biến như YouTube hay trình duyệt Chrome.

Trước tình hình hiện tại, nhiều nhà bán lẻ tại Singapore và Philippines gấp rút bán đi số điện thoại Huawei họ đang có, nhưng có rất ít người chịu mua.

“Nếu thứ chúng ta mua vô dụng thì làm sao bán được? Không phải sản phẩm Huawei tệ, lý do khiến chẳng ai muốn mua là vì chính sách Mỹ”, theo nhân viên bán hàng Dylan On làm việc cho tiệm bán lẻ Wanying Pte Ltd (Singapore). Đơn vị này đang tìm cách bán lượng hàng Huawei tồn kho cho người ở nước ngoài, với hy vọng bên mua ít biết về chuyện tẩy chay.

Nhân viên bán hàng tên Zack của Mobile Square cho biết số người tìm đến tiệm để bán đổi điện thoại Huawei trong một ngày đã tăng vọt từ khoảng 5 người lên đến 20 người. Đáng chú ý là thay vì đổi sản phẩm cũ lấy sản phẩm mới, nay nhiều chiếc điện thoại mới cũng bị đổi.

Carousell - nền tảng mua bán trực tuyến phổ biến nhất Singapore - ghi nhận hiện tượng số lượng bán điện thoại Huawei vào ngày Mỹ công bố lệnh cấm tăng gấp đôi.

Theo công ty nghiên cứu Canalys, điện thoại Huawei chiếm 14% thị phần tại Singapore năm 2018.

Các nhà bán lẻ Philippines cũng tránh xa sản phẩm của Huawei. Hamida Norhamida bán điện thoại tại trung tâm thương mại Greenhills (Manila) khẳng định khách hàng không còn muốn mua điện thoại do tập đoàn Trung Quốc sản xuất nữa, bà may mắn thanh lý số hàng Huawei P30 Pro trước ngày 20.5.

Một người bán khác tên Thelma đánh giá bán thiết bị Huawei lúc này là một canh bạc, đồng thời cho biết bà chỉ chấp nhận mua điện thoại hãng này nếu giảm giá 50%.

Tuy vậy, với không ít người thì đây là cơ hội sở hữu hàng tốt giá rẻ. Sinh viên người Singapore Xin Yi đang săn tìm mẫu điện thoại Huawei mới trên thị trường giảm giá sâu hiện tại.

Nhà bán lẻ cố thanh lý hàng Huawei, người tiêu dùng cũng cố bán đi điện thoại Huawei - Ảnh: CNET

Ở Nhật Bản, hai đơn vị viễn thông hàng đầu KDDI Corp và Ymobile đều thông báo trì hoãn việc ra mắt Huawei P30 Lite vốn lên kế hoạch tung ra vào ngày 24.5.

Hãng điện tử Panasonic ngày 22.5 thông báo tuân thủ lệnh cấm từ Mỹ, ngừng giao linh kiện cho Huawei lẫn 70 chi nhánh. Dù là công ty Nhật, nhưng không ít sản phẩm của Panasonic sử dụng bản quyền công nghệ Mỹ.

Theo khảo sát mới đây của hãng tin Reuters, 88% trong số gần 500 công ty được hỏi muốn dùng dịch vụ 5G do nhà mạng nội địa cung cấp. Chỉ có 3% chọn nhà mạng nước ngoài. Quốc gia Đông Bắc Á chuẩn bị triển khai 5G trong năm tới.

Lý giải vì sao ưa chuộng nhà mạng nội địa, nhiều công ty Nhật tỏ ý lo ngại rủi ro rò rỉ thông tin khi dùng dịch vụ từ đơn vị nước ngoài, mà đặc biệt là công ty Trung Quốc.

Hàn Quốc chưa có động tĩnh gì. Nhưng báo Chosun Ilbo tiết lộ Bộ Ngoại giao Mỹ đang cố gắng vận động nhằm thuyết phục chính quyền Seoul không dùng sản phẩm Huawei trong những lĩnh vực nhạy cảm.

Tại châu Âu, công ty thiết kế chip ARM của Anh quyết định ngừng hợp tác với Huawei - một cú sốc lớn khác mà tập đoàn Trung Quốc phải nhận. Ngoài Apple thì nhiều hãng điện thoại khác đều phải mua bản quyền thiết kế từ ARM để tạo nên chip riêng cho mình (như chip Kirin của Huawei).

EE - nhà vận hành mạng di động và cung cấp dịch vụ internet lớn nhất nước Anh - cũng vừa thông báo không cung cấp thiết bị Huawei khi tung ra mạng 5G.

Chip Kirin do Huawei phát triển dựa trên sơ đồ ARM thiết kế - Ảnh: CNET

Trung Quốc nhờ cậy công ty trong nước

Nhằm hỗ trợ ngành công nghệ nội địa phát triển, Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 22.5 thông báo miễn thuế thu nhập cho công ty thiết kế mạch và phần mềm nước này trong 2 năm đầu nếu họ có lãi trước cuối năm 2018.

Tuy nhiên, từ năm thứ 3 đến năm thứ 5, các công ty vẫn phải đóng 12,5% thuế thu nhập.

Giới phân tích nhận định lệnh cấm Huawei của Mỹ có thể đẩy nhanh kế hoạch giảm phụ thuộc công nghệ nước ngoài mà chính quyền Bắc Kinh đang theo đuổi. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng các công ty Trung Quốc chưa thể sản xuất ra công nghệ đủ sức thay thế.

Cẩm Bình (theo Reuters, SCMP, CNET)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/lan-song-tay-chay-huawei-tu-my-lan-rong-sang-chau-au-lan-chau-a-113681.html