Làn sóng Jack Ma: Việt Nam vẫn đi bộ chứ chưa chạy

'Chúng ta đang chết rất từ từ, rất êm thấm mà không biết, hoặc là không muốn biết'.

Đó là quan điểm của ông Vũ Vinh Phú, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội về câu chuyện thị trường bán hàng qua mạng.

Đừng tự dâng cho nước ngoài

PV:- Mới đây, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng đưa ra nhận định "Jack Ma chỉ là một đại diện cho làn sóng công nghệ mới. Chỉ là không phải Việt Nam làm thì Jack Ma sẽ làm". Theo ông nhận định trên của vị chuyên gia trên nhằm cảnh báo điều gì? Vì sao ông Thiên lại đưa ra lời cảnh báo như vậy?

Ông Vũ Vinh Phú: - Chúng ta đang trong thời kỳ hội nhập gắn liền với công nghệ, với trình độ phát triển ở các nước khác nhau.

Cho nên việc bán hàng qua mạng, bán hàng trực tuyến hiện nay, đều rất cần thiết tùy từng đối tượng khách hàng, nhất là nhìn vào phân khúc tiêu dùng năng động như thanh niên, cán bộ công viên làm việc tại công sở, quỹ thời gian ít và mức độ làm việc rất nhanh. Dẫn tới, vấn đề bán hàng online qua mạng là xu thế của thế giới.

Hiện nay, Việt Nam cũng đang chập chững bước vào, nhưng chưa chuyên nghiệp, nên nếu Alibaba không vào, người nước ngoài không làm thì chúng ta cũng phải làm, không sẽ tụt hậu, thậm chí trở thành người đi làm thuê.

Cả thế giới là một chuỗi sản xuất phân phối gắn kết với nhau để phân chia giá trị, trong các phân khúc khác nhau, nên PGS.TS Trần Đình Thiên nói rất đúng.

Mới đây, Chủ tịch Hội nông dân có mời tôi đến trao đổi, tôi có đề cập vấn đề kết nối giữa sản xuất và phân phối, giữa phân phối với người tiêu dùng là hết sức quan trọng, vấn đề quan trọng là đầu ra tiêu thụ trong nông nghiệp.

Việt Nam dễ mất cả hệ thống phân phối lẫn sản xuất

Yếu tố quan trọng là con người, dù bán hàng qua mạng hay bán hàng online đều là con người, có khi có máy móc nhưng thái độ không tốt, không có trách nhiệm với khách hàng thì cũng bỏ đi.

Ông Thiên nói hơi trừu tượng nhưng chung quy lại là Việt Nam không làm nhanh thì Jack Ma vào sẽ làm, anh không lấp chỗ trống thì người ta nhanh chân hơn lấp chỗ trống nơi anh, anh sẽ thua thiệt.

Ví dụ bây giờ, một con cá đánh từ biển vào nhưng không có kho dự trữ, không có nhà máy đóng cá hộp nào lấy, thì bà con bán tươi sống một cách vội vã để không thối. Nhưng nước ngoài thì họ lập nhà máy làm đồ hộp tại đây, làm trung tâm thu mua, tạo ra giá trị con cá thu rất lớn, gấp 5-7 lần.

Để thấy nước ngoài họ quản trị tốt hơn, nhiều vốn hơn, nhiều kinh nghiệm hơn sẽ lấn át mình. Còn Việt Nam thì doanh nghiệp nội để “mất” thị trường bán lẻ thì 70% là do chính ta tự hại mình, còn áp lực đến từ các doanh nghiệp Thái Lan, Úc hay Mỹ gì đó chỉ 30%.

Như Bộ Công thương hứa hẹn hỗ trợ doanh nghiệp Việt, nhưng hỗ trợ xong lại bán cho nước ngoài thì không còn tác dụng, bản thân chúng ta đang xẻ thịt cho nước ngoài ăn hết.

Bức tranh chung chúng ta đang tự hại nhau chứ không phải nước ngoài lấn át. Đây là lời cảnh báo được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, từ khi vào WTO năm 1997, nhưng chúng ta vẫn đi bộ mà không chịu chạy.

Tôi chỉ hỏi Fivimart bán 49%, Kido bán 49% còn gì là hồn Việt? Ở đây có cả vai trò quản lý nhà nước, định hướng hợp lý, phải xem lại. Tóm lại một bức tranh là nước đến lưng rồi nhưng chúng ta chưa kịp nhảy, khi đó nước ngoài sẽ tràn vào đó là tất yếu.

Tôi đi các siêu thị hiện nay thấy hàng ngoại tràn ngập, chỉ còn nhóm hàng nông sản lèo tèo là có hàng Việt Nam, tiêu biểu như Lotte vô cùng nhiều hàng ngoại.

PV:- Việc người Thái đã sở hữu trọn 4 chuỗi siêu thị lớn nhất Việt Nam, chiếm 70% thị trường bán lẻ trong siêu thị, khiến cho chúng ta rơi vào tình trạng mất thị trường phân phối bằng siêu thị.

Không dừng lại ở đó, hàng Thái trước đó đã len lỏi vào khắp các chợ, cửa hàng lớn nhỏ, hiện sản phẩm may và đồ dùng gia dụng Thái Lan có mặt tại hơn 9.000 chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với hàng nhập khẩu từ các nước khác.

Không chỉ có chợ, mà các công ty Việt Nam có thể bị mất toàn bộ các kênh phân phối khác như cửa hàng, tiệm tạp hóa, đại lý bán sỉ và lẻ ở từng địa phương...Trước tình trạng khó khăn như trên, nếu như Alibaba một tên tuổi lừng danh về bán hàng trên mạng xuất hiện thì chúng ta sẽ đối diện các nguy cơ nào? Xin ông phân tích cụ thể?

Ông Vũ Vinh Phú: - Chúng ta đang mất thị phần lớn ở kênh phân phối mặt đất bao gồm cả siêu thị và chợ, chứ chưa mất hết, như Metro, BigC thì 51/100 điểm hiện đại, nhưng một điểm Metro, BigC bán gấp 10 lần siêu thị Việt. Cho nên, số 51 điểm thành 500 điểm, nên việc này được đưa ra từ lâu, đúng kiểu biết rồi khổ lắm nói mãi!

Bên Thái bão hòa về hàng hóa, bão hòa về hệ thống phân phối, thì họ phải nghĩ tới thị trường béo bở Việt Nam 100 triệu dân, kênh bán lẻ hiện đại chiếm 25%.

Thủ tướng mấy đời của Thái Lan từng nói biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường, vừa rồi họ đã có chủ trương Thái Lan sẽ xây dựng trung tâm phát triển rau quả giá trị gia tăng cao của vùng Đông Nam Á và châu Á, Thái có chủ trương như vậy.

Hoa quả Thái cạnh tranh với giá trị cao hơn, trong khi hoa quả Việt một quả cam Cao Phong khen ngon nhưng cắt ra có đến 24 hạt, không đưa ra được thị trường nước ngoài, làm sao cạnh tranh được với cam của Úc giá chỉ có 60.000đ/kg, lại không có hạt, ngọt thơm? Chúng ta đang chết rất từ từ, rất êm thấm mà không biết, hoặc là không muốn biết.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/lan-song-jack-ma-viet-nam-van-di-bo-chu-chua-chay-3347271/