Làn sóng đầu tư FDI mới vào dệt may

Trước đây các nhà đầu tư ngoại tìm đến Việt Nam ở lĩnh vực dệt may chỉ thuần túy gia công, nhưng nay các dự án đang tập trung đầu tư vào lĩnh vực sợi, may và phụ liệu...

Thời gian gần đây đã có nhiều dự án FDI lớn đầu tư vào khâu nguyên liệu trong ngành dệt may.

Thời gian gần đây đã có nhiều dự án FDI lớn đầu tư vào khâu nguyên liệu trong ngành dệt may.

Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ đang có hoạt động đầu tư dệt, nhuộm, may tại Việt Nam. Theo đó, 11 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành dệt may đạt 1,546 tỷ USD với 184 dự án. Trong đó, 5 quốc gia, vùng lãnh thổ có lượng vốn đầu tư lớn nhất vào ngành dệt may lần lượt gồm: Hồng Kông 447 triệu USD, Singapore 370 triệu USD, Trung Quốc 270 triệu USD, Hàn Quốc 165 triệu USD, Seychelles 103 triệu USD.

Tiếp theo là các nhà đầu tư Nhật Bản cũng đăng ký đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam với tổng vốn 61 triệu USD, Hoa Kỳ 19 triệu USD, Đài Loan 15 triệu USD, và gần 100 triệu USD vốn còn lại thuộc về các nhà đầu tư khác.

Các địa phương đón vốn lớn trong ngành dệt may, đứng đầu có Tây Ninh với tổng vốn 464 triệu USD với 16 dự án, Quảng Nam 10 dự án, vốn đăng ký 107 triệu USD, Nghệ An 3 dự án với 210 triệu USD, Thừa Thiên Huế 2 dự án, với 213 triệu USD…

Điểm đặc biệt trong dòng vốn FDI vào dệt may trong năm qua là sự vượt trội của lượng vốn vào các dự án nguyên liệu, trong đó có tới 90 dự án vào mảng dệt, tổng vốn 1,245 tỷ USD, tiếp đến là lĩnh vực nhuộm với 24 dự án, vốn đăng ký 673,3 triệu USD, 109 dự án may với 587,2 triệu USD, 45 dự án sợi với 640,4 triệu USD, 3 dự án sản xuất xơ với vốn đăng ký 1,3 triệu USD.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, cho hay ngành dệt may có được năng lực sản xuất như hiện nay là nhờ vào nguồn vốn FDI. Các tập đoàn lớn đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… đã giúp ngành dệt may hòa nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động tích cực tới việc mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường Mỹ, EU, làm thay đổi đáng kể cơ cấu xuất khẩu.

Nếu như trước đây các nhà đầu tư ngoại tìm đến Việt Nam ở lĩnh vực dệt may chỉ thuần túy gia công, nhưng nay ngoài đa dạng hóa từ đầu tư trực tiếp, gián tiếp thông qua việc thâu tóm, mua lại cổ phần của doanh nghiệp trong nước, phần lớn các dự án đang tập trung đầu tư vào lĩnh vực sợi, may và phụ liệu.

Thực tế cho thấy, thời gian gần đây đã có nhiều dự án FDI lớn đầu tư vào khâu nguyên liệu trong ngành dệt may như một tập đoàn của Đức đã đầu tư vào nhà máy kéo sợi len lông cừu tại TP. Đà Lạt, một doanh nghiệp của Israrel vừa đầu tư một nhà máy tại Bình Dương từ kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất và may.

Đây là một trong những thời cơ để ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững. Dệt may Việt Nam sẽ có rất nhiều lợi thế từ những dòng đầu tư từ trong nước hay đầu tư từ các nguồn vốn FDI nếu chú trọng thu hút vào khâu dệt nhuộm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết gần đây như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (Việt Nam-EAEU FTA), FTA Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam đang tạo ra sức hút mạnh mẽ với các doanh nghiệp ngoại do có lợi thế về thị trường xuất khẩu và giảm thuế.

Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng, các con số thống kê cho thấy khối doanh nghiệp FDI đang chiếm gần 70% giá trị xuất khẩu ngành dệt may, vì vậy nhà đầu tư trong nước cần làm chủ tình hình. Với sự cạnh tranh gay gắt từ doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp dệt may trong nước cần nâng cao năng suất cũng như chất lượng của sản phẩm, chấp nhận đầu tư để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Ngoài ra, nâng cao năng lực quản trị sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí.

Trong ngành dệt may, hưởng lợi nhiều nhất là khâu đầu và khâu cuối, tức là khâu thiết kế và khâu marketing. Nếu như doanh nghiệp trong nước không dần lớn lên để tham gia chuỗi mà chỉ tham gia ở những khâu thấp nhất thì lợi ích thu được rất ít. Do đó, sự cần thiết phải chọn lọc vốn FDI vào ngành dệt may.

Linh Nga

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/lan-song-dau-tu-fdi-moi-vao-det-may-164861.html