Làn sóng Covid-19 thứ ba bùng phát, nhiều nước châu Âu xem xét áp lệnh phong tỏa mới

Cơ quan y tế công cộng Đức cho biết, làn sóng Covid-19 đang bùng phát tại nước này. Trong khi đó, Italia bắt đầu áp đặt biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn nhằm hạn chế số ca nhiễm đang tăng trở lại.

Số ca nhiễm Covid-19 đang có xu hướng tăng mạnh trở lại trong những tuần gần đây tại một số nước châu Âu do sự xuất hiện của các biến chủng SARS-CoV-2 mới, buộc giới chức nhiều nước xem xét tái áp đặt các biện pháp hạn chế hoặc lệnh phong tỏa.

Làn sóng Covid-19 thứ ba đang bùng phát tại Đức.

Làn sóng Covid-19 thứ ba đang bùng phát tại Đức.

Làn sóng Covid-19 thứ ba đang bùng phát nhanh chóng ở nhiều nước châu Âu. Số ca mắc mới ở Liên minh châu Âu (EU) đang tăng mạnh nhất kể từ tháng 2, chủ yếu là do sự xuất hiện của các biến chủng virus SARS-CoV-2 mới.

Trong khi Anh bắt đầu nới lệnh phong tỏa, một số nước châu Âu bắt đầu áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn để kiềm chế đợt lây nhiễm mới.

Lothar Wieler - Giám đốc Viện truyền nhiễm của Đức hôm 13/3 thừa nhận, nước này đang chật vật đối phó với làn sóng Covid-19 thứ ba.

Giới chức Đức ngày 13/3 thông báo gần 13.000 ca mắc mới, tăng hơn 3.000 ca so với tuần trước. Tỷ lệ mắc virus SARS-CoV-2 trung bình trong 13/3 tăng lên 76,1 trường hợp trên 100.000 cư dân, tăng mạnh so với mức 72,4 trong ngày thứ Sáu.

Thủ tướng Đức Angela Merkel trước đó đã cảnh báo nước này có thể chứng kiến đợt lây nhiễm thứ ba nếu người dân dỡ bỏ sớm các biện pháp hạn chế sức khỏe cộng đồng.

Tại Italia, giới chức y tế cho biết, số ca nhiễm Covid-19 tại nước này đến cuối tuần đã vượt con số 3 triệu, chủ yếu do sự lây lan nhanh chóng của biến thể B.117 phát hiện ở Anh hồi cuối năm ngoái. Italia ghi nhận tổng cộng 3,1 triệu ca nhiễm Covid và 101.184 trường hợp tử vong.

"Hơn 1 năm sau khi kích hoạt tình trạng khẩn cấp y tế, chúng ta lại phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới của Covid-19. Ký ức về những gì đã xảy ra năm ngoái vẫn còn nguyên, chúng ta sẽ làm mọi việc có thể để ngăn kịch bản đó tái diễn", Thủ tướng Italia Mario Draghi ngày 14/3 tuyên bố.

Hãng thông tấn ANSA hôm 13/3 cho biết, chính phủ Italia sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn từ ngày 15/3 đến ngày 6/4.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 15/3, Italia áp đặt chế độ “báo động đỏ” trên khắp cả nước để ngăn chặn đợt lây nhiễm Covid-19 mới. Theo đó, người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi cần thiết, tất cả trường học, nhà hàng, quán bar và các cơ sở kinh doanh không thiết yếu sẽ buộc phải đóng cửa.

Tại Pháp, tình hình cũng không khả quan hơn. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran nói rằng tình hình dịch bệnh ở thủ đô Paris "rất căng thẳng và đáng lo ngại". "Cứ 12 phút mỗi đêm và ngày lại có một người ở Paris nhập khoa hồi sức cấp cứu", Bộ trưởng Veran tiết lộ.

Số ca nhiễm Covid-19 phải điều trị đặc biệt trong ngày 13/3 lần đầu tiên vượt quá 4.000 người kể từ ngày 26/11/2020, trong đó gần 1.100 bệnh nhân Covid-19 nhập phòng hồi sức cấp cứu ICU ở khu vực Paris.

"Tôi kêu gọi tất cả mọi người, đặc biệt là những người dân tại thủ đô Paris, hãy đeo khẩu trang và thực hiện quy định đảm bảo giãn cách xã hội. Mục đích nhằm giảm áp lực cho các bệnh viện", Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết hôm 14/3.

Thủ tướng Pháp Jean Castex nói rằng tình hình dịch Covid-19 tại nước này rất đáng lo ngại.

Tổng thống Emmanuel Macron đã ban bố lệnh giới nghiêm và các biện pháp cách ly xã hội khác ở một số khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao như TP Nice và Dunkirk. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ hối thúc chính quyền Tổng thống Macron khẩn cấp ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc.

Làn sóng Covid-19 thứ ba bùng phát ở châu Âu trong bối cảnh chương trình tiêm chủng vaccine tại khu vực này đang gặp nhiều trở ngại và chưa đạt mục tiêu.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans cuối tuần qua thừa nhận, chương trình tiêm chủng của khối đã mắc phải những sai lầm khiến nguồn cung khan hiếm, việc triển khai tiêm chủng bị chậm trễ. Trong bối đó, một số thành viên của EU đã đặt mua vaccine ngừa Covid-19 của Nga hoặc Trung Quốc.

Tối ngày 12/3, nhà sản xuất vaccine AstraZeneca một lần nữa thông báo cắt giảm số lượng liều cung cấp cho EU trong năm nay. Thay vì 220 triệu liều dự kiến ban đầu, AstraZeneca cho biết chỉ có thể cung cấp 100 triệu liều cho khối này cho đến giữa năm 2021. Công ty cho biết, sự sụt giảm này là do hạn chế xuất khẩu, song không cung cấp thêm thông tin chi tiết./.

Nguyễn Phương (Theo CNBC,DW)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/lan-song-covid-19-thu-ba-bung-phat-nhieu-nuoc-chau-au-xem-xet-ap-lenh-phong-toa-moi-412907.html