Làn sóng Covid-19 thứ 3 ở Việt Nam: Nhiều khả năng kết thúc cuối tháng 3-2021

Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM đã có bài viết phân tích, nhận định tình hình lây nhiễm Covid-19 ở Việt Nam, Báo Người Lao Động điện tử xin giới thiệu.

gày 27-1, làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 3 tại Việt Nam bắt đầu, khi có 2 ca lây nhiễm cộng đồng được phát hiện ở Hải Dương và Quảng Ninh. Ngày 28-1 có thêm 91 ca lây nhiễm cộng đồng, ngày 29-1 thêm 61 ca. Sau đó, lây nhiễm cộng đồng đã xuất hiện ở 11 tỉnh, thành phố khác và đến ngày 17-2, tổng số người mắc Covid-19 đang được điều trị ở các bệnh viện là 710 (hình 1).

HÌNH 1: Diễn biến lây nhiễm Covid-19 ở Việt Nam (đạt đỉnh vào ngày 17-2-2021)

HÌNH 1: Diễn biến lây nhiễm Covid-19 ở Việt Nam (đạt đỉnh vào ngày 17-2-2021)

Các ngày sau 17-2, số người nhiễm đang điều trị ở các bệnh viện có xu hướng giảm dần, mặc dù có trồi sụt (Hình 1).

Do mức độ lây nhiễm ở Việt Nam rất thấp so với thế giới (ngày 17-2, bình quân 1 triệu người Việt Nam chỉ có 7,3 người mắc Covid-19 đang được điều trị - trong khi bình quân trên thế giới là 2.885 người đang được điều trị trên 1 triệu dân, ở Mỹ là 27.183, Pháp: 50.028, Đức: 1.606, Indonesia: 575, Nhật: 148) và từ kinh nghiệm làn sóng lây nhiễm thứ 2 của Việt Nam (27-7-2020 đến 23-9-2020), khi số người đang được điều trị ở các bệnh viện đã đạt đỉnh thì sau đó sẽ có xu hướng giảm dần và kết thúc làn sóng lây nhiễm sau khoảng 60 ngày. Tuy nhiên, để có thể dự báo diễn biến làn sóng lây nhiễm thứ 3 của Việt Nam, cần phân tích diễn biến lây nhiễm ở các tỉnh, thành phố có số người lây nhiễm cộng đồng lớn nhất là Hải Dương, Quảng Ninh, TP HCM và Hà Nội.

Diễn biến lây nhiễm Covid-19 ở Hải Dương thể hiện qua số người nhiễm đang được điều trị trong Hình 2. Số người đang được điều trị ở trong các bệnh viện phản ánh 2 xu hướng.

Một là, sự lây nhiễm trong cộng đồng. Khi sự lây nhiễm tăng thì số người phải vào các bệnh viện sẽ tăng, số người đang được điều trị sẽ tăng và ngược lại.

Hai là, hiệu quả của việc điều trị người đã nhiễm ở các bệnh viện. Nếu việc điều trị hiệu quả cao, số người ra viện sẽ nhiều, làm giảm số người còn lại phải tiếp tục điều trị, nguy cơ lây nhiễm cho xã hội sẽ giảm và ngược lại.

HÌNH 2: Diễn biến dịch Covid-19 tại Hải Dương (đạt đỉnh vào ngày 11-2-2021)

Với dân số 1,9 triệu người, ngưỡng an toàn dịch của Hải Dương là 19 người đang được điều trị tại các bệnh viện (tương đương 10 người nhiễm/1 triệu dân). Ngày đầu bùng phát lây nhiễm, Hải Dương chỉ có 5 người đang được điều trị nhưng đến ngày thứ 2, đã có 77 người nhiễm đang được điều trị tại các bệnh viện - gấp 8,5 lần ngưỡng an toàn dịch 19 người (Hình 2). Tức là mức độ lây nhiễm cộng đồng tại Hải Dương ngày 28-1 đã là tỉnh có dịch Covid-19.

Đến ngày 18-2, tổng số người nhiễm đang được điều trị là 497, bằng 26 lần ngưỡng an toàn dịch và đạt mức cao nhất – đạt đỉnh dịch. Sau đó, số người đang được điều trị có xu hướng giảm dần (Hình 2).

Những ngày sắp tới sẽ tiếp tục xuất hiện các ca lây nhiễm tại cộng đồng mới ở Hải Dương. Song, nếu Hải Dương thực hiện quyết liệt các biện pháp đã triển khai mà nhờ đó, số người đang được điều trị đã đạt đỉnh và giảm dần, có điều chỉnh khi cần thiết, cho đến khi số người đang được điều trị nhỏ hơn ngưỡng an toàn dịch (19), thì có thể dự báo là dịch Covid-19 ở Hải Dương sẽ kết thúc cuối tháng 3-2021.

Trong vòng 23 ngày, từ 27-1 đến 18-2 (dịch đạt đỉnh), tốc độ bình quân tăng số người đang được điều trị là 21,4 người/ngày.

Còn ở Đà Nẵng, tại làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần 2, tốc độ bình quân tăng số người đang được điều trị là 14,6 người/ngày. Tuy nhiên, từ 2 con số này mà kết luận là dịch ở Hải Dương lây lan mạnh hơn, nhanh hơn gấp 1,5 lần (21,4/14,6) ở Đà Nẵng là chưa có cơ sở. Dân số Hải Dương và Đà Nẵng khác nhau, nên không thể so sánh tốc độ bình quân tăng số người đang được điều trị ở 2 địa phương với nhau.

Muốn so sánh tốc độ lây nhiễm Covid-19 ở 2 nước hay 2 địa phương với nhau thì phải quy về sự lây nhiễm trong 1 triệu người dân ở 2 nước hoặc 2 địa phương này. Nếu lấy số người đang được điều trị ở Mỹ với 331 triệu dân ngày 27-12-2020 là 7,68 triệu người so với số người đang được điệu điều trị ở Bỉ với dân số 11,5 triệu là 575.408 người và kết luận là Mỹ có mức dịch Covid-19 cao hơn Bỉ thì là sai. Vì tính cho 1 triệu dân thì Mỹ có 23.208 người đang được điều trị, còn Bỉ có 49.778 người đang được điều trị. Tức là cường độ dịch ở Bỉ cao gấp hơn 2 lần Mỹ.

Dân số Hải Dương là 1,9 triệu người, nếu tính cho 1 triệu người dân, mức độ bình quân tăng số người đang được điều trị, tính từ khi có dịch đến lúc dịch đạt đỉnh, là 11,26 người/ngày/1 triệu dân (21,4 người/ngày: 1,9 triệu dân). Tức là trong 1 triệu dân ở Hải Dương, cứ sau 1 ngày sẽ có thêm bình quân 11,26 người phải được điều trị Covid-19 ở các bệnh viện.

Dân số Đà Nẵng là 1,14 triệu người, do đó tốc độ bình quân tăng số người phải được được điều trị là 12,8 người/ngày/1 triệu dân (14,6 người/ngày: 1,14 triệu dân), cao hơn Hải Dương (11,26 người/ngày/1 triệu dân).

Nếu không tính số ca mắc được chữa khỏi trong thời gian dịch bùng phát thì bình quân trên 1 triệu dân, mỗi ngày ở Hải Dương có thêm 13,4 người mắc mới, còn ở Đà Nẵng là 14,8 người mắc mới. Tức là tốc độ lây lan dịch ở Đà Nẵng cao hơn ở Hải Dương.

Diễn biến lây nhiễm Covid-19 ở Quảng Ninh thể hiện ở Hình 3.

HÌNH 3: Diễn biến dịch Covid-19 ở Quảng Ninh (đạt đỉnh ngày 11-2-2021)

Ngày 27-1, Quảng Ninh chỉ có thêm 1 ca lây nhiễm cộng đồng mới nhưng đến ngày 28-1 đã có 12 người nhiễm Covid-19 phải được điều trị, lớn hơn ngưỡng an toàn dịch là 11 người (Hình 3). Tức là chỉ sau 2 ngày lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, Quảng Ninh đã là tỉnh có dịch. Ngày 11-2, dịch đạt đỉnh với 59 người nhiễm đang được điều trị, gấp 5,17 lần ngưỡng an toàn dịch (so với Hải Dương, mức độ dịch thấp hơn nhiều, vì số người đang được điều trị ở Hải Dương lúc đạt đỉnh là 497 - gấp hơn 26 lần ngưỡng an toàn dịch).

Sau ngày 11-2, số người đang được điều trị ở Quảng Ninh có xu hướng giảm dần (Hình 3). Nếu Quảng Ninh tiếp tục duy trì các biện pháp quyết liệt vừa qua, có điều chỉnh khi cần thiết cho đến khi số người đang được điều trị thấp hơn ngưỡng an toàn dịch (11 người), thì dịch ở tỉnh này có thể kết thúc đầu tháng 3-2021.

Diễn biến lây nhiễm Covid-19 ở TP HCM trong làn sóng thứ 3 của Việt Nam thể hiện ở Hình 4. Với dân số hơn 9 triệu người, ngưỡng an toàn dịch của T P HCM là 90 người đang được điều trị ở các bệnh viện.

HÌNH 4: Diễn biến lây nhiễm Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh (đạt đỉnh ngày 13-2-2021)

Theo Hình 4, số người đang được điều trị tại các bệnh viện tăng mạnh sau ngày 7-2, khi phát hiện ra chùm lây nhiễm bởi nhân viên bốc xếp hàng hóa của sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, số người đang được điều trị chưa bao giờ vượt quá 50 và đạt đỉnh ngày 13-2 với 48 người đang được điều trị. Tức là TP HCM có lây nhiễm nhưng không có dịch Covid-19.

Tỉ lệ người đang được điều trị/1 triệu dân khi đạt đỉnh là 5,33, bằng 2% mức của Hải Dương khi đạt đỉnh (261 người/1 triệu dân). Đã qua 12 ngày (từ 11-2), tại TP HCM không phát sinh ca lây nhiễm cộng đồng mới. Dự báo tuần cuối tháng 2-2021 sẽ có nhiều ca xuất viện và cuối tháng 2-2021, số người đang được điều trị sẽ ở mức như trước 7-2 (không quá 15 người) - Hình 4.

Hình 5 thể hiện diễn biến lây nhiễm Covid-19 tại Hà Nội trong làn sóng lây nhiễm thứ 3 của Việt nam.

Do ở gần Hải Dương nên sau 2 ngày lây nhiễm cộng đồng tại tỉnh này xuất hiện (27-1) thì ở Hà Nội cũng xuất hiện các ca lây nhiễm cộng đồng và tăng dần, đạt đỉnh vào ngày 15-2 với 36 người đang được điều trị (Hình 5).

Ngưỡng an toàn dịch của Hà Nội là 80 người đang được điều trị nên Hà Nội không có dịch Covid-19. Tỉ lệ người đang được điều trị trên 1 triệu dân của Hà Nội lúc này là 4,5, thấp hơn ở TP HCM (5,33) và bằng 1,7% của Hải Dương khi đạt đỉnh (261 người/1 triệu dân). Dự báo đầu tháng 3-2021, số người đang được điều trị ở Hà Nội sẽ giảm về mức trước 29-1 (không quá 10 người) - Hình 5.

HÌNH 5: Diễn biến lây nhiễm ở Thủ đô Hà Nội (nhiều khả năng đạt đỉnh từ ngày 15-2 đến 22-2)

1. Làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 3 ở Việt Nam bắt nguồn từ 2 địa phương có lây nhiễm cộng đồng là Hải Dương và Quảng Ninh, được phát hiện ngày 27-1 sau đó lan ra 11 tỉnh, thành phố khác. Tính đến ngày 23-2, có 811 ca lây nhiễm được phát hiện, trong đó Hải Dương 627 ca (chiếm 77,3% cả nước), Quảng Ninh 61 ca (7,5%), TP HCM 36 ca (4,4%), Hà Nội 35 ca (4,3%), Gia Lai 27 ca (3,3%), Bình Dương 6 ca, Bắc Ninh 5 ca, Hải Phòng 4 ca, Điện Biên 3 ca, Hòa Bình 2 ca, Bắc Giang 2 ca, Hưng Yên 2 ca và Hà Giang 1 ca.

Hai địa phương có tỉ lệ lây nhiễm trên 1 triệu dân cao nhất là Hải Dương (330 người/1 triệu dân) và Quảng Ninh (53,5 người/1 triệu dân), là 2 địa phương có dịch Covid – 19. Các tỉnh, thành phố còn lại thực tế là không có dịch, chỉ có lây nhiễm với các mức khác nhau, song luôn dưới mức an toàn dịch của địa phương mình (10 người đang điều trị/1 triệu dân) - Sơ đồ 1.

Hải Dương và Quảng Ninh chiếm 84,8% tổng số ca lây nhiễm cộng đồng tính đến ngày 23-2. 8 tỉnh, thành phố có số người nhiễm từ 6 trở xuống chỉ chiếm tổng cộng 25 ca, bằng 3,08% của cả nước. 50 tỉnh, thành phố còn lại không có lây nhiễm cộng đồng, chiếm 79% số tỉnh, thành phố cả nước - Sơ đồ 1. Việt Nam đang diễn ra làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 3 nhưng không có dịch, chỉ có hai tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh có dịch.

Sơ đồ 1: Việt Nam có làn sóng lây nhiễm Covid – 19 lần thứ 3 (27.1 – 27.3), song không có dịch (đỉnh lây nhiễm vào 17-2 với 710 người nhiễm đang được điều trị ở các bệnh viện, bằng 7,3 người đang điều trị/1 triệu dân, dưới mức an toàn dịch 10 người/triệu dân).

2. Với nỗ lực, quyết tâm cao của 13 tỉnh, thành phố trong làn sóng thứ 3 này, sự chi viện tích cực của ngành y tế cả nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, với các kinh nghiệm phòng chống dịch ở 2 làn sóng lây nhiễm Covid-19 trước kia, làn sóng lây nhiễm thứ 3 nhiều khả năng sẽ kết thúc vào cuối tháng 3-2021, tức là sau khoảng 60 ngày (27.1 – 27.3), giống như 2 lần trước (làn sóng 1: 58 ngày, làn sóng 2: 59 ngày).

Dự kiến tại TP HCM, vào cuối tháng 2-2021, tình hình sẽ trở lại như trước khi có làn sóng thứ 3; tại Hà Nội và Quảng Ninh vào đầu tháng 3-2021; ở Hải Dương vào cuối tháng 3-2021.

Việc học tập, sản xuất - kinh doanh, các hoạt động vận tải, vui chơi giải trí có thể được chuẩn bị để triển khai trong trạng thái bình thuờng mới phù hợp với các mốc thời gian dự báo nói trên.

3. Nguy cơ xảy ra một làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới hiện nay vẫn còn, nếu chúng ta không kiểm soát thật kịp thời, chặt chẽ người nước ngoài và người Việt nhập cảnh Việt Nam, kể cả chính thức và bất hợp pháp, để loại trừ và hạn chế ở mức thấp nhất nguy cơ người nhập cảnh mang lây nhiễm vào nước ta.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/emagazine-lan-song-covid-19-thu-3-o-viet-nam-nhieu-kha-nang-ket-thuc-cuoi-thang-3-2021-20210225121601723.htm