Làn sóng chống biến đổi khí hậu

Ngày 21-7-2020, từ Apple đến Microsoft, Nike, Mercedes, Danone và một số công ty đa quốc gia đã đưa ra các sáng kiến để chống biến đổi khí hậu và khuyến khích các công ty còn lại theo gương.

Lời hứa có đáng tin?

Apple cam kết trung hòa carbon vào năm 2030 trong tất cả các hoạt động của mình, bao gồm cả chuỗi cung ứng. Apple cho biết, tất cả các thiết bị điện tử của họ từ iPhone đến Macbook sẽ không còn tác động đến khí hậu. Để làm điều này, Apple có kế hoạch giảm 75% lượng khí thải bằng cách phát triển các giải pháp đổi mới loại bỏ carbon, như các dự án phục hồi thảo nguyên ở Kenya hoặc đầu tư vào hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Colombia...

Hạn chế khí đốt bỏ ở những giàn khoan là một trong những cách chống phát thải khí nhà kính

Hạn chế khí đốt bỏ ở những giàn khoan là một trong những cách chống phát thải khí nhà kính

9 công ty đa quốc gia khác do Microsoft đứng đầu đã tham gia vào một liên minh với mục tiêu “cho phép tất cả các công ty đạt được mục tiêu trung hòa carbon” vào năm 2050. Sáng kiến “Transform to Net Zero” hiện đang tập hợp các nhà vận tải Đan Mạch AP Moller - Maersk, chuỗi cà phê Starbucks của Mỹ, tập đoàn thực phẩm Pháp Danone, tập đoàn Anh - Hà Lan Unilever, nhà sản xuất xe hơi Đức Mercedes-Benz, tập đoàn mỹ phẩm Brazil Natura&Co, nhà sản xuất thiết bị thể thao Mỹ Nike, tập đoàn tư vấn công nghệ thông tin Ấn Độ Wipro.

Các công ty muốn chia sẻ thông tin và kinh nghiệm của họ về những cách tốt nhất để giới hạn lượng khí thải carbon và giúp hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình trên trái đất lên 1,5oC, tương ứng với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trong đó các bên ký kết cam kết vào năm 2015 giảm phát thải khí nhà kính để hạn chế sự nóng lên +2oC, hoặc 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Ngày 21-7-2020, Ben Smith, đại diện Microsoft, khẳng định: “Không có công ty nào có thể giải quyết khủng hoảng khí hậu một mình. Đó là lý do tại sao các công ty lớn sẽ phát triển và chia sẻ các cách làm tốt nhất, nghiên cứu và kết quả trải nghiệm của họ để giúp các công ty khác tiến lên phía trước”.

Tuy nhiên, các công ty không cung cấp chi tiết về các dự án hoặc các khoản đầu tư mà họ chỉ đưa ra các công việc muốn hoàn thành vào năm 2025.

Những tập đoàn đa quốc gia khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, dầu mỏ hoặc nông sản trong những năm gần đây đã liên tục đưa ra lời hứa sẽ trung hòa carbon.

Nhưng, các nhà bảo vệ môi trường thường xuyên thể hiện sự nghi ngờ về các lời hứa của các công ty. Chẳng hạn như Amazon, đầu năm 2020, đã hứa sẽ đạt được tính trung hòa carbon vào năm 2040 và Jeff Bezos đã tạo ra “Quỹ cho trái đất” và tặng 10 tỉ USD vào quỹ này. Tuy nhiên, Amazon cũng đã xây dựng thành công một mạng lưới hậu cần vận tải đường bộ khổng lồ để bảo đảm việc giao hàng ngày càng nhanh chóng và mạng lưới này thải ra lượng khí thải nhà kính rất lớn.

“Khoảng cách giữa những gì chúng ta đang thực hiện để chống lại sự thay đổi khí hậu và những gì chúng ta cam kết ngày càng xa. Cũng như khoảng cách giữa các công ty chỉ nói về việc trung hòa carbon và những công ty khác thực sự thực hiện nó” - Fred Krupp, Chủ tịch Quỹ Bảo vệ môi trường của Mỹ, phát biểu hôm 21-7.

“Cách riêng” của ngành dầu khí

Liên quan đến lĩnh vực dầu khí, trong một báo cáo ngày 27-7-2020, IEEFA (Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính) đã chỉ trích Shell và Total tiếp tục dành 90% các khoản đầu tư của họ vào nhiên liệu hóa thạch mặc dù các tập đoàn này hứa sẽ giảm lượng khí thải nhà kính.

Đại diện của một số công ty dầu khí trong liên minh chống biến đổi khí hậu

Theo IEEFA, Shell từng cam kết sẽ giảm 65% lượng phát thải khí nhà kính từ nay đến năm 2050, nhưng chỉ dành 3-5% khoản đầu tư vào năng lương tái tạo, như vậy sẽ không đáp ứng mục tiêu dành 4-6 tỉ USD cho các dự án năng lượng xanh cho năm 2020.

Đáp lại, Shell và Total cho rằng họ có cách khác để tuân thủ cam kết chống biển đổi khí hậu của mình. Shell không có mục tiêu cụ thể liên quan đến đầu tư vào năng lượng tái tạo, nhưng đã dành 55% khoản đầu tư vào việc chuyển đổi năng lượng (bao gồm cả khí tự nhiên và nhiên liệu sinh học). “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ Thỏa thuận Paris và nhu cầu chuyển đổi sang một xã hội có hàm lượng carbon thấp và chúng tôi cam kết thực hiện vai trò của mình”, người phát ngôn của Shell nói với AFP.

Đối với Total, cam kết trung hòa carbon ở châu Âu vào năm 2050, mục tiêu lắp đặt các công trình năng lượng tái tạo có công suất 25 GW đến năm 2025 của tập đoàn sẽ khó đạt được, theo IEEFA. Total không bình luận về báo cáo của IEEFA nhưng chỉ ra rằng, họ đã dành 10% vốn đầu tư cho điện carbon thấp với mục tiêu tăng lên 20% từ nay đến năm 2030 hoặc sớm hơn.

IEEFA thừa nhận rằng hai gã khổng lồ đã đạt được những tiến bộ, nhưng cho rằng họ nên đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực năng lượng xanh - khoảng 10 tỉ USD vào năng lượng tái tạo mỗi năm (tương đương 50% vốn đầu tư của tập đoàn).

Trước đó, ngày 20-7, 12 công ty dầu khí khổng lồ, trong đó có Saudi Aramco, ExxonMobil và Chevron, đã công bố ý định giảm cường độ carbon trong các hoạt động sản xuất. Cường độ carbon là lượng CO2 cần thiết để sản xuất hàng hóa, trong trường hợp này là dầu mỏ. Năm 2017, cường độ carbon trung bình của tất cả các công ty đa quốc gia này là 23kg CO2/thùng dầu. Liên minh Sáng kiến khí hậu trong ngành Dầu khí (OGCI) hứa hẹn sẽ giảm cường độ carbon trung bình xuống còn khoảng 20-21kg CO2/thùng dầu khai thác từ nay đến năm 2025. Theo OGCI, mục tiêu này là một bước bổ sung để hỗ trợ Thỏa thuận khí hậu Paris nhằm giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 20C so với thời kỳ tiền công nghiệp bằng cách giảm mạnh phát thải khí nhà kính xuất phát từ nhiên liệu hóa thạch.

S.Phương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/lan-song-chong-bien-doi-khi-hau-575518.html