Làn sóng cải cách thủ tục hành chính lần thứ 3

Nghị quyết 68 với mục tiêu cắt giảm 20% các quy định về kinh doanh trong 5 năm tới là 'làn sóng' cải cách thủ tục hành chính lần thứ ba trong nhiệm kỳ vừa qua, cùng với việc xóa bỏ hàng ngàn giấy phép con và cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh.

Ảnh: P.V

Ảnh: P.V

Chương trình cải cách phạm vi rộng nhất từ trước đến nay

Chiều 30/9, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã tổ chức họp báo về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, ngày 12/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025. "Đây là chương trình cải cách có phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ nhằm thúc đẩy cải cách các quy định và tổ chức thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh với quan điểm lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm" - Bộ trưởng cho biết và đánh giá "chúng ta còn rất nhiều dư địa cho tăng trưởng thông qua việc cải cách".

Về phạm vi, Chương trình cải cách không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ thống kê, rà soát, đánh giá, tính chi phí tuân thủ, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với tất cả các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong các văn bản đang có hiệu lực thi hành, mà cải cách toàn diện cả các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật các bộ, cơ quan được giao xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Về mục tiêu, chương trình đặt ra mục tiêu cụ thể: Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020 được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31/10/2020). Đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên cơ sở các quy định pháp luật, nhất là các văn bản hành chính, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nghị định của Chính phủ; ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh.

Tháo gỡ những quy định "cài cắm" gây khó khăn cho doanh nghiệp

Để thực hiện được mục tiêu Chính phủ giao tại nghị quyết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã nêu rõ một số nhiệm vụ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai. Tại cuộc họp báo, chuyên gia Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) cũng đã giới thiệu với các đại biểu về công cụ cải cách quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Lấy ví dụ cụ thể về các quy định về kinh doanh casino, chuyên gia làm rõ cách thức rà soát, thống kê và tiến hành cải cách, cắt giảm các quy định liên quan.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có thể coi việc Nghị quyết 68 đặt mục tiêu cắt giảm 20% các quy định về kinh doanh trong 5 năm tới là "làn sóng" cải cách TTHC lần thứ ba trong nhiệm kỳ vừa qua, cùng với việc xóa bỏ hàng ngàn giấy phép con và cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh. "Chính phủ đã thành công với việc thúc đẩy cải cách thể chế, với cách thức thực hiện bài bản hơn" - ông Vũ Tiến Lộc nói.

Tuy vậy, Chủ tịch VCCI cũng đánh giá hệ thống pháp luật kinh doanh hiện tại vẫn còn không ít quy định chưa đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Một số bộ, ngành triển khai cải cách có hiện tượng "giảm nhiệt", thủ tục và điều kiện kinh doanh vẫn còn nặng nề….

Để thực hiện Nghị quyết 68 hiệu quả, ông Lộc cho rằng, đối thoại và lắng nghe ý kiến doanh nghiệp là cần thiết. Cùng với đó, tháo gỡ đồng bộ, kể cả những phụ lục có thể "cài cắm" quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp.

"Chúng ta cứ tưởng những điều văn bản luật mới gây cản trở, nhưng có những quy định trong biểu đính kèm tưởng rất nhỏ nhưng lại gây khó khăn không ít cho doanh nghiệp" - ông Lộc nói. Cũng theo Chủ tịch VCCI, cần hạn chế tối đa tình trạng một thông tư có thể ảnh hưởng tới đời sống sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Việc sửa đổi cần tập trung theo hướng một luật sửa đổi nhiều luật…

"Rất hy vọng, Nghị quyết 68 sẽ thúc đẩy một đợt sóng cải cách mới về các quy định kinh doanh, rất quan trọng với nền kinh tế Việt Nam" - ông Vũ Tiến Lộc phát biểu./.

Dương An

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2020-10-01/lan-song-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-lan-thu-3-92879.aspx