Lằn ranh đỏ thông tin

Vụ giải cứu các thành viên của đội bóng nhí Thái Lan tại hang Tham Luang, khiến cả thế giới phải nín thở trong những ngày đầu tháng 7 vừa qua đã để lại rất nhiều bài học, trong đó có một bài học rất quan trọng trong thời kỳ bùng nổ thông tin hiện nay: Bài học về một lằn ranh đỏ của thông tin!

Phải 4 ngày sau khi đội bóng nhí được tìm thấy trong hang, chiến dịch giải cứu mới được Chính phủ Thái Lan triển khai, nhưng Hội đồng Báo chí Thái Lan đã kịp đưa ra thông báo cảnh tỉnh giới truyền thông.

Cao hơn nhắc nhở, thông báo đó đề nghị truyền thông cần phải biết "lằn ranh đỏ" khi đưa tin về chiến dịch giải cứu để quyền riêng tư của các cậu bé cũng như đoàn cứu hộ và những người có liên quan được tôn trọng.

Điều này, theo Hội đồng Báo chí Thái Lan, nhằm mục đích không để ảnh hưởng đến tinh thần của các cậu bé cũng như để những người cứu hộ được tiếp tục nhiệm vụ khó khăn mà không bị mất tập trung bởi các nhà báo.

Hội đồng Báo chí Thái Lan cũng khuyên các nhà báo cần phải làm việc với các bác sỹ, các chuyên gia tâm lý học để hiểu biết hơn nhằm đảm bảo các câu hỏi phỏng vấn không gây tổn thương thêm nữa cho các cậu bé và gia đình của các em.

Cảnh sát Thái Lan dùng ô che xung quanh khu vực trực thăng chở các nạn nhân.

Trong cuốn sổ tay Hướng dẫn đưa tin về thảm họa dành cho các nhà báo mà tác giả là 2 nhà báo nổi tiếng là Joe Hight (Thư ký tòa soạn tờ Oklahoma, người từng điều hành nhóm phóng viên và biên tập viên đưa tin vụ đánh bom tại thành phố Oklahoma) và Frank Smyth (thuộc Tổ chức Bảo vệ phóng viên CPJ trụ sở tại New York), cũng đã từng hướng dẫn các nhà báo khi phỏng vấn nạn nhân thảm họa rằng: "Luôn tôn trọng và đối xử với nạn nhân theo cách mà chính bạn mong muốn được đối xử nếu gặp tình huống tương tự".

Trong vụ giải cứu đội bóng nhí Thái Lan, không chỉ nhắc nhở và khuyên, Thái Lan đã bảo vệ quyền riêng tư của những người liên quan đến sự kiện một cách tuyệt vời. Hiện trường giải cứu được bảo vệ kỹ lưỡng bằng hàng rào cảnh sát.

Khu vực bệnh viện, nơi các cậu bé sẽ được đưa đến sau khi rời khỏi hang, cũng được che chắn để đảm bảo sẽ không thể có một bức hình nào của nạn nhân được chụp.

Thái Lan họp báo mỗi ngày để cung cấp thông tin. Các nhà báo của các hãng nổi tiếng trên thế giới dù lúc nào cũng sẵn sàng tác nghiệp, thì cuối cùng cũng chỉ đứng ở vòng ngoài để mà chụp lẫn nhau thôi. Cho đến thời điểm tất cả 13 thành viên của đội bóng nhí được giải cứu an toàn, vẫn chưa có một bức hình nạn nhân nào được chụp bởi các nhà báo.

Cuộc sống riêng tư của các cậu bé trước và sau khi gặp nạn cũng không bị đào xới bởi truyền thông. Những kịch bản thường thấy của truyền thông kiểu “kền kền” dạng “chuyện đời của cầu thủ A - từ cậu bé học kém trở thành cầu thủ nhí tài năng” hoặc “chân sút của cầu thủ B đã được tìm thấy như thế nào?” hoặc “Sự đùm bọc của nhà trường với em C” hay huyền bí hơn nữa là “ Giấc mơ báo ứng của cầu thủ D trước khi gặp nạn” hoàn toàn không xuất hiện.

Cũng không có những phỏng vấn cha mẹ các cầu thủ nhí với những câu hỏi lâm ly và đầy moi móc đại loại: “Ông/bà có hận cậu huấn luyện viên biệt danh Ek, người đã đưa con ông bà vào chỗ chết hay không?”.

Trong lo âu, sợ hãi đến nghẹt thở ngóng chờ tin con, cha mẹ các cầu thủ nhí đã được bảo vệ tại một khu vực riêng và hình ảnh họ trên báo chí vẫn xuất hiện nhưng đầy bình tĩnh và nhân hậu với những trích dẫn: "Nếu Ek không đi với lũ nhỏ, không biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa... Một ngày nào đó khi Ek được cứu, hãy chữa lành vết thưởng của nó. Ek thân yêu, cô chưa bao giờ đổ thừa tất cả sự việc này là do cháu" (lời bà mẹ của Pornchai Khamluang, một trong những thành viên đội bóng bị mắc kẹt).

Bảo vệ quyền riêng tư của những nạn nhân và những người có liên quan là việc làm khó, nhưng Thái Lan đã làm được. Không chỉ để tránh cho họ khỏi những tổn thương do truyền thông mang lại mà còn bảo vệ nguyên tắc nhân văn của báo chí.

Cái lằn ranh đỏ khi đưa tin được tuân thủ, không chỉ bởi nỗi sợ hãi của những trừng phạt kiểu cảnh cáo hay thu giấy phép hành nghề mà bởi đạo đức của người làm báo khi tác nghiệp.

Nhiều nhà nghiên cứu báo chí đã đưa ra bộ lọc gồm 3 câu hỏi cho nhà báo khi lựa chọn thông tin, đó là: Thông tin đó có thật không; có thật nhưng có thú vị không; và cuối cùng là có thật, có thú vị nhưng có đem lại lợi ích gì cho công chúng hay không?

Nhiệm vụ của nhà báo là đưa tin, là đảm bảo quyền được thông tin của công chúng nhưng bên cạnh đó còn là trách nhiệm xã hội của nhà báo. Từ sự kiện bản thể đến sự kiện nhận thức là một hành trình và đó phải là hành trình tốt đẹp, mang lại những giá trị cao quý và đích thực cho công chúng báo chí.

Còn nhớ, khi vụ thảm sát 6 người trong một gia đình ở Bình Dương xảy ra hồi tháng 7 năm 2015, báo chí đưa những thông tin ít giá trị mà chỉ nhằm giật gân câu khách tràn lan tới mức chính các nhà báo phải lên tiếng trên báo chí kêu gọi các đồng nghiệp “hãy dừng lại, đừng làm xã hội đau thêm” khi mà các bản tin về vụ án này nhiều đến độ có cảm giác như “máu nạn nhân vấy trên mặt báo”.

Các câu chuyện riêng tư của nạn nhân, những bức hình chụp nạn nhân và thủ phạm thời còn yêu nhau cũng được tung tất cả lên mặt báo. Gia đình của thủ phạm cũng bị săn lùng bởi báo chí.

Tìm kiếm trên Google bây giờ, vẫn còn đó, rất nhiều hình ảnh bà mẹ Vũ Văn Tiến, của cha đẻ Nguyễn Hải Dương. Những bức hình nhan nhản, chụp ở rất nhiều góc độ nhưng cùng giống nhau là khổ đau, là chứa chan nước mắt.

Tôi đã từng rùng mình khi thấy câu hỏi phỏng vấn của phóng viên trên một tờ báo với mẹ bị án tử hình Vũ Văn Tiến ngay sau phiên tòa rằng “cảm giác của bà thế nào?” bởi tôi cho đó là một câu hỏi tàn nhẫn với một bà mẹ đã phải chịu quá nhiều đớn đau tủi nhục do tội lỗi không phải của mình.

Giống như đã từng có một “phiên tòa truyền thông” kết tội bà mẹ đau khổ của “tên cướp chặt tay Hồ Duy Trúc” sau khi bà có những hành động chưa đúng tại khuôn viên Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tại thời điểm sau khi đứa con trai ruột bị tuyên án tử hình.

Trong khi bà không hề bị cơ quan pháp luật xử lý thì có tờ báo đã "thay mặt" tòa án để "kết tội" rằng, "theo Điều 245, Bộ luật Hình sự, “người nào gây rối trật tự công cộng mà có hành vi phá phách” thì có thể bị phạt tù tới 7 năm. Trong trường hợp này, mẹ bị cáo Trúc có hành vi gây rối trật tự phiên tòa là quá rõ. Đồng thời, suy diễn quy chụp: “Gia đình là tế bào của xã hội”, tiếc rằng gia đình bị cáo Trúc, qua tội ác không thể dung thứ của người con và cách hành xử thái quá nêu trên của người mẹ, thể hiện đây là một “tế bào bệnh hoạn” mà xã hội không thể chấp nhận được".

Giống như đã từng có tờ báo, có nhà báo chủ trương đào bới, xới lại những đớn đau ngày cũ của những nhân vật nổi tiếng. Nghiệp vụ báo chí, kỹ năng khai thác thông tin đã được nhà báo sử dụng nhưng không phải để mang đến những thông tin có ích cho công chúng mà tiếc thay chỉ là những bi kịch riêng tư của quá khứ.

Nó có thể chỉ làm thỏa mãn trí tò mò của một bộ phận công chúng nhưng xét trên góc độ giá trị thông tin, nó chỉ là con số 0 tròn trĩnh và tệ hơn, nó sẽ chỉ làm đau thêm nhân vật và những người có liên quan.

Hiện trường vụ đánh bom Oklahoma, tháng 4-1995.

Một nhà báo, người đã từng có một thời câu độc giả bằng những câu chuyện kiểu này đã từng ân hận, khi anh viết trên trang cá nhân rằng: “Có những nhân vật tôi để họ nói nỗi đau của cuộc đời họ ra, rồi cuối cùng chính họ lại đau thêm, tôi hay bạn đọc với những giọt nước mắt cảm thông mơ hồ, cũng chẳng làm lành vết thương cả cũ lẫn mới, cho họ.

Những bi thương ngày cũ với lòng vị tha nào đó được bảo bọc trong từng ngôn từ bao dung vĩ đại, có khi là một phát đại bác hủy diệt đến vô cùng. Vì ai cũng cần có nhu cầu được hồi sinh sau những cơn địa chấn quá khứ, thì khơi lại làm gì khi những nham thạch nóng lại chảy vào chính những người thân của những người liên quan trong câu chuyện ấy ngay khi câu chuyện được kể và mãi về sau”.

Cái “lằn ranh đỏ” khi đưa tin, cần lắm, không chỉ từ những quy định của luật pháp mà cần từ chính trái tim của những người làm nghề. n

Trong một phóng sự ngắn được trình chiếu tại hội thảo với chủ đề “Hạn chế tổn thương tinh thần trong tác nghiệp báo chí” do Dart Centrer tổ chức tại Hà Nội tháng 2-2018, những người làm phóng sự đã phỏng vấn khá nhiều thân nhân của người bị hại trong những vụ trọng án xảy ra ở Austrailia.

Cha của một cô gái là nạn nhân trong một vụ sát hại dã man đã khóc rất nhiều khi nói rằng, tất cả những gì họ (tức là các phóng viên) muốn chỉ là câu chuyện về nỗi đau mất con của ông. Một bà mẹ khác, sau cái chết của con gái mình đã bị báo chí chĩa micro vào và hỏi “bà cảm thấy thế nào?” đã phẫn nộ đánh giá rằng, đó là “báo chí kền kền”.

Khi báo chí biến nỗi thương đau và những câu chuyện riêng tư nhiều bi kịch trở thành hàng hóa là khi báo chí đang dần đánh mất đi tính nhân văn vốn có trong nguyên tắc bất biến của mọi nền báo chí.

Báo chí không thể lấy "nỗi đau" làm "hàng hóa

Trong một phóng sự ngắn được trình chiếu tại hội thảo với chủ đề “Hạn chế tổn thương tinh thần trong tác nghiệp báo chí” do Dart Centrer tổ chức tại Hà Nội tháng 2-2018, những người làm phóng sự đã phỏng vấn khá nhiều thân nhân của người bị hại trong những vụ trọng án xảy ra ở Austrailia.

Cha của một cô gái là nạn nhân trong một vụ sát hại dã man đã khóc rất nhiều khi nói rằng, tất cả những gì họ (tức là các phóng viên) muốn chỉ là câu chuyện về nỗi đau mất con của ông.

Một bà mẹ khác, sau cái chết của con gái mình đã bị báo chí chĩa micro vào và hỏi “bà cảm thấy thế nào?” đã phẫn nộ đánh giá rằng, đó là “báo chí kền kền”. Khi báo chí biến nỗi thương đau và những câu chuyện riêng tư nhiều bi kịch trở thành hàng hóa là khi báo chí đang dần đánh mất đi tính nhân văn vốn có trong nguyên tắc bất biến của mọi nền báo chí.

Đặng Huyền

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/6cuthang__-lan-ranh-do-thong-tin-504523/