Lằn ranh dám quyết, dám làm và sai phạm: Khi 'thuyền trưởng' Lê Viết Chữ sớm rời bánh lái

Chiều 8/7/2020, Tỉnh ủy Quảng Ngãi thông tin với báo chí về việc Bộ Chính trị ra quyết định cho ông Lê Viết Chữ thôi chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, nhiệm kỳ 2015-2020. Trước đó, ông Lê Viết Chữ đã nhận quyết định kỷ luật ở mức cảnh cáo và sau đó viết đơn xin thôi chức…

Ông Lê Viết Chữ (bên phải) đang cầm lái chiếc tàu Hoàng Sa ảnh: Văn Chương

Ông Lê Viết Chữ (bên phải) đang cầm lái chiếc tàu Hoàng Sa ảnh: Văn Chương

Phó Chủ tịch lái tàu

Tôi gọi ông Lê Viết Chữ là “thuyền trưởng”, vì đó là hình ảnh tốt nhất mà tôi từng gặp ông thời còn trên cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi. Sự kiện trong tấm ảnh diễn ra vào sáng ngày 12/10/2012 tại cảng Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi. Quỹ hỗ trợ Ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trao cho ngư dân Lê Vinh, quê ở huyện đảo Lý Sơn một chiếc tàu cá nghĩa tình. Ông Vinh đi biển Hoàng Sa và hàng chục lần bị Trung Quốc rượt đuổi, sau đó bắt giữ. Lần cuối cùng, Trung Quốc đã thu luôn tàu cá và ông Vinh trở về với 2 bàn tay trắng.

Tôi từng dự nhiều lễ bàn giao tàu cá cho ngư dân. Nhưng có lẽ chưa lần nào như lần trao tàu cho ông Lê Vinh. Một không khí ấm áp, tình cảm của những người công bộc chia sẻ với ngư dân khốn khổ. Mọi người nhiệt tình đến mức kéo nhau cả lên chiếc tàu để kéo ga chạy thử ra biển. Chiếc tàu chạy ngọt xớt, mũi tàu nghếch lên, thân tàu lướt sóng. Ông Lê Vinh bị ốm nên cho người em là Lê Lớn đi nhận thay. Thế nhưng ngư dân này lại bồn chồn như đang đứng trên đống than. Lý do: Tàu chạy quá nhanh, mà người lái tàu lại là ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ! Ông Chữ nói từng tốt nghiệp ngành hàng hải, nên có thể chạy tàu ra Lý Sơn ngon lành.

Vào thời điểm đó, mỗi khi ngư dân Hoàng Sa ra khơi đánh cá và bị Trung Quốc rượt đuổi, đâm húc, nhiều cơ quan tổ chức và cá nhân lại ra đảo thăm hỏi, tặng quà. Trong các hội nghị liên quan đến biển đảo, ông Chữ luôn kêu gọi “hãy chung tay với ngư dân, bà con mình ra biển chính là ra nơi biên cương của Tổ quốc, cần có sự quan tâm và chia sẻ”. Ra vùng biển Hoàng Sa, nhưng gọi là “ra biên cương”, cụm từ này tôi được nghe lần đầu tiên. Ra biên cương, nghe thấy xa vời vợi, đầy xúc cảm và dễ được lòng người chia sẻ. Thời luôn hướng về ngư dân, ông Chữ là một vị cán bộ sát người, sát việc và hoàn toàn không màu mè. Mọi thứ đều được bộc bạch và chân thành.

Đến năm 2015, ông Chữ giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Ở vị trí cao nhất của một tỉnh miền Trung, ông Chữ trở thành “thuyền trưởng” để nắm trong tay bánh lái, với mục tiêu đưa con tàu Quảng Ngãi tiến về phía trước.

Sáng 22/1/2016, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tại Hà Nội, một trong những bài phát biểu được báo chí bình luận, đó là bài của ông Lê Viết Chữ. Ông Chữ được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Tôi đã lưu giữ bài viết này và còn nhớ dòng trích dẫn đầu tiên là câu nói của một nhà khoa học Mỹ. Phần lớn nội dung, ông Chữ đề cập đến vấn đề chủ quyền biển đảo, chiến lược biển cho Việt Nam.

Phát huy nguồn lực

Cách đây 3 năm, trong cuộc gặp đầu xuân với giới báo chí, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ (thời điểm đó) đưa ra thông điệp “phát huy nguồn lực”. Trong bối cảnh tổng thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi là 14.174 tỷ đồng, bằng 78,1% so với thực hiện năm 2016.

Gặp gỡ với báo chí đầu năm 2018, Bí thư Lê Viết Chữ đặt ra câu hỏi bỏ ngỏ, đó là “làm sao góp phần thay đổi cách nghĩ của người Quảng Ngãi thì mới phát triển nhanh, mạnh và theo kịp các tỉnh, thành khác được”. Dân gian từ xưa lưu truyền câu “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co, Bình Định hay lo,…”. Tính cách vùng miền trội nhất của Quảng Ngãi theo câu trên được hiểu là sự “suy bì, co kéo” giữa những người bình thường với người thành công. Sau này, ông Chữ mới chia sẻ về vấn đề con người Quảng Ngãi, đó là ở các sở ngành thì có những cán bộ có đủ bằng cấp nhưng mà không có tư duy mới. Thứ hai là cần đội ngũ cán bộ có thực tiễn, có tâm, có đức, chứ không phải nhất định là phải có bằng cấp đủ.

Tết năm 2020, giải đáp những vấn đề mà báo chí nêu, những câu hỏi ngờ vực, đặc biệt về việc giao đất cho nhiều doanh nghiệp phát triển bất động sản, ông Chữ trần tình: Việc cấp đất cho doanh nghiệp là để chỉnh trang đô thị. Bởi “toàn tỉnh chiếm đến 60% là cơ cấu nông nghiệp nhưng giá trị làm ra chỉ đạt 17% nên phải nghiên cứu chuyển đổi dần”. Tuy nhiên, ông Chữ không còn cơ hội thực hiện ý tưởng này, khi những sai phạm mắc phải đã khiến ông sớm phải rời tay lái “thuyền trưởng".

Cựu lãnh đạo Quảng Ngãi nói gì?

Ông Nguyễn Kim Hiệu, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, chia sẻ: Nhìn chung, nhiệm kỳ vừa rồi, tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được những bước tiến quan trọng. Bên cạnh Nhà máy lọc dầu Dung Quất thì sự ra đời của Công ty CP Thép Hòa Phát - Dung Quất giúp Quảng Ngãi có sự đột phá mới. Đối với việc xử lý của Trung ương đối với 2 đồng chí lãnh đạo của tỉnh Quảng Ngãi thì đây sẽ là một giai đoạn trầm trong biểu đồ phát triển của tỉnh nhà. Hy vọng trong nhiệm kỳ mới, thế hệ cán bộ kế cận sẽ tiếp tục đưa Quảng Ngãi phát triển hơn.

TS. Nguyễn Kim Hiệu, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ảnh: Văn Chương

Ông Lê Trung Việt, người từng 3 khóa tham gia Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, giữ nhiều cương vị ở HĐND, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, cũng ghi nhận những đổi thay của tỉnh trong nhiệm kỳ vừa qua. Đáng chú ý là hệ thống cầu, đường, góp phần đưa thành phố Quảng Ngãi hướng về phía biển,… Tuy nhiên, 4 sai phạm mà Ủy ban Kiểm tra T.Ư nêu ra đối với hai ông Lê Viết Chữ - Bí thư Tỉnh ủy, và Trần Ngọc Căng - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, thì sai phạm về đất đai là nghiêm trọng.

Ông Lê Trung Việt, từng giữ nhiều cương vị ở HĐND, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi ảnh: Văn Chương

Ông Việt phân tích, như sai phạm trong việc lấy 9 héc ta đất công viên cây xanh ở Khu dân cư Ngọc Bảo Viên để giao cho Thành phố giáo dục Quốc tế Quảng Ngãi (IEC Quảng Ngãi). Theo ông Việt, đây dù là sai phạm, nhưng người dân vẫn phần nào đó “chấp nhận được”, bởi mục tiêu là để có được một ngôi trường hiện đại đào tạo nguồn nhân lực. Thế nhưng, việc ồ ạt giao đất lúa cho doanh nghiệp với danh nghĩa “chỉnh trang đô thị” là một sai lầm. Nào là khu dân cư Bắc Lê Lợi, Nam Lê Lợi…, và người dân có ý kiến, nhưng ý kiến này không được lắng nghe. Nếu lấy đất ruộng của dân để xây dựng nhà chung cư, nhà chính sách xã hội thì dân không ý kiến. Cụ thể là hiện nay có 3 vạn công nhân ở Khu Công nghiệp VSIP thì tại sao chưa có một khu chung cư nào để cho công nhân nghèo có chỗ ở, mà toàn bộ giao cho doanh nghiệp phân lô bán nền?

Một số cán bộ lão thành đã cho rằng, nguyên nhân dẫn đến kỷ luật 2 đồng chí lãnh đạo của tỉnh Quảng Ngãi là do dân chủ trong Đảng chưa tốt, chưa thực sự lắng nghe cán bộ đảng viên; thứ hai là không lắng nghe ý kiến của nhân dân, dẫn đến sai phạm nghiêm trọng như vậy. Cho nên vấn đề này là một bài học và phải đánh giá trong báo cáo Đại hội Đảng bộ Quảng Ngãi sắp tới. Đại hội phải đánh giá cho được những sai phạm, làm rõ nguyên nhân mới đề ra được phương hướng tốt trong nhiệm kỳ tới.

Ông Nguyễn Ngọc Ban, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ngãi thì nhắc lại hoạt động của Ban chỉ đạo TW 62 của Tỉnh ủy (thực hiện Kết luận số 62-KL/TW ngày 08/12/2009 của Bộ Chính trị) mà ông từng giữ cương vị Tổ trưởng.

Ông Nguyễn Ngọc Ban, nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Quảng Ngaĩảnh: Văn Chương

Ông Ban cho rằng: Mấu chốt là phải thực hiện đúng nguyên tắc xây dựng Đảng; phát huy nguyên tắc tập trung, dân chủ, nâng cao sức chiến đấu trong Đảng bằng những ý kiến thẳng thắn. Ban chỉ đạo TW 62 từng làm rất tốt về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, cương quyết đấu tranh chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Nếu làm tốt các nội dung này thì sẽ không dẫn đến những sai phạm lớn đến mức 2 cán bộ lãnh đạo của tỉnh bị xử lý kỷ luật. Còn trong thời gian qua, nhiều cán bộ trong Ban chấp hành Đảng bộ thường không có những ý kiến khác với ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy, mà vẫn còn nói theo, nói dựa.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, ở một số địa phương, cán bộ chủ chốt sau khi bị xử lý thì người kế cận và đội ngũ cấp dưới không dám mạnh dạn bứt phá, làm gì cũng sợ, dẫn đến nhiều công trình, dự án bị trì trệ. Ông Lê Trung Việt chia sẻ, hiện tượng không dám làm thường rơi vào hai thời điểm, đó là trước đại hội Đảng và thấy có cán bộ bị xử lý vì sai phạm. Nhưng hy vọng, đội ngũ cán bộ trẻ sắp tới sẽ tiếp tục mạnh dạn làm chứ không cầm chừng, vì được đào tạo bài bản, được Trung ương lựa chọn kỹ. “Việc xử lý sai phạm đối với cán bộ tỉnh Quảng Ngãi đã được phơi bày hết, đã tột cùng rồi, nên anh em không có gì phải quá lo lắng. Sự bứt phá và tiếp tục đưa Quảng Ngãi đi đúng hướng sẽ luôn được cả Đảng bộ tỉnh và nhân dân ủng hộ”, ông Việt nói.

Lê Văn Chương

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/lan-ranh-dam-quyet-dam-lam-va-sai-pham-khi-thuyen-truong-le-viet-chu-som-roi-banh-lai-1704140.tpo