Lần ra manh mối gây bệnh đa xơ cứng

Một nhóm nhà khoa học gồm các chuyên gia từ Thụy Sĩ, Mỹ và Tây Ban Nha đã phát hiện một phần của một enzyme người - được gọi là guanosine diphosphate-L-fucose - kích hoạt các tế bào miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào khỏe mạnh khi bị bệnh đa xơ cứng, mở ra hy vọng phát triển phương pháp điều trị bệnh.

Một trong những chất bình thường trong cơ thể mà hệ thống miễn dịch nhận thức nhầm là một mối đe dọa, có thể đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bệnh đa xơ cứng - Ảnh: NPR

Theo tạp chí Science Translational Medicine, một nhóm nhà khoa học gồm các chuyên gia từ Thụy Sĩ, Mỹ và Tây Ban Nha do Mireia Sospedra Ramos ở Khoa thần kinh Đại học Zurich,Thụy Sĩ, phụ trách, vừa xác định được một chất kích hoạt các tế bào miễn dịch của người khi bị bệnh đa xơ cứng.

Được biết, đa xơ cứng thuộc nhóm các bệnh tự miễn khi hoạt động của các tế bào T của hệ thống miễn dịch, vì lý do nào đó, không chống lại tác nhân gây bệnh mà chuyển sang chống lại các mô khỏe mạnh của cơ thể. Khi bị bệnh đa xơ cứng, vỏ myelin của các dây thần kinh trong tủy sống và đại não bị tổn thương, dẫn đến sự gia tăng dần dần các rối loạn thần kinh: mất độ nhạy cảm da, suy giảm thị lực, chân tay run rẩy, suy giảm phối hợp vận động... Hiện tại, các bác sĩ vẫn không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh đa xơ cứng. Họ có thể chỉ làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Trong những năm gần đây, có nhà nghiên cứu nêu giả thuyết rằng vi khuẩn đường ruột đóng một vai trò nhất định trong sự phát triển của bệnh đa xơ cứng. Tuy nhiên, vai trò vi khuẩn vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng. Trong khi đó, các nhà khoa học từ lâu đã cho rằng một trong những chất bình thường trong cơ thể mà hệ thống miễn dịch nhận thức nhầm là một mối đe dọa, có thể đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bệnh đa xơ cứng, nhưng ho vẫn không thành công trong việc tìm ra chất đó.

Trong nghiên cứu mới, nhóm các nhà khoa học quốc tế đã sử dụng các tế bào T của một người đã chết vì bệnh đa xơ cứng. Thông thường, các tế bào T phản ứng với các mảnh protein của vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể và thể để kích hoạt, chúng cần một chuỗi gồm một vài kháng thể. Trong quá trình dày công tìm kiếm các mảnh protein mà các tế bào T phản ứng khi bị bệnh đa xơ cứng, các nhà khoa học đã thử nghiệm hàng trăm hỗn hợp với hàng tỉ mảnh protein và phát hiện 2 mảnh có hiệu ứng mạnh nhất, hóa ra đó là một phần của một enzyme người được gọi là guanosine diphosphate-L-fucose.

Trong mọi trường hợp thử nghiệm, hợp chất guanosine diphosphate-L-fucose vẫn bị các nhà nghiên cứu ngờ là “ tội đồ” gây bệnh đa xơ cứng. Nếu các giả định của Mireya Sospedra-Ramos và các đồng nghiệp được xác nhận, các triệu chứng của bệnh đa xơ cứng có thể bị khống chế cũng giống như các triệu chứng dị ứng. Các nhà khoa học sẽ kiểm tra hiệu quả của các phương pháp như vậy trong quá trình nghiên cứu thêm.

Vũ Trung Hương

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/lan-ra-manh-moi-gay-benh-da-xo-cung-98871.html