Lan nhanh phong trào #KuToo phản đối giày cao gót của phụ nữ Nhật Bản

Phụ nữ Nhật Bản thường được yêu cầu đi giày cao gót để tham gia các buổi phỏng vấn tuyển dụng và làm việc nơi công sở. Tuy nhiên, phong trào #KuToo đang lan nhanh mạnh mẽ khi có 19.000 người đã ký một bản kiến nghị trực tuyến kêu gọi hủy bỏ lệnh bắt buộc phụ nữ mang giày cao gót tại nơi làm việc.

Cuộc chiến giày cao gót

Ở Nhật Bản, việc các ứng viên đến phỏng vấn cho công việc mới phải ăn mặc chỉn chu là một việc đương nhiên. Đi một đôi giày bệt đến một buổi phỏng vấn hay đi làm đã bị đánh giá là không nghiêm túc với công việc. Do đó, dù muốn hay không, trang phục không thể thiếu của các cô gái lúc đến với công sở chính là những đôi giày cao gót đế nhọn và gây ra nhiều đau đớn trong khi di chuyển nhiều, đặc biệt khi người Nhật đi lại chủ yếu bằng tàu điện ngầm và đi bộ.

Yumi Ishikawa - người khởi xướng phong trào #KuToo

Yumi Ishikawa - người khởi xướng phong trào #KuToo

Một nhóm hoạt động vì phụ nữ đã nộp đơn kiến nghị lên Bộ Lao động Nhật Bản, kêu gọi chính phủ cấm các công ty ép phụ nữ phải đi giày cao gót đi làm. Những người này cho rằng, buộc phụ nữ đi giày cao gót là hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, không thể chấp nhận trong xã hội hiện đại. Lá đơn với 18.856 chữ ký là một phần của phong trào #KuToo do nữ diễn viên kiêm nhà văn Yumi Ishikawa (32 tuổi) khởi xướng trên Twitter. Việc trình đơn kiến nghị trùng với thời điểm các công ty ở Nhật Bản bắt đầu tuyển dụng và việc đi giày cao gót là quy định bắt buộc khi ứng tuyển. #KuToo được ghép từ phong trào phản đối quấy rối phụ nữ trên toàn cầu #MeToo cùng hai từ tiếng Nhật "kutsu" (giày) và "kutsuu" (đau).

Phòng trào #KuToo nhận được sự ủng hộ của phụ nữ Nhật Bản

Các nhà vận động cho biết, đi giày cao gót giống như một kiểu buộc chân thời hiện đại. “Phụ nữ thậm chí không nhận ra rằng họ đang tự đặt mình vào nguy cơ vì văn hóa đi giày cao gót đã ăn sâu vào văn phòng làm việc. Quy định cứng nhắc này cần phải được thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ khi làm việc. Chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách có quy định cấm chủ lao động buộc phụ nữ phải đi giày cao gót. Buộc phụ nữ đi giày cao gót không khác gì hành vi phân biệt đối xử hoặc quấy rối tình dục đối với phụ nữ”, cô Yumi Ishikawa nói với phóng viên sau khi gặp các quan chức của Bộ Lao động.

Cô Ishikawa kêu gọi chính phủ cần thay đổi luật liên quan đến vấn đề đi giày cao gót

Trước khi trở thành một chiến dịch kêu gọi có quy mô lớn trên toàn quốc, phong trào #KuToo bắt đầu từ tháng 1/2019 khi cô Ishikawa chia sẻ về việc cô phải đi giày cao gót tại nhà tang lễ mà cô làm thêm. Đó là việc Ishikawa đã đứng hàng giờ với đôi giày cao gót màu đen trong công việc của một người phục vụ tại nhà tang lễ ở Tokyo. Cơn đau bắt nguồn từ đôi giày đã lan qua lưng, chân và bàn chân của cô thật dữ dội. Khi nhìn các đồng nghiệp nam đang đi những đôi giày màu đen, bằng phẳng, cô nghĩ “nếu phụ nữ được phép đi giày như vậy, công việc của chúng tôi sẽ bớt khó chịu hơn”. Cô đã đăng tải trên Twitter dòng suy nghĩ này. Bài viết của cô đã thu hút hơn 67.000 lượt thích và gần 30.000 lượt chia sẻ lại.

Theo báo chí Nhật Bản, một cuộc khảo sát cho thấy, 70% phụ nữ làm việc ở Tokyo đi giày cao gót ít nhất 1 lần một tuần. Cô Ishikawa khẳng định vấn đề quan trọng nhất ở đây đó chính là sức khỏe. Phụ nữ đi giày cao gót nhiều sẽ ảnh hưởng đến đôi chân, ảnh hưởng đến cột sống và dễ mắc các bệnh về viêm khớp. “Tôi muốn #KuToo cũng giống như phong trào chống quấy rối tình dục #MeToo có sức lan tỏa trên quy mô rộng lớn. Tôi quyết định khởi động chiến dịch khi nhận thấy rằng, rất nhiều người đang phải đối mặt với cùng một vấn đề”, Ishikawa nói.

Tranh cãi chưa hồi kết

Trước làn sóng mạnh mẽ của phong trào #KuToo, một quan chức tại bộ phận phụ trách cơ hội tuyển dụng bình đẳng thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, cơ quan này không có ý định thay đổi luật lệ về việc các nhà tuyển dụng có thể yêu cầu nhân viên của mình mặc một số trang phục nhất định. Quan chức này lưu ý đàn ông cũng phải tuân thủ một số yêu cầu, chẳng hạn như phải đeo cà vạt hay đi giày da.

Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Takumi Nemoto cho rằng việc đi giày cao gót là cần thiết

Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Takumi Nemoto cũng cho hay, ông không ủng hộ phong trào này và khẳng định việc phụ nữ đi giày cao gót đến công sở là cần thiết. "Việc đi giày cao gót đã được xã hội chấp nhận như một điều cần thiết và phù hợp về mặt nghề nghiệp", ông Takumi Nemoto nói tại một ủy ban quốc hội ngày 5/6.

Tại cuộc họp trên, nghị sĩ Kanako Otsuji thuộc đảng đối lập Dân chủ Lập hiến, đã phản đối quan điểm của Bộ trưởng Nemoto, cho rằng quy định này đã "lỗi thời". Theo ông Otsuji, việc bắt một nhân viên bị đau chân phải đi giày cao gót là lạm quyền. Còn Thứ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Emiko Takagai thì cho rằng phụ nữ không nên bị ép đi giày cao gót.

Phụ nữ công sở cần được giải thoát khỏi những đau đớn do giày cao gót gây ra

Trong những năm gần đây, các chiến dịch như #MeToo đã đưa bình đẳng giới trở thành một vấn đề tâm điểm của xã hội ở Nhật Bản. Nước này đứng thứ 110 trong số 149 nước trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá về mức độ bình đẳng giới. Mặc dù Thủ tướng Shinzo Abe đã thực hiện nỗ lực tăng cường quyền lợi cho các nữ lao động ở nước này qua một chính sách có tên “phụ nữ kinh tế” nhưng Nhật Bản vẫn xếp hạng cuối trong số các nước G7 về bình đẳng giới. Nhật Bản hiện vẫn còn luật cấm phân biệt đối xử theo giới tính tại nơi làm việc dựa trên một số tiêu chí như tuyển dụng, thăng chức, đào tạo và gia hạn hợp đồng.

Nhật Bản không phải là quốc gia đầu tiên nhận được các kiến nghị bỏ yêu cầu phụ nữ đi giày cao gót đến công sở. Tại Liên hoan Film Cannes năm 2016 ở Pháp, Julia Roberts và nhiều diễn viên khác đi chân trần hoặc giày thể thao lên thảm đỏ để phản đối việc một số phụ nữ bị cấm tham dự sự kiện do không đi giày cao gót vào năm trước đó. Tháng 5/2016, nhân viên tiếp tân Nicola Thorp đã bị Công ty kế toán PwC (Anh) đuổi việc vào ngày đầu tiên đi làm vì đi giày đế bằng. Một kiến nghị đã được hơn 150.000 người Anh ký để ủng hộ cô Nicola Thorp. Vụ việc đã khiến giới chức Anh thành lập một ủy ban điều tra về quy định trang phục nơi làm việc. Kết quả điều tra cho thấy, ở nhiều nơi, phụ nữ Anh được yêu cầu phải đi giày cao gót khi làm việc, ngay cả đối với một số công việc mang tính đặc thù như phải leo trèo lên cao, mang hành lý nặng, vận chuyển thức ăn, đồ uống lên xuống cầu thang hoặc đi bộ đường dài.

Kiến nghị đã được hơn 150.000 người Anh ký để ủng hộ cô Nicola Thorp chống việc đi làm bằng giày cao gót ở nước này

Năm 2017, một tỉnh của Canada cũng đã loại bỏ quy định trang phục đòi hỏi nhân viên nữ phải đi giày cao gót vì cho rằng, hành vi này gây nguy hiểm và phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Chính quyền tỉnh British Columbia (Canada) cho biết, những người mang giày cao gót đối diện với nguy cơ chấn thương do trượt chân hoặc ngã, họ có thể bị tổn thương bàn chân, chân và lưng. Gần đây, một hãng hàng không Na Uy đã bị chỉ trích nặng nề vì yêu cầu các nữ thành viên phi hành đoàn phải mang theo cảnh báo của bác sĩ nếu muốn đi giày đế bằng. Một số nhà hoạt động nhân quyền nói rằng, hãng hàng không này đã bị mắc kẹt trong “vũ trụ phân biệt đối xử” với phụ nữ một cách sâu sắc.

Philippines đã trở thành quốc gia châu Á đầu tiên có lập trường chống lại các công ty yêu cầu nhân viên nữ đi giày cao gót năm 2017. Lệnh cấm toàn quốc diễn ra sau khi 4 phụ nữ phàn nàn về vấn đề này với một công đoàn lao động.

Ngự Bình Kyodo News, New York Times, Guardian

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/lan-nhanh-phong-trao-kutoo-phan-doi-giay-cao-got-cua-phu-nu-nhat-ban-post60504.html