Lăn lộn với bò Kobe Nhật giá vài triệu mỗi kg, đâu dễ 'ngon ăn'

Thương hiệu thịt bò Kobe của Nhật nổi tiếng khắp thế giới. Mỗi kg thịt bò Kobe có giá vài trăm USD. Năm 2014, từng có doanh nghiệp Việt nhập tinh bò Kobe từ Mỹ về phối giống để nuôi ở Lâm Đồng, sau đó còn dự tính mở rộng cho dân nuôi. Liệu nuôi bò Nhật có thực sự dễ ăn?

Vỗ béo bò Nhật

Ngày 17.12 - tròn một năm Công ty Huy Long An ký hợp tác chuyển giao quy trình nuôi bò thịt giống Wagyu, thương hiệu Ohmi theo công nghệ của Sawai Farm, tỉnh Singa, Nhật Bản, Huy Long An ra mắt hội quán ở quận 10 (TP.HCM) để giới thiệu sản phẩm thịt bò thương hiệu Wagyu Fohla.

Bò Kobe của Nhật Bản. Ảnh: Tonymcnicol

Bò Kobe của Nhật Bản. Ảnh: Tonymcnicol

Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty Huy Long An, cho biết: “Thương hiệu bò Ohmi thuộc top 3 thương hiệu thịt bò nổi tiếng của Nhật Bản: Kobe, Matsuzaki và Ohm, đều nuôi từ giống bò Wagyu”. Vài năm trước, khi qua Nhật bán chuối Fohla, ông Huy tiếp xúc với các chuyên gia nuôi bò Nhật, đặc biệt là chủ tịch Sawai Farm - chuyên nuôi bò thương hiệu Ohmi. Vị chủ tịch này khuyên ông Huy với lợi thế quỹ đất nên nuôi bò giống Wagyu.

Ông Huy được đi tham quan các quy trình nuôi bò Nhật, từ xây dựng chuồng trại, chọn giống, thành phần nguyên liệu thức ăn, trộn ủ thức ăn… đến việc tìm hiểu giết mổ bò, xử lý thịt, pha lóc, cách bán thịt. Ông quyết định bắt tay với Sawai Farm nhập giống bò Nhật về nuôi vỗ béo tại trang trại huyện Đức Huệ (Long An) với diện tích 10ha.

“Hàng tháng, chuyên gia của Sawai Farm đến trang trại tập huấn, chuyển giao, theo dõi... Sawai Farm hướng dẫn xây dựng chương trình quản lý, có thêm công nghệ giải nhiệt giúp bò dễ dàng thích nghi điều kiện nóng, ẩm ở Việt Nam” - ông Huy nói.

Thịt bò Wagyu. Ảnh: T.L

Khác với một số doanh nghiệp nhập tinh bò Kobe từ Mỹ về phối giống để tạo ra thế hệ bò Kobe F1, Huy Long An nhập nguyên bò thịt có trọng lượng chừng 250kg/con về nuôi vỗ béo trong thời gian 15-18 tháng đạt 750-850kg/con, sau đó giết mổ, cung cấp thịt cho thị trường.

“Quá trình nuôi bò được chia theo từng ô nhỏ, thời gian nuôi được chia làm nhiều phân kỳ, mỗi phân kỳ có công thức thức ăn khác nhau phù hợp với từng độ tuổi và nhu cầu sinh trưởng của bò. Nhờ đó hình thành lớp mỡ trong từng thớ thịt, thay vì chỉ có lớp mỡ ở phần ngoài gần da và tích tụ ở bụng. Đó là công nghệ nuôi bò độc đáo của Nhật” - ông Huy phân tích thêm.

Dự kiến, tháng 3.2019 Huy Long An sẽ có sản phẩm thịt bò nuôi thương hiệu Wagyu Fohla bán ra thị trường.

Thị trường ngách

Năm 2014, lần đầu tiên Công ty bò Kobe Việt Nam lai tạo giống bò Wagyu (Kobe) để nuôi ở trang trại tại Lâm Đồng. Sau nhiều năm lăn lộn với con bò Nhật, ông Nguyễn Trí Đức Vũ - Giám đốc Công ty thừa nhận rằng, phân khúc thị trường thịt bò Nhật ở Việt Nam hiện nay rất hẹp, nếu không muốn nói chỉ là thị trường ngách.

Mỗi tháng, công ty chỉ bán được khoảng... 1 tấn thịt (giá thấp nhất là 1 triệu đồng/kg) vào hệ thống nhà hàng Nhật, thậm chí nhà hàng phải có đầu bếp người Nhật mới quan tâm nhiều đến chất lượng thịt bò. Còn thị trường đại chúng hiện chỉ xài bò Mỹ, bò Úc có giá rẻ hơn.

Phân khúc thị trường thịt bò Nhật ở Việt Nam hiện nay rất hẹp, nếu không muốn nói chỉ là thị trường ngách. Mỗi tháng, công ty chỉ bán được khoảng... 1 tấn thịt (giá thấp nhất là 1 triệu đồng/kg) vào hệ thống nhà hàng Nhật...

Ông Nguyễn Trí Đức Vũ

Giá quá đắt, phân khúc thị trường hẹp và quy trình nuôi khó khăn, là những yếu tố rất khó phát triển bò Nhật tại Việt Nam. Theo ông Vũ, khác với cách nhập con bò tơ về nuôi vỗ béo, Kobe Việt Nam nhập tinh bò Kobe để tạo giống F1. Như vậy, con bò Wagyu được sinh ra tại môi trường khí hậu Việt Nam, lớn lên theo quy trình nuôi kiểu Nhật ở Việt Nam, giết mổ, sản xuất thịt bằng công nghệ của Nhật tại Việt Nam.

“Ở Nhật Bản, muốn giết mổ con bò cũng có hàng loạt tiêu chuẩn, như tối thiểu phải nuôi đạt 24 tháng tuổi. Ngoài ra, còn có tiêu chuẩn chuồng trại, diện tích chăn thả cho bò vận động, thức ăn từng giai đoạn. Khi giết mổ có tiêu chuẩn đánh giá thớ thịt, độ vân mỡ, màu sắc thịt, tiêu chuẩn mỡ…” - ông Vũ nói thêm.

Cũng vì phải tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt nên mỗi năm, Nhật Bản chỉ nuôi được khoảng 3.000 con bò Kobe. Ngoài tiêu thụ nội địa, thịt bò Kobe xuất khẩu tới đâu cũng đều có thông tin cụ thể để bảo vệ thương hiệu.

Theo các chuyên gia chăn nuôi, nhập bò Nhật về nuôi vỗ béo kiểu như một số công ty (như Hoàng Anh Gia Lai…) từng nhập bò Úc, bò Mỹ về vỗ béo, chỉ đơn thuần là kinh doanh thương mại, sẽ khác với cách nuôi bò Nhật hay nhập tinh bò Nhật về lai tạo ra giống bò thuần nuôi ở Việt Nam.

Ông Vũ còn nói, khi có giống bò Wagyu chỉ mới có 30% giá trị gia tăng; nuôi theo công nghệ của Nhật cộng thêm 30%, sau đó tới khâu giết mổ theo quy trình Nhật… tăng thêm 20%, còn lại phụ thuộc tay nghề ông đầu bếp, cách thưởng thức… giá trị mới tăng lên thêm 20% nữa.

Bảo Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dia-chi-xanh/lan-lon-voi-bo-kobe-nhat-gia-vai-trieu-moi-kg-dau-de-ngon-an-941361.html