Lan Hồng Bồng Lai giá hơn 1,6 tỷ đồng: Bất thường

Dư luận xôn xao trước thông tin cây lan Hồng Bồng Lai với giá hơn 1,6 tỷ đồng, một nhà vườn cho rằng lan này không quý hiếm như thế.

Không thuộc giống lan đột biến đang gây sốt thị trường thời gian qua nhưng mới đây trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh giao dịch mua bán cây lan Hồng Bồng Lai 7cm tại câu lạc bộ hoa lan Yên Thành, Nghệ An với giá lên tới hơn 1,6 tỷ đồng khiến nhiều người quan tâm.

Ông Trần Đình Cảnh, Chủ tịch UBND xã Mã Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) xác nhận, trên địa bàn có thương vụ mua lan với giá hơn 1,6 tỷ đồng.

“Sự việc này diễn ra đã hơn 1 tháng. Một người đàn ông ở Hòa Bình mua lan với giá 1,6 tỷ đồng khiến chúng tôi cũng bất ngờ. Việc mua bán này chúng tôi cũng chỉ nắm qua thông tin còn các vấn đề pháp lý khác chúng tôi không nắm được”, ông Cảnh nói.

Nhiều người băn khoăn trước thương vụ giao dịch lan trên bởi dòng lan này không thuộc loại đột biến nhưng không hiểu vì sao lại có giá cao vậy? Liệu đây có phải là một chiêu trò của nhóm đối tượng để thổi giá lan lên cao?

Cây lan Hồng bồng lai 7cm được chuyển nhượng với giá hơn 1,6 tỷ đồng

Cây lan Hồng bồng lai 7cm được chuyển nhượng với giá hơn 1,6 tỷ đồng

Một nhà vườn lan ở Phú Thọ cho biết: "Giống lan này không thuộc dòng đột biến, cũng không phải loại hiếm quý, sôi động nên giá trị thật không cao như vậy. Việc nhà vườn bán công khai với giá cao như thế có thể là chiêu thổi giá. Thường khi giá trị lan không cao họ mới dùng cách này để đẩy giá lan.

Có thể sốt theo thị trường lan đột biến nên nhà vườn đã thổi giá để nâng giá trị của lan thường.

Với người chơi lan thật sự, việc định giá cho cây lan là khó, có thể với người thích thì bao nhiêu họ cũng mua nhưng với ai không thích thì có cho không họ cũng không lấy".

Chia sẻ về lan đột biến thời gian qua, chủ vườn nói: "Thời gian qua nhiều người thi nhau kinh doanh lan đột biến, thực tế chỉ có 1-2 cây đột biến chứ không có nhiều loại đột biến đến thế. Thậm chí cây mẹ đột biến nhưng chưa chắc cây con cũng đột biến. Nếu nhìn đúng bản chất là cây đột biến hiếm thì những cây này có giá trị thật sự".

Những điểm bất thường cũng được chỉ ra trong một thương vụ giao dịch lan đột biến Ngọc Sơn Cước với giá 250 tỷ đồng ở Quảng Ninh trước đó.

Đại diện chủ vườn lan Var Đất Mỏ là ông Bùi Hữu Giang (32 tuổi, ngụ phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều) cho biết: Ngày 15/3, ông có văn bản thỏa thuận về việc chuyển nhượng cây lan đột biến Ngọc Sơn Cước. Việc thanh toán được thực hiện sau một năm, khi ông Giang giao đủ số lượng 5.000 cây giống thì ông Nguyễn Tiến Hưng sẽ thanh toán số tiền như đã thỏa thuận là 250 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc nhân giống lên 5000 cây sau 1 năm là điều hoàn toàn không thể. Nếu sử dụng cấy mô thì có thể làm được điều đó, tuy nhiên nếu dùng biện pháp này thì liệu giá trị lan đột biến sau này sẽ như thế nào?.

Phân tích thêm về vấn đề này, PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, một trong những chuyên gia hàng đầu về hoa, cây cảnh Việt Nam, chia sẻ: "Nếu trong một năm dùng biện pháp thông thường thì không thể nhân ra được 5000 cây. Hơn nữa lan đột biến không dùng để chế tạo thuốc đau mắt hay ung thư nên không phải cứ đặt càng nhiều thì giá sẽ đắt.

Nếu có 5 nghìn hay 5 vạn cây lan đột biến thì giá làm sao giữ được mức 250 tỷ đồng như nhà vườn nói. Vậy nên khi chủ vườn nói trong một năm nhân lên 5000 cây là chuyện rất phi lý.

"Mặt khác theo điều 9, Luật Trồng trọt số: 31/2018/QH14 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2020). Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trồng trọt gồm: (1). Sản xuất, buôn bán, giống cây trồng chưa được quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành; (3). Sản xuất, buôn bán giống cây trồng không đáp ứng điều kiện sản xuất, buôn bán; (3). Sản xuất, buôn bán giống cây trồng không rõ nguồn gốc. (5). Cung cấp thông tin về giống cây trồng, sai lệch với thông tin đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc sai lệch với thông tin tự công bố.

Như vậy thì khi muốn sản xuất, kinh doanh 1 giống cây trồng nào đó, thì giống đó phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng (hoặc phải có bản quyền giống, hoặc phải chứng minh giống đó là do mình phát hiện, tạo ra, hoặc phải chứng minh giống đó được 1 tổ chức cá nhân - là chủ thể bảo hộ giống - chuyển nhượng, chuyển giao cho mình). Đồng thời tổ chức cá nhân trước khi sản xuất kinh doanh giống, phải tự công bố lưu hành giống", vị chuyên gia phân tích thêm.

Theo PGS.TS Đặng Văn Đông, nếu dùng phương pháp cấy mô thì 1 năm cũng có thể nhân lên 5000 cây, tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi phải có phòng thí nghiệm và kỹ thuật rất phức tạp.

"Người Việt vì đồng tiền mà chạy theo và tin tưởng lan đột biến và rất nhanh cả người trồng và người kinh doanh đều thua lỗ nặng khi "bong bóng" xẹp", ông Đông cảnh báo.

Thu Trang

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/thi-truong/lan-hong-bong-lai-gia-hon-16-ty-dong-bat-thuong-3429877/