'Làn gió mới' trên chính trường quốc tế

Sự thay đổi vị trí lãnh đạo nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong năm 2019 hứa hẹn sẽ đem lại nhiều thay đổi trong đời sống chính trị quốc tế.

Sau một thời gian dài chìm trong khủng hoảng kinh tế và tham nhũng nghiêm trọng, một nhà lãnh đạo với quan điểm thách thức các giá trị truyền thống đồng thời có khả năng vực dậy vị thế của đất nước là điều mà người dân Brazil đặt nhiều niềm tin trong cuộc bầu cử hồi tháng 10/2018.

Ứng cử viên của đảng cực hữu Tự do Xã hội Jair Bolsonaro – chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc, thân phương Tây này đã xuất sắc vượt qua đối thủ đáng gờm Fernando Haddad của đảng Lao động để trở thành Tổng thống thứ 38 của nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ ngày 1/1/2019. Song hành trình khôi phục lại một Brazil chìm sâu trong biến động chính trị và suy thoái kinh tế của ông sẽ không hề dễ dàng.

Bộ trưởng Tài chính Paulo Guedes (phải) chúc mừng tân Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, ngày 1/1/2019. (Nguồn: Reuters)

Tại Đài Loan (Trung Quốc), người ta đang mong chờ người kế nhiệm nhà lãnh đạo Thái Anh Văn, người đã từ chức lãnh đạo Dân chủ Tiến bộ (DPP) vào cuối tháng 11 sau khi đảng này thất bại trong nhiều cuộc bầu cử ở địa phương. Chỉ trích xoay quanh các chính sách cải cách của bà, bao gồm cắt giảm lương hưu cùng quan ngại về căng thẳng “quan hệ đôi bờ” đã đánh mạnh vào khả năng bà Thái Anh Văn quay trở lại vào bầu cử năm 2020.

Trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng sức ép thông qua việc tăng cường diễn tập quân sự, lôi kéo đồng minh ngoại giao của Đài Bắc và thuyết phục các tập đoàn quốc tế thừa nhận chính sách “Một Trung Quốc”, đảng đối lập thân Bắc Kinh - Quốc dân đảng (KMT) được cho là đã giành lại ưu thế trong nghị viện với cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và quan hệ hữu hảo với Trung Quốc.

Tại Israel, ngày 24/12/2018, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết đảng Likud của ông đã nhất trí sẽ giải tán quốc hội và tiến hành tổng tuyển cử vào tháng 4/2019, sớm hơn bảy tháng so với dự kiến. Quyết định trên được đưa ra sau khi liên minh cầm quyền không đạt được sự đồng thuận trong dự luật quan trọng liên quan đến việc người Do Thái Chính thống giáo phải nhập ngũ như người thế tục.

Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết công bố “Thỏa thuận thế kỷ” nhằm giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine, cuộc bầu cử sắp tới được cho sẽ là phép thử đối với Thủ tướng Netanyahu. Giới quan sát cho rằng cáo buộc tham nhũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cục diện của cuộc bầu cử, khi Thủ tướng Netanyahu và đảng Likud của ông nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ cử tri, sau những nỗ lực vực dậy nền kinh tế tăng trưởng, giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng lương tối thiểu cho người dân.

Tại Nhật Bản, việc Nhật Hoàng Akihito sẽ thoái vị sau 30 năm trị vì và nhường ngôi lại cho Thái tử Naruhito cũng thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Trong bài phát biểu nhân dịp sinh nhật lần thứ 85 - sinh nhật cuối cùng với tư cách Nhật Hoàng, ông Akihito cho biết sẽ thoái vị vào ngày 30/4 và Thái tử Naruhito sẽ nhậm chức vào ngày 1/5. Nhật Hoàng Akihito cũng gửi lời cảm ơn sự ủng hộ của người dân trong suốt 30 năm trị vì, đồng thời ghi nhận sự hy sinh to lớn cùng những nỗ lực không mệt mỏi của họ nhằm phục hồi đất nước sau chiến tranh, xây dựng hòa bình và thịnh vượng.

Thế giới năm 2019 chắn chắn sẽ đối mặt với không ít thách thức và biến động. Mong rằng sự thay đổi này về mặt nhân sự của các lãnh đạo sẽ là tín hiệu tốt, tạo động lực cho những chuyển biến tích cực, khiến cho bức tranh của năm 2019 trở nên tươi sáng hơn.

Hải An

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/lan-gio-moi-tren-chinh-truong-quoc-te-84771.html