Làn gió mới cho nghề giày truyền thống

Lần đầu tiên sau nhiều năm, UBND và LĐLĐ quận 4, TP HCM tổ chức hội thi dành cho những người thợ giày thủ công

Là người nộp sản phẩm sớm nhất tại hội thi, anh Nguyễn Quốc Bảo Uy cho biết anh tập nghề từ năm 13 tuổi, đến nay anh có 28 năm theo nghề. "Nghề làm giày truyền thống người ta chú ý giữ riêng "bí kíp", tính giao lưu không cao nên nhiều khi quanh năm làm một mình, không có cơ hội học hỏi. Kỹ thuật chung thì ai cũng biết nhưng tay nghề, kỹ năng thì mỗi người mỗi kiểu. Lần đầu tiên quận tổ chức một cuộc thi thế này, tôi thấy rất bổ ích. Có giao lưu mới thấy nhiều đồng nghiệp có kỹ thuật cao, nhiều phương pháp sáng tạo, mở mang được tầm mắt" - anh Uy nhận xét.

Trăn trở với nghề

Được xem là cái nôi của ngành giày da TP HCM nhưng do nhiều biến động cũng như cạnh tranh mạnh từ thị trường, các cơ sở sản xuất giày da truyền thống tại quận 4 gặp nhiều khó khăn. Theo ông Lê Hoàng Lâm, chủ một cơ sở gia dày tại quận 4, lịch sử ngành nghề có từ rất sớm, truyền nhau từ thế hệ này đến thế hệ khác. Đây là vốn quý của ngành nghề đóng giày truyền thống ở quận 4. Bao phen buồn vui, thành công lẫn trắc trở, có những giai đoạn phải tản ra đi làm việc khác kiếm sống nhưng rồi khi khó khăn qua đi, mọi người lại hào hứng trở lại với nghề. Ông Lâm tâm sự: "Gia đình tôi làm nghề từ trước năm 1975. Bản thân tôi từ năm 7 tuổi cũng đã tập tành làm quen với nghề. Trong cơ sở của tôi có anh thợ lớn tuổi cha mẹ từ miền Bắc vào Sài Gòn năm 1945 mang theo nghề đóng giày, cả đời anh ấy cũng gắn bó với nghề, thấm vào máu. Chúng tôi yêu nghề nên không ngừng tìm tòi, trăn trở hướng đi".

Những người thợ giỏi nhất ở các cơ sở sản xuất giày sẽ dự Hội thi Thợ giỏi ngành da giày quận 4, TP HCM năm 2017

Những người thợ giỏi nhất ở các cơ sở sản xuất giày sẽ dự Hội thi Thợ giỏi ngành da giày quận 4, TP HCM năm 2017

Ông Nguyễn Văn Độ, nghệ nhân da giày cao tuổi tại quận 4, nhớ lại trước đây người thợ làm giày sống rất khá, đơn hàng đều đặn quanh năm. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, thị trường cạnh tranh rất mạnh, đặc biệt đa dạng với các nguồn hàng giá rẻ, hàng xuất xứ Trung Quốc. Hơn thế, mẫu mã, thị hiếu người tiêu dùng thay đổi rất nhanh khiến các cơ sở sản xuất giày không theo kịp. "Lúc trước, thiết kế một mẫu giày, sản xuất ra có thể bán quanh năm. Nhiều cơ sở sản xuất với số lượng lớn, xong cất kho bán dần. Những năm trở lại đây, không ai dám sản xuất như vậy nữa. Thị trường, mẫu mã cứ thay đổi theo mùa nên thợ cũng làm theo mùa, nhiều lúc việc ngập đầu, có lúc không có việc. Đời sống, thu nhập vì vậy cũng không ổn định" - ông Độ nhận xét.

Mới 32 tuổi đời nhưng có gần 20 năm tuổi thợ, anh Ngô Ngọc Thanh nhận xét nhiều thợ giày trẻ không kiên nhẫn và cần cù như các lớp thợ giày đi trước. "Cái giỏi của người thợ nằm trong cái tâm để có thể nhìn được đôi giày, hiểu được ý khách và phải không ngừng mày mò, sáng tạo, khổ nhọc làm đi sửa lại nhiều lần. Đặc biệt là khả năng thiết kế trong thời buổi mà thị hiếu, mẫu mã cứ chạy theo mùa, phải nắm bắt được nhu cầu của khách hàng và cụ thể hóa thành những mẫu mã độc đáo" - anh Thanh đúc kết.

Kết hợp nhiều hướng đi

Theo ông Nguyễn Trọng Tính, Chủ tịch LĐLĐ quận 4, việc tổ chức hội thi được ấp ủ trong 2 năm qua. Hội thi vừa tạo sân chơi nghề nghiệp cho người thợ vừa tăng tính giao lưu kết nối và mở thêm hướng khai thác du lịch với ngành nghề truyền thống này. "Dù người thợ thủ công ngành giày da không nằm trong tổ chức Công đoàn nhưng chúng ta vẫn chăm lo và tạo các sân chơi bổ ích cho họ, qua đó nâng cao tay nghề, thu nhập cho người lao động" - ông Tính cho biết.

Còn ông Lâm Hùng Tấn, Phó Chủ tịch UBND quận 4, kỳ vọng ở mô hình "Giày 24 giờ". Đây là hướng khai thác cho du lịch. Theo hướng này, ngành du lịch sẽ quy tụ một số cơ sở sản xuất giày truyền thống, tạo thành các điểm cho du khách nước ngoài đến tham quan quy trình hoặc tham gia hẳn vào các công đoạn thiết kế, sản xuất một sản phẩm. Khi ưng ý, khách du lịch có thể đặt để thợ gia công và giao hàng tận nơi trong ngày. Ông Tấn chia sẻ: "Quận còn có kế hoạch đào tạo nghề cho anh em thợ, hướng đến khả năng tự thiết kế, sáng tạo để gia tăng giá trị, làm độc đáo thêm các sản phẩm của mình".

Mỗi đôi giày chứa đựng bao tâm huyết của người thợ

Ông Nguyễn Ngọc Linh, chủ một cơ sở sản xuất giày tham gia hội thi, cho rằng làm nghề giỏi đòi hỏi ở người thợ những năng khiếu nhất định, nhất là tư duy thẩm mỹ và nắm bắt thị hiếu, mẫu mã. "Tôi còn nhớ khoảng những năm 1990, lúc vào mùa thì nhà nhà làm giày, gặp nhau cứ í ới hỏi nhau bữa nay có bao nhiêu đơn hàng, vui như Tết. Nửa đêm đi ngủ vẫn nghe tiếng búa gõ của người thợ làm giày kế bên, quen đến mức khi không nghe được nữa thì tự nhiên lại thấy trống trải. Chúng tôi tâm nguyện phải làm sao để mỗi người thợ cảm nhận được họ đang tạo ra không phải là những hàng hóa bình thường mà là những sản phẩm có tính nghệ thuật, làm đẹp cho cuộc sống thì họ sẽ đam mê, thổi hồn vào sản phẩm" - ông Linh đúc kết.

Yêu nghề, nghề không phụ

Theo chị Lê Thị Thủy, chủ một cơ sở sản xuất giày, sản xuất giày thủ công theo lối cũ "đo ni đóng giày" thì chủ động hơn, mẫu mã đẹp, thay đổi linh hoạt theo nhu cầu của từng khách hàng, lại mang dấu ấn, đặc trưng tay nghề của từng người thợ nên vẫn được chuộng. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà nghề rất kén người theo. Để thành một thợ giỏi thực thụ, ít nhất phải mất 3 năm nên các cơ sở rất "cưng" thợ giỏi. Với tay nghề tốt, siêng năng chăm chỉ, mỗi tháng một thợ giày có thể kiếm hơn 10 triệu đồng.

Bài và ảnh: Bạch Đằng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/lan-gio-moi-cho-nghe-giay-truyen-thong-20171211213228238.htm