Làn gió mới cho ngành Bia – Rượu Việt Nam từ Cổ phần hóa doanh nghiệp

Năm 2017, câu chuyện thoái vốn của nhà nước tại Tổng Công ty Cổ phần Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn (tên giao dịch là Sabeco) đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của truyền thông và các nhà đầu tư trong nước và thế giới. 53,59% cổ phần của Sabeco đã về tay Tập đoàn Thai Beverage (ThaiBev) của Thái Lan.

Ảnh minh họa

Đây được coi là cú đột phá lớn cho ngành Bia – Rượu Việt Nam trong năm 2017 và mở ra một hướng đi mới cho Sabeco khi hiện nay, doanh nghiệp này chỉ có thế mạnh trong phân khúc bia tầm trung với 2 dòng sản phẩm là bia Sài Gòn và bia 333, còn trong phân khúc bia cao cấp, sản phẩm bia Saigon Special đang bị “lép vế” trước hãng bia ngoại như: Heineken, Tiger và Sapporo. Như vậy, thách thức đặt ra cho ThaiBev không hề nhỏ trong “cuộc chiến” giành lại thị phần cho Sabeco trong phân khúc bia cao cấp, trong đó việc đầu tư một nguồn kinh phí lớn để marketing cho các sản phẩm hiện tại của Sabeco và tung ra sản phẩm bia mới là những việc cần thiết của ThaiBev trong thời gian tới. Hy vọng với những chiến lược của mình, ThaiBev sẽ góp phần thay đổi cục diện thị trường bia Việt Nam trong năm 2018.

Theo số liệu của Vibiz.vn, năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 16,2 triệu lít bia. Trong đó, các quốc gia có nền sản xuất bia lâu đời như: Đức, Hà Lan, Thái Lan, Bỉ,... là những thị trường nhập khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp Việt. Các loại bia được nhập khẩu là các thương hiệu được yêu thích trên toàn thế giới như: Heineken và Amstel của Hà Lan; Becks, Bitburger và Oettinger của Đức; Singha và Chang của Thái Lan.

Hiện nay, phân khúc bia cao cấp là phân khúc có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm trong giai đoạn 2015-2020 là 7,2%; trong khi đó phân khúc bia bình dân nội địa chỉ đạt 3,7%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng kỳ vọng đã thể hiện ưu thế của dòng bia cao cấp. Nguyên nhân chủ yếu của điều này là xu hướng tiêu dùng cao cấp hóa đang phổ biến trên toàn cầu, cùng với đó là thu nhập người dân tăng lên khiến nhu cầu sử dụng bia cao cấp của người dân tăng cao. Các hãng bia ngoại như Heineken, Budweiser, Sapporo,... được bày bán trên khắp các đại lý phân phối, siêu thị, các nhà hàng,... Chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh của những chai bia ngoại trong các buổi tiệc, buổi liên hoan, tụ tập bạn bè,...

Xu hướng sử dụng bia cao cấp đang gia tăng tại Việt Nam

Doanh nghiệp nội địa nắm vững thị phần xuất khẩu trước các doanh nghiệp FDI

Trong năm 2017, mặc dù các doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế xuất khẩu trong nhiều ngành kinh tế như: dệt may; giày dép; máy vi tính, điện thoại và linh kiện,...nhưng trong ngành Bia – Rượu, các doanh nghiệp nội địa vẫn khẳng định được vị thế của mình trước các doanh nghiệp FDI.

Trong top 10 doanh nghiệp xuất khẩu bia nhiều nhất năm 2017, có đến 7 doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài như: Công ty TNHH Sabmiller Việt Nam, Công ty TNHH Nhà Máy Bia Heineken Hà Nội, Công ty TNHH Bia San Miguel Việt Nam,... Tỷ trọng xuất khẩu của 7 doanh nghiệp này chiếm 31,59% lượng bia xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù các doanh nghiệp sản xuất bia trong nước chỉ có 3 đại diện là: Tổng Công ty CP Bia Rượu Nước Giải Khát Sài Gòn, Công ty CP Tập Đoàn Hương Sen và Công ty CP Đầu Tư Phát Triển Công Nghệ Bia Rượu Nước Giải Khát Hà Nội nhưng tỷ trọng xuất khẩu bia của các công ty này cao hơn các doanh nghiệp FDI và chiếm 32,01% thị phần bia xuất khẩu cả nước. Trong đó, Tổng Công ty CP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) chiếm đến 30,38% tổng thị phần xuất khẩu bia cả nước năm 2017.

Kỳ vọng của ngành Bia – Rượu năm 2018

Những thành tựu rực rỡ đạt được trong năm 2017 đã tạo nhiều tiền đề phát triển cho ngành Bia – Rượu trong năm 2018. Với mức tăng trưởng của thị trường bia, rượu được đánh giá là cao nhất thế giới hiện nay, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển ngành này. Đặc biệt, khi thu nhập của người dân tăng lên đã kéo theo xu hướng chuyển dịch từ dòng bia bình dân sang cao cấp. Đây là cơ hội và cũng là thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất bia Việt Nam trước các “đại gia” bia ngoại. Tuy nhiên, thương vụ thoái vốn thành công của Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn năm 2017 đã mở ra một hướng đi mới cho ngành Bia - Rượu nước ta và thúc đẩy sự tăng trưởng toàn ngành khi doanh nghiệp tiếp theo nối bước Sabeco sẽ là Habeco.

Với thế mạnh là nhà cung cấp hàng đầu những phân tích và dự báo chuyên sâu về ngành Bia – Rượu, Chuyên trang cơ sở dữ liệu về các ngành kinh tế và kinh doanh Vibiz.vn phối hợp cùng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đưa ra báo cáo về doanh nghiệp xuất nhập khẩu Bia – Rượu 2017.

Nội dung cung cấp trong báo cáo đa dạng, toàn diện về tình hình xuất nhập khẩu chung (kim ngạch, mặt hàng, thị trường, top các doanh nghiệp xuất nhập khẩu), đồng thời kết hợp đi sâu phân tích những thuận lợi, khó khăn, cơ hội phát triển của ngành nói chung và thế mạnh, thách thức của các loại bia, rượu xuất nhập khẩu.

CT

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/lan-gio-moi-cho-nganh-bia-ruou-viet-nam-tu-co-phan-hoa-doanh-nghiep-102870.html