Làn dừng khẩn cấp là gì? Cách sử dụng làn đường dừng khẩn cấp trong cao tốc

Nếu thường xuyên di chuyển trên cao tốc, bạn có thể sẽ để ý đến một làn đường trong cùng ở rìa ngoài gần như không có xe di chuyển trong đó. Đó chính là làn đường dừng khẩn cấp (hard shoulder).

1. Làn dừng khẩn cấp là gì?

Làn dừng khẩn cấp là làn nằm ngoài cùng bên phải trên đường cao tốc. Theo quy chuẩn 41/2016 về báo hiệu đường bộ, làn này được phân cách với làn xe chạy bằng vạch liền màu trắng.

Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, khi di chuyển trên cao tốc, các phương tiện không được cho xe chạy ở phần lề đường và làn dừng xe khẩn cấp. Trường hợp vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đến 1 triệu đồng theo quy định của Nghị định 46/2016.

Làn khẩn cấp không được phép sử dụng để vượt xe khác

Làn khẩn cấp không được phép sử dụng để vượt xe khác

2. Các trường hợp được phép sử dụng làn dừng khẩn cấp

Làn khẩn cấp không được phép sử dụng để vượt xe khác. Tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, làn để vượt là làn nằm sát tim đường hay dải phân cách chính giữa. Tuy nhiên, nhiều tài xế vô ý thức vẫn tranh thủ dùng làn đường này để vượt khi kẹt xe, gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh, đồng thời thể hiện sự xem thường pháp luật.

Ngoài ra, bạn không được dùng làn khẩn cấp để nghe điện thoại, nghỉ ngơi hoặc đi vệ sinh. Thay vào đó, bạn có thể làm những việc này tại các trạm dịch vụ được đặt cách nhau vài km trên cao tốc.

Những trường hợp được phép dùng làn khẩn cấp bao gồm: ô tô bị hư hỏng, thủng lốp xe, xe rơ moóc gặp trục trặc hay sức khỏe của tài xế có vấn đề. Tại một số khu vực ở Mỹ và Canada, xe buýt được phép chạy vào làn khẩn cấp để tránh tắc đường. Các nơi khác thì tùy vào địa hình và điều kiện giao thông mà xe đạp, người đi bộ được di chuyển vào làn đường đặc biệt này.

Thông thường, trên cao tốc không có biển báo riêng dành cho làn khẩn cấp, nếu có cũng chỉ là biển báo phân loại mặt đường như: làn khẩn cấp mềm (soft shoulder) và làn khẩn cấp cứng (hard shoulder). Trong đó, làn khẩn cấp mềm là phần lề đường bằng đất, sỏi…, còn làn khẩn cấp cứng được trải nhựa hoặc bê-tông giống mặt đường chính.

Ở một số nơi, tài xế được cảnh báo bằng biển "Shoulder drop off", có nghĩa là làn khẩn cấp không có chiều cao đồng bộ với mặt đường và thấp hơn khoảng 7-8 cm trở lên. Có nơi, các phương tiện được thông báo bằng biển "No shoulder" tại khu vực không có làn đường khẩn cấp.

Những trường hợp được phép dùng làn khẩn cấp bao gồm: ô tô bị hư hỏng, thủng lốp xe, xe rơ moóc gặp trục trặc hay sức khỏe của tài xế có vấn đề

3. Cách sử dụng làn dừng khẩn cấp trên cao tốc

Trường hợp gặp phải tình huống khẩn cấp và cần dừng lại trên cao tốc, bạn nên đánh lái về bên phải (hoặc bên trái đối với quốc gia đi bên trái), sau đó bật đèn cảnh báo nguy hiểm (nút màu đỏ ở giữa xe) để báo hiệu cho các phương tiện đi sau.

Khi xe đã dừng hẳn, bạn cũng nên đánh lái sang bên phải (hoặc trái đối với những nước đi bên trái) để đề phòng tình huống có ô tô khác đâm vào bạn. Lúc này, ít nhất xe bạn cũng lao về phía ngoài đường cao tốc thay vì làn đường chính.

Sau đó, bạn nhớ kéo phanh tay trước khi ra khỏi xe, rồi tìm số điện thoại khẩn cấp - thường được ghi trên các bảng báo hiệu - để liên hệ với dịch vụ cứu hộ. Nếu có thể thì hãy nhìn xung quanh xem có các chỉ dấu của đường cao tốc không. Những tấm bảng nhỏ có ghi số ở trên sẽ giúp dịch vụ cứu hộ xác định được vị trí của bạn và đến giúp bạn trong thời gian nhanh nhất.

4. Trường hợp không được phép sử dụng làn dừng khẩn cấp trên cao tốcKhi vượt xe khác

Một số lái xe vẫn có thói quen sử dụng làn dừng khẩn cấp trên cao tốc để vượt xe khác. Điều này gây nguy hiểm cho bản thân người điều khiển và cả những phương tiện khác bởi làn này chỉ dùng để dừng xe trên cao tốc.

Dừng xe để làm việc riêng

Theo quy định, làn dừng khẩn cấp không được dùng để sử dụng cho các trường hợp như nghe điện thoại, đi vệ sinh, ngủ lại trên xe…

Bởi Thu Hà, Hôm qua, lúc 09:30

Nguồn Cartimes: http://cartimes.vn/bai-viet/lan-dung-khan-cap-la-gi-cach-su-dung-lan-duong-dung-khan-cap-trong-cao-toc-6279.htm