Làn dừng khẩn cấp cho đường nông thôn

Đó là sáng kiến của anh Nguyễn Văn Thảo trong việc đảm bảo trật tự ATGT tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Anh Nguyễn Văn Thảo đứng bên “làn dừng khẩn cấp” của mình tạo ra

Anh Nguyễn Văn Thảo đứng bên “làn dừng khẩn cấp” của mình tạo ra

Đến với ấp 2, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, rất nhiều người sẽ biết đến anh Ba Thảo (tức là anh Nguyễn Văn Thảo, số nhà 648, tổ 15, ấp 2) với vai trò là một “nhà" hòa giải cừ khôi trong Ban Hòa giải ấp 2, đem lại sự yên lành cho nhiều gia đình ở địa phương. Anh cũng là một người tham gia công tác xã hội tích cực từ hai mươi năm nay, trên nhiều lĩnh vực như: Tham gia làm đường, tu sửa đường nông thôn, hỗ trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật đi bệnh viện… Thế nhưng, ít ai biết được anh Ba Thảo còn là một người có nhiều ý tưởng hay, sáng tạo trong việc đảm bảo trật tự ATGT nông thôn với những công trình tuy nhỏ nhưng rất thiết thực.

Với nhiều bà con trong xóm, công trình “làn dừng khẩn cấp” cho đường nhánh nối vào con đường làng ven kinh Tứ Thường là một ý tưởng giúp ích cho rất nhiều người. Thực ra, làn dừng khẩn cấp là nói theo những công trình lớn như ở đường cao tốc nhưng theo anh Ba Thảo thì đường nhánh ở quê cũng rất cần những làn dừng như thế. Bởi huyện Hồng Ngự là vùng thường xuyên chịu cảnh nước lụt hàng năm nên khi làm đường giao thông ven sông, kênh rạch, người ta thường hay kết hợp với làm đê ngăn nước lụt khá cao. Vì vậy, từ các đường nhánh vốn dĩ rất thấp, muốn chạy xe lên đường làng thì phải vừa ráng sức leo dốc, lại vừa phải quan sát hai phía trên đường làng xem có xe chạy đến hay không. Thế nhưng, nếu bị che khuất tấm nhìn, khi gặp xe chạy ngược chiều bất ngờ thì sẽ rất nguy hiểm và cần có một nơi để tránh khẩn cấp.

Đã nghĩ là làm, anh tìm đến chủ nhà của hai bên đường nhánh để vận động, thuyết phục. Được sự đồng ý của chủ nhà, anh đập bớt một trụ hàng rào bê tông sát mép đường hẻm rồi tự bỏ tiền túi nhờ thợ cửa sắt, hàn uốn cong một đoạn sắt rồi lợp lưới B40 lên làm hàng rào thay thế với vị trí lùi lại vào bên trong sân nhà một chút. Nhờ đó, bà con trong xóm mỗi khi ra đường, đi làm, đi chợ… đã có thể an toàn hơn khi chạy xe lên đường làng nhờ có góc nhìn rộng và có thể tấp xe vào sát hàng rào ven đường khi gặp xe đang chạy ngược lại bất ngờ. Sáng kiến này của anh đã lan tỏa sang nhiều con hẻm nhỏ khác và sự bình yên của xóm làng cũng nhờ đó mà tăng lên.

Những năm gần đây, khi phong trào làm đường nông thôn phát triển mạnh ở huyện Hồng Ngự thì cũng là lúc anh Ba Thảo có thêm nhiều việc phải làm hơn. Với tư cách là một hội viên tích cực của Hội Chữ thập đỏ xã, anh cùng nhiều bà con góp công, góp sức làm cho đường làng đẹp hơn. Đặc biệt, anh đã giúp cho nhiều hộ dân ở trong các đường nhánh, đường hẻm thoát khỏi cảnh nước mưa ngập úng do sự nâng cao của các đường làng chống lụt. Rất đơn giản, anh Ba Thảo rút kinh nghiệm từ ngay khu vực nhà mình là phải đặt ống thoát nước mưa xuống kênh rạch trước khi làm đường nông thôn. Nhớ đó, những trận mưa dữ dội cũng khó thể ngập sân đối với những ngôi nhà có nền khá thấp trong các xóm.

Chưa hết, khi dân số ngày một tăng, nhà cửa ngày một nhiều thì đường giao thông là một nhu cầu thiết yếu cho mọi người. Vì vậy, nhiều nơi đất bỏ hoang trước kia cũng biến thành đường đi. Dĩ nhiên, những trụ điện với dây chằng chịt trên những ô đất hoang trước kia sẽ trở thành hiểm họa cho các phương tiện giao thông và người qua lại trên đường. Ví dụ như một trụ điện hạ thế nằm trong khu dân cư. Ban đầu, dây chằng trụ điện không lo phải vướng chân ai, thế nhưng, khi đất gần trụ điện ấy biến thành đường đi thì búi dây lằng nhằng kia trở thành một cơn ác mộng cho nhiều người đi đường. Do đường tối và khuất tầm nhìn, nhiều tai nạn đáng tiếc vẫn xảy ra ngay sợi dây chằng chịt giữa đường đó. Trước vấn đề này, anh Ba Thảo nhờ thợ chụp hình sợi dây chằng chịt đó rồi anh tự mang tấm hình xuống điện lực huyện Hồng Ngự để cầu cứu. Kết quả, ngành điện đã ngay tức khắc cho thợ điện lên cắt bỏ những sợi dây điện không cần thiết, bảo đảm an toàn cho mọi người dân qua lại nơi đây.

Thực sự, nếu kể về Ba Thảo - một người dân nghèo đã từng phải làm thuê mướn, lam lũ để kiếm sống nhưng giàu lòng nhân ái, luôn sống tích cực vì xã hội thì câu chuyện sẽ còn thật dài. Bởi trong các đoàn vận động quyên góp từ thiện, phát quang cây xanh, mở rộng tầm quan sát cho đường giao thông nông thôn, vận động làm đường đan vào trong các xóm… sẽ luôn có bóng dáng của anh. Bà con ở xóm mến thương và đều cho rằng nhờ có công đức như vậy nên con cái của anh học hành giỏi giang, có một tương lai sáng lạn. Và xã hội này sẽ ngày một tươi đẹp hơn, đường nông thôn sẽ sạch đẹp, an toàn hơn nếu ngày càng có nhiều những tấm lòng nhân hậu, biết nghĩ, biết làm vì mọi người như anh Ba Thảo vậy.

Hậu Nghệ

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/lan-dung-khan-cap-cho-duong-nong-thon-d86321.html