Lan đột biến trăm tỷ: Bao vụ náo loạn thị trường... coi chừng sập bẫy?

Trước hàng loạt thương vụ mua bán lan đột tiền tỷ gây xôn xao dư luận, các cơ quan chức năng cảnh báo người dân nên cẩn trọng với chiêu trò thổi giá của dân buôn.

Những vụ lan đột biến tiền tỷ gây náo loạn thị trường

Ngày 15/3 vừa qua, cộng đồng mạng xôn xao về một thương vụ mua bán lan var Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng diễn ra tại Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh.

Trên Facebook của anh Nguyễn Văn Minh, người được cho là chủ nhân mua cây lan trị giá 250 tỷ đồng đã đăng tải thông tin về việc nhận chuyển giao 3 cuộc giao dịch lớn với vườn lan var Đất Mỏ với tổng giao dịch là 288.500.000.000 đồng. Trong đó có 1 cây Ngọc Sơn Cước có giá 250 tỷ đồng, 1 lá non Pleiku giá 20,5 tỷ đồng và 2 lá non Cờ đỏ giá 18 tỷ đồng.

Tổng số tiền giao dịch lên đến 288.500.000.000 đồng khiến dư luận dậy sóng. Ảnh: Tiền phong.

Theo Tiền phong, ông Hoàng Văn Mạnh, Trưởng phòng Tuyên truyền Hỗ trợ Cục Thuế Quảng Ninh, cho biết cơ quan bước đầu đã xác minh được bên chuyển nhượng là nhà vườn lan var Đất Mỏ tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh).

Nhà vườn này đang nuôi trồng 12ha lan các loại. Còn thông tin về thương vụ mua bán lan var Ngọc Sơn cước trị giá 250 tỷ đồng thì "cơ quan không nắm rõ".

Phía nhà vườn cho biết, toàn bộ số lan trong vườn hiện mới chỉ trong giai đoạn ươm cấy, nuôi trồng, không xác nhận việc mua bán.

Trên thực tế, đây không phải là thương vụ mua bán lan đột biến tiền tỷ đầu tiên gây xôn xao thị trường. Trước đó, ngày 19/12/2020, giới chơi lan xôn xao về hình ảnh và đoạn quay trực tiếp buổi chuyển nhượng 14 chậu lan quý của một đại gia ngành lan ở Hòa Bình.

Sự kiện chuyển nhượng hoa lan đột biến tại Hòa Bình sáng 19/12/2020 gây xôn xao. Ảnh chụp màn hình.

Trong buổi giao dịch, xuất hiện một số loài lan đột biến quý như 5 cánh trắng Pleiku, 5 cánh trắng cờ đỏ, 5 cánh trắng đại cát, thảo chi, hồng chương chi. Dù nhà vườn không tiết lộ giá trị toàn bộ thương vụ nhưng một trong những "lão đại" nổi tiếng của ngành lan - nhà lan Hai Beo - đã tiết lộ trên Báo Kinh doanh và Phát triển rằng giá trị của dàn lan quý này lên tới 200 tỷ đồng.

Trước thông tin trên, một số ý kiến cho rằng, với chừng 14 chậu lan thì hoàn toàn có thể đạt giá trị tới 200 tỷ đồng. Song, cũng có ý kiến cho rằng đây chỉ là giao dịch giữa các nhà vườn nên việc đề giá và giá trị thực của các chậu lan rất khó xác thực.

Cuối tháng 12/2020, một nữ "tay chơi" lan đột biến ở Hạ Long, Quảng Ninh đã rao bán chậu lan Vĩnh Khang với giá 50 tỷ đồng trên Facebook.

Sau khi người này rao bán, rất nhiều nhà vườn nổi tiếng trên truyền thông đã bình luận muốn sở hữu giống lan trên.

Tháng 9/2020, anh Nguyễn Chính đã rao bán cây lan Bướm Đại Ngàn với giá 100 tỷ đồng trên Facebook. Chủ nhân thông tin, cây lan này dài 14cm, đang ra 1 mầm nối, 2 kei, ngọn vẫn phát triển mạnh. Sau một ngày rao bán không có ai mua nên giao dịch này đã không diễn ra. Trên trang cá nhân, chủ nhân cho biết sẽ giữ lại cây lan đột biến này.

Theo Báo Tổ Quốc, vào tháng 7/2020, cộng đồng chơi lan rầm rộ chia sẻ hình ảnh một chậu lan Juliet với độ dài chừng 20-30cm, được cho là đã chuyển nhượng với mức giá 83 tỷ đồng. Nhiều người nhận xét chậu Juliet này nở hoa đẹp, cân đối. Song, nhiều ý kiến cho rằng, 83 tỷ đồng cho một chậu lan là mức giá "không tưởng", "điên rồ" và "không có thật".

Chậu lan Juliet giá 83 tỷ gây xôn xao. Ảnh: Tổ quốc.

Coi chừng sập bẫy trước chiêu trò thổi giá của dân buôn

Khoảng vài năm gần đây, phong trào chơi lan đột biến lên cao, kèm theo đó là nhiều giao dịch có giá trị từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng.

Theo một số người chơi hoa phong lan có thâm niên, giá trị hoa lan đột biến đang được định giá tự do, không có căn cứ hay cơ sở pháp lý rõ ràng. Các hoạt động mua bán, chuyển nhượng hoa lan diễn ra tự phát, chủ yếu dựa vào cam kết, thỏa thuận giữa hai bên. Không có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng.

Vì thế, không ít người nghi ngờ những thương vụ mua bán lan bạc tỷ này chỉ là chiêu thổi giá của dân buôn, tạo sự hấp dẫn giả tạo nhằm thu hút số lượng lớn người mới chơi lan vào vòng xoáy làm giàu nhanh.

Một số người hám lợi vay tiền người thân, bạn bè, thậm chí cầm cố tài sản để vay ngân hàng, vay tín dụng đen đầu tư vào lan đột biến để rồi trở thành nạn nhân của bẫy lừa đảo.

Thực tế, đã có không ít người chơi lan bị chiếm đoạt tiền vì những kẻ lừa đảo bán lan đột biến. Các cơ quan chức năng cũng cảnh báo người dân nên cẩn trọng với các giao dịch này.

Hoàng Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/lan-dot-bien-tram-ty-bao-vu-nao-loan-thi-truong-coi-chung-sap-bay-1513653.html