Lần đầu vượt Mỹ, Trung Quốc chính thức phát mạng 5G

Vượt qua Mỹ, Trung Quốc đã chính thức trở thành quốc gia thứ hai khởi động mạng 5G trên toàn quốc.

Bước tiến của Trung Quốc

Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu trong việc phổ cập mạng 5G

Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu trong việc phổ cập mạng 5G

Theo đó, China Telecom, China Unicom và China Mobile đều công bố các gói thuê bao 5G có giá khởi điểm khoảng 128 nhân dân tệ (18 USD) mỗi tháng, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng, mức giá này vẫn có thể quá cao để phổ biến trên diện rộng.

Các dịch vụ được cung cấp bởi các nhà mạng di động ở Trung Quốc đều tương tự nhau và lên tới khoảng 599 nhân dân tệ mỗi tháng cho 300 gigabyte dữ liệu và 3.000 phút gọi. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo rằng mức giá này có thể vẫn là quá cao để 5G được sử dụng rộng rãi tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Có thể thấy, sau khi Mỹ gây sức ép lớn lên Huawei, hãng thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và thuyết phục các quốc gia khác không sử dụng thiết bị 5G do hãng này sản xuất, Trung Quốc đã đẩy nhanh tiến trình triển khai 5G tại quốc gia này. Mạng 5G thương mại hiện đã có mặt tại hơn 50 thành phố của Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến.

Các chuyên gia đánh giá, Trung Quốc sẽ là nước có số lượng kết nối 5G lớn nhất vào năm 2025, lớn hơn nhiều so với con số của cả Bắc Mỹ và châu Âu gộp lại. Theo một nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Mỹ, quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ có khoảng 350.000 trạm cơ sở có thể hoạt động 5G, gấp gần 10 lần so với Mỹ.

Đồng thời, khi các công ty điện thoại hàng đầu ở các quốc gia đang băn khoăn với chi phí xây dựng mạng không dây 5G, các nhà khai thác của Trung Quốc đã sẵn sàng cung cấp các thiết bị truyền phát 5G với mức giá thấp hơn một nửa so với các nhà mạng Mỹ.

Đồng thời, trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu với quy mô lớn cùng mạng lưới 5G nhanh nhất thế giới cũng có thể giúp quốc gia này tiến gần hơn tới tham vọng thống trị các ngành công nghiệp tự động như robot và phát triển xe tự lái.

Paul Lee, chuyên gia nghiên cứu về công nghệ, truyền thông và viễn thông tại Deloitte Consulting cũng nhận định, lợi ích cơ bản của việc trở thành quốc gia dẫn đầu ngành viễn thông là có thể xây dựng các mô hình kinh doanh phía sau và xuất khẩu chúng sang các nước khác.

Với lợi thế dẫn đầu, Trung Quốc sẽ có cơ sở mở rộng tầm ảnh hưởng bằng cách tăng cường hỗ trợ phát triển cho các quốc gia Đông Nam Á trước khi Mỹ hành động. Nếu Trung Quốc thiết lập các tiêu chuẩn công nghệ tại các khu vực chiến lược trên thế giới, điều đó có nghĩa là Mỹ đang ngày càng có ít đòn bẩy hơn với Bắc Kinh để định hình những sức ép mà họ mong muốn từ Trung Quốc.

Có thể thấy, nước cờ khôn khéo của chính phủ Trung Quốc trong việc phát triển 5G vào năm 2013 đã tạo ra các những cái tên lớn như Huawei và ZTE Corp cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp quốc gia sở hữu các bằng sáng chế về công nghệ 5G đã mang lại nhiều lợi thế.

Thông qua nguồn thu từ tiền bản quyền của các nhà sản xuất thiết bị 5G, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tập trung thúc đẩy và phát triển các nghiên cứu và mở ra những hướng đi mới, giúp cường quốc đứng đầu châu Á có được lợi thế dẫn đầu trong kỷ nguyên công nghệ.

Thách thức bủa vây

Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn đang gặp nhiều thách thức trên con đường duy trì "ngôi vương" trong kỷ nguyên công nghệ 5G khi quốc gia này vẫn đang đối diện với việc thiếu thiết bị hỗ trợ mạng 5G trên thị trường, dẫn đến sự cạnh tranh trực tiếp với các thiết bị nước ngoài trong chính thị trường nội địa.

Ở phân khúc cao cấp, Huawei có các thiết bị Mate 20 X 5G và Mate 30 có thể kết nối với các mạng thế hệ tiếp theo trong khi Note 10+ của Samsung cũng hỗ trợ. Tuy nhiên, các sản phẩm điện thoại này đều có mức giá bán cao hơn mức thu nhập của đại đa số người tiêu dùng Trung Quốc.

Hiện tại, nhà sản xuất thiết bị Thụy Điển Ericsson AB nhấn mạnh Trung Quốc là thị trường 5G quan trọng khi quyết định đẩy mạnh xuất khẩu và tăng triển vọng doanh số tại Trung Quốc trong năm 2020. Đối thủ Phần Lan Nokia cũng đã giành được hợp đồng cung cấp thiết bị 5G tại Trung Quốc.

Vô hình dung, điều này sẽ đẩy China Mobile, China Unicom Hong Kong Ltd. và China Telecom Corp vào tình thế khó nếu muốn duy trì sự dẫn đầu trong việc cung cấp 5G tại Trung Quốc trong thời gian dài. Hiện nay, cả ba tập đoàn này đều báo cáo sụt giảm trong tăng trưởng lợi nhuận mặc dù bảng cân đối kế toán vẫn mạnh. Tuy chi phí ở Trung Quốc thấp hơn so với nhiều thị trường khác, các công ty vẫn đang nỗ lực để kiểm soát chi tiêu cho việc phát triển công nghệ.

Trung Quốc đang đặt cược rất lớn vào việc chuyển đổi từ một "công xưởng sản xuất" của thế giới thành một quốc gia phát triển các thiết bị mới dựa trên công nghệ của chính họ. Tuy nhiên, vẫn có một khoảng cách rõ ràng giữa công nghệ thông tin và điện tử kỹ thuật số của Trung Quốc với nhà tiên phong công nghệ của thế giới, Mỹ.

Không thể phủ nhận Trung Quốc đã vượt Mỹ trong việc dẫn đầu thế giới về ứng dụng công nghệ 5G, nhưng có thể ngồi lâu ở nhóm đầu hay không thì vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ, khi các cường quốc khác đang tiếp theo sau.

Cẩm Anh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/lan-dau-vuot-my-trung-quoc-chinh-thuc-phat-mang-5g-160744.html