Lần đầu tổ chức lễ hội Tây Yên Tử

Lễ khai hội Xuân Tây Yên Tử được tổ chức vào ngày hôm nay (26-2) và kéo dài hết ngày 27-2 (tức 11 và 12 tháng Giêng âm lịch) tại Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, huyện Sơn Động và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại lễ đúc chuông chùa Hạ.

Đường Phật hoàng tìm giải thoát

Trước đây, do nhiều yếu tố như thuận tiện đường giao thông, quảng bá thu hút du lịch nên du khách hành hương tới Yên Tử chủ yếu đi theo đường 18 tới Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Điều này dễ khiến nhiều người nghĩ đó là con đường từ bỏ ngai vàng đi tu đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Nhưng khoảng chục năm trở lại đây, một số nhà khoa học, nhà sư sau khi điền dã đã phát hiện con đường đi tu của Phật hoàng là từ phía Tây sang Đông.

Tương truyền, khi Phật hoàng Trần Nhân Tông đi qua chùa Đông Tháp (thuộc xã Cẩm Lý, Lục Nam, Bắc Giang), sư trụ trì ở đây thấy phong thái khác thường mới mời vào chùa.

Phật hoàng dừng chân ít lâu rồi tiếp tục lên đường. Theo con đường lên Yên Tử, ngày nay chúng ta có thể nhận thấy nhiều dấu tích trong quá trình tu hành của Phật hoàng. Tiêu biểu nhất là Tổ đình Vĩnh Nghiêm.

Đây được coi là nơi đào tạo Phật giáo đầu tiên của Đại Việt. Chùa Vĩnh Nghiêm còn đang lưu giữ một kho thư khố hơn 3 nghìn mộc bản đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa ký ức nhân loại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nhiều người dân ở xã Tuấn Mậu kể rằng: Nhiều cung nữ đã theo Phật hoàng lên Yên Tử. Một số cung nữ đã tuẫn tiết ở suối Giải Oan, còn một số vua cho về khu vực phía Tây sinh sống, lấy chồng sinh con.

Vì vậy, những người con gái ở đây rất xinh đẹp và thường được gọi là “gái tiễn vua” hoặc “gái tiến vua”. Gọi theo cách nào cũng cũng đều có lý riêng.

Không chỉ Phật hoàng mà một số nhà sư đời sau, từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII cũng đã chọn lên Yên Tử từ phía Tây để tu hành. Vì vậy, năm 2014, Bộ VHTTDL cũng yêu cầu hai tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Yên Tử là di sản thế giới.

Điểm đến tâm linh

Để phục vụ du lịch tâm linh Tây Yên Tử, tỉnh Bắc Giang đã đầu tư xây dựng một con đường mới với chiều dài 73 km nối quốc lộ 1A mới với các điểm di tích, du lịch quan trọng nhất trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Tổng mức đầu tư của công trình này lên tới 2.700 tỷ đồng với làn đường rộng rãi, thoáng đãng. Ông Nguyễn Văn Linh - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ: Đây sẽ là con đường nối liền nhiều khu di tích, văn hóa nổi tiếng như: Chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, Khu di tích, văn hóa Suối Mỡ, Đồng Thông…

Từ khu du lịch Tây Yên Tử, du khách leo núi lên chùa Đồng chỉ mất khoảng 2 giờ, gần hơn rất nhiều so với leo từ phía Đông.

Ông Nguyễn Quang Ngạn- Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết: Từ ngày làm lễ đặt đá 17/5/2014, qua hơn 3 năm xây dựng khẩn trương, đến nay, nhiều hạng mục chính như chùa Hạ, chùa Thượng, khu quảng trường; tuyến đường tỉnh 293 (đường Tây Yên Tử), các tuyến đường dẫn đến trung tâm Khu du lịch Tây Yên Tử cơ bản hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến chiêm bái, thưởng ngoạn.

Nhiều hạng mục công trình khác sẽ hoàn thiện trong những năm tiếp theo. Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động như: Lễ rước tượng Phật từ chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) lên chùa Hạ, thực hiện lễ an vị tượng Phật và các nghi lễ có liên quan khác; lễ khánh thành chùa Hạ giai đoạn 1; phát động Tết trồng cây Xuân Mậu Tuất 2018, tổ chức các giải thể thao và trò chơi dân gian truyền thống; chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân.

Trong đó, điểm nhấn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt tâm linh là lễ rước tượng Phật và lễ khánh thành chùa Hạ.

Các nghi lễ sẽ được tổ chức trang nghiêm, mang đậm tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, thể hiện ước nguyện của nhân dân cầu mong quốc thái dân an...

Để có thể thu hút hàng vạn khách du lịch về dự Lễ hội Tây Yên Tử, ông Ngạn cho biết: BTC lễ khai hội được thành lập gồm 5 tiểu ban giúp việc về nội dung, lễ tân, hậu cần, hội trại, an ninh.

BTC phối hợp với Ban Quản lý xây dựng di tích Tây Yên Tử, Công ty CP Dịch vụ Tây Yên Tử chuẩn bị về mặt bằng tổ chức lễ khánh thành chùa Hạ, phát động Tết trồng cây Xuân Mậu Tuất, lễ khai hội Xuân Tây Yên Tử 2018; bố trí địa điểm đón tiếp đại biểu và du khách.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan của huyện xây dựng phương án và bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường; bảo đảm nguồn điện ổn định, an toàn và có phương án cấp điện dự phòng nếu xảy ra sự cố...

Lễ hội Lồng tồng ATK Định Hóa - Thái Nguyên đón bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngày 25/2 (tức mùng 10 tháng Giêng), lễ hội Lồng tồng đã diễn ra tại thôn Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên với ý nghĩa cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Lễ hội năm nay được tổ chức trang trọng, thu hút sự tham dự của nhiều người dân và du khách; qua đó góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh Thái Nguyên.

Phần lễ bao gồm các hoạt động: Lễ dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; lễ cầu mùa của đồng bào dân tộc Tày, Sán Chay; lễ cầu phúc, lễ cày tịch điền...

Phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao như: Tung còn, thi cắm trại; thi văn nghệ; giã bánh dày; thi cấy; thi đi cà kheo, kéo co, đẩy gậy; triển lãm tranh; tái hiện không gian văn hóa trà...

Dịp này cũng đã diễn ra lễ trao bằng công nhận lễ hội Lồng tồng ATK Định Hóa - Thái Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Cùng ngày, tại khu di tích lịch sử văn hóa đền Hạ (xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội), Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Ba Vì đã tổ chức lễ đón bằng công nhận Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; khai hội Tản Viên Sơn Thánh và khai trương du lịch Ba Vì năm 2018; còn tại xã Yên Ninh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa cũng đã diễn ra lễ trao bằng công nhận lễ hội Trò Chiềng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Vi Hòa

Mạnh Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/lan-dau-to-chuc-le-hoi-tay-yen-tu-tintuc395784