Lần đầu tiên xuất ngoại, chủ nhân Cánh tay robot "choáng" với công nghệ thế giới

Huy thừa nhận: “Em thấy choáng, bởi vì công nghệ của người ta đa phần vượt xa quốc gia mình”.

Ngày 24.5 vừa qua, Phạm Huy đã nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ kèm tiền thưởng 7 triệu đồng với thành tích đạt giải Ba tại cuộc thi Khoa học Kỹ thuật Quốc tế năm 2017.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT Quảng Trị đã quyết định tổ chức trao giấy khen kèm phần thưởng 3 triệu đồng cho Huy.

Chia sẻ cảm xúc khi biết mình đạt giải, Huy cho biết: “Lúc người ta đọc đến giải Tư nhưng không nghe thấy tên mình, em nghĩ sản phẩm của em bị đánh rớt rồi. Thế nên khi nghe tên mình ở danh mục giải Ba, em rất vui mừng. Trong khoảnh khắc ấy, em nghĩ đến tất cả mọi người, từ nhà trường đến bố mẹ, thầy giáo hướng dẫn của em và tất cả những người đã từng giúp đỡ em".

Gia đình và thầy cô đón Huy (thứ 4 từ trái sang) ở sân bay. Ảnh: NVCC.

Trước câu hỏi cảm nhận về đề tài của các bạn trên khắp thế giới tham sự cuộc thi, Huy thừa nhận: “Em thấy choáng, bởi vì công nghệ của người ta đa phần vượt xa quốc gia mình”.

Huy cho biết thêm, vào ngày thi, đề tài của Huy có các giám khảo đến liên tục nên hầu như không có thời gian để đi xem các bạn quốc tế thi thố. Em chỉ xem được một số đề tài như Nghiên cứu về chuyển động con người, các hợp chất mới trong chữa bệnh…

Trở về Việt Nam trong sự chào đón của mọi người, Phạm Huy không giấu nỗi niềm hạnh phúc. Em hy vọng những lần thi sau, đoàn học sinh Việt Nam sẽ đạt thành tích cao hơn nữa.

Đánh giá về sản phẩm của mình, Huy chia sẻ: “Hiện tại chỉ mới là phiên bản thử nghiệm mang dự thi. Sau này, em sẽ tiếp tục phát triển cánh tay robot bằng cách nâng cấp các phần công nghệ để nhỏ gọn hơn.

Ngoài ra, phát triển thêm các thành phần để phổ biến cánh tay robot vào cuộc sống, đặc biệt là phục vụ cho người khuyết tật. Em dự định sẽ tham gia các hoạt động xã hội và hướng dẫn cho các bạn năm sau tham gia các cuộc thi. Ước mơ của em là trở thành một lập trình viên”.

Huy bên cánh tay robot. Ảnh: NVCC.

Huy cho biết thêm, các sản phẩm có sẵn trên thị trường có nhiều loại cánh tay khác nhau như cánh tay điều khiển bằng sóng cơ hay sóng não… nhưng có nhiều hạn chế như giá thành cao, chỉ phục vụ cho người khuyết tật bị cụt một tay…

Bởi vậy, em muốn tạo ra một cánh tay có thể hỗ trợ cho người khuyết tật mất hoàn toàn cánh tay, mất đồng thời hai cánh tay, có giá thành rẻ và phù hợp với mức sống của người khuyết tật.

“Đề tài của em không hoàn toàn vượt xa người ta về mặt công nghệ nhưng nó có thể khắc phục được những nhược điểm mà người ta không làm được, ví dụ như nó có thể phục vụ cho người bị mất hoàn toàn hai tay, có giá thành rẻ, mang tính nhân văn, nhất là được phục vụ cho quốc gia từng có chiến tranh như chúng ta”, Huy chia sẻ.

Theo đó, robot của em sử dụng chân để điều khiển tay, bởi vì chân là một bộ phận độc lập của cơ thể người và người khuyết tật có thể sử dụng hai bàn chân để điều khiển đồng thời hai bàn tay một lúc hoàn toàn độc lập với nhau.

Để sáng chế ra được robot nhân văn này, em đã học lập trình về robot, đồ họa 3D trên máy tính. Em không phải là người khuyết tật nên không đáp ứng được các nguyện vọng của người khuyết tật. Bởi vậy, sau khi làm việc với một số người khuyết tật ở địa phương, họ giúp em đưa ra các lỗi sai, các hạn chế của cánh tay và từ đó từng bước hoàn thiện nó.

Giấy khen Bộ GD&ĐT. Ảnh: NVCC.

Theo anh Phạm Xuân Đính (bố của Huy, ở xã Triệu tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), Huy đam mê robot từ nhỏ.

“Lúc đó, gia đình cứ nghĩ Huy tìm tòi để thay thế đồ chơi thôi. Nhưng dần lên cấp 2, gia đình thấy biểu hiện rõ rệt hơn, trong nhà nhiều khi cản vì sợ Huy lo bên này thì không tập trung học hành. Cản hoài không nổi, lại thấy Huy có đam mê cháy bỏng nên gia đình đành chiều theo”, anh Đính chia sẻ.

Nhật Tuấn

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/lan-dau-tien-xuat-ngoai-chu-nhan-canh-tay-robot-choang-voi-cong-nghe-the-gioi-c7a532095.html