Lần đầu tiên xuất hiện: Kết luận chưa phục, khởi kiện Kiểm toán nhà nước

'Người nộp thuế không đồng ý với kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước thì có quyền khiếu nại, khởi kiện', Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Luật Quản lý thuế, trong đó có nội dung vốn gây nhiều tranh cãi giữa Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Tổng kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc.

Nội dung gây tranh cãi đó là tại điều 21 dự thảo Luật Quản lý thuế. Nếu cơ quan thuế truy thu thuế của doanh nghiệp theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, mà doanh nghiệp kiện thì cơ quan nào sẽ phải hầu kiện? (xem thêm tại đây)

Tại dự thảo mới nhất, Bộ Tài chính đã sửa điều 21 và nêu rõ hơn về vấn đề này.

Nhiều kiến nghị truy thu của Kiểm toán Nhà nước gây tranh cãi.

Nhiều kiến nghị truy thu của Kiểm toán Nhà nước gây tranh cãi.

Theo đó, trường hợp cơ quan Kiểm toán Nhà nước trực tiếp kiểm toán người nộp thuế thì Kiểm toán Nhà nước phải gửi biên bản hoặc kết luận cho người nộp thuế. Người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện kiến nghị theo báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

Còn trường hợp không trực tiếp kiểm toán đối với người nộp thuế mà thực hiện kiểm toán tại cơ quan thuế, thì Kiểm toán nhà nước phải có trách nhiệm gửi trích lục cho người nộp thuế để thực hiện.

“Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm về các kiến nghị của mình”, Bộ Tài chính lưu ý.

Trường hợp người nộp thuế không đồng ý với kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (trong cả 2 trường hợp trên), thì Bộ Tài chính nêu trong dự thảo rằng: Người nộp thuế có quyền khiếu nại, khởi kiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Như vậy, điều 21 đã có nội dung thay đổi đáng kể so với nội dung đưa ra thảo luận trước đó.

Ban đầu, điều 21 dự thảo Luật quản lý thuế có khoản quy định: "Nếu kiến nghị của cơ quan Kiểm toán Nhà nước có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế thực hiện việc kiểm tra, thanh tra thuế”.

Sau đó, một số điều khoản khác quy định, nếu sau khi thanh tra, “quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế có sự khác biệt với kiến nghị của cơ quan kiểm toán, kết luận của cơ quan thanh tra nhà nước thì thực hiện theo quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế, đồng thời cơ quan quản lý thuế báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Quy định này khác hẳn với hiện hành, khi mà kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước là độc lập và yêu cầu bắt buộc thực hiện, cơ quan thuế không cần tiến hành kiểm tra, thanh tra lại. Có nghĩa, khi Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu thuế một đơn vị nào đó, thì sẽ gửi thông báo đến cơ quan thuế. Cơ quan thuế sẽ ban hành quyết định truy thu thuế với đơn vị đó.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khi tranh luận trước Quốc hội đã cho rằng quy định như vậy khiến có trường hợp doanh nghiệp không đồng tình thì cơ quan thuế/Bộ Tài chính bị người nộp thuế kiện và thường thua kiện. Cho nên, Bộ trưởng Tài chính đề nghị Kiểm toán Nhà nước phải chịu trách nhiệm với các kiến nghị đó.

Trong khi đó, Kiểm toán Nhà nước lại cho rằng quy định cơ quan thuế kiểm tra, thanh tra lại kết luận của Kiểm toán Nhà nước “không phù hợp với vai trò Hiến định độc lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Kiểm toán Nhà nước, trái với quy định về giá trị pháp lý của báo cáo Kiểm toán Nhà nước”.

Lương Bằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/lan-dau-tien-xuat-hien-ket-luan-chua-phuc-khoi-kien-kiem-toan-nha-nuoc-515394.html