Lần đầu tiên xử truy thu thuế kinh doanh tiền điện tử

Theo tòa, tiền điện tử (bitcoin) không phải là hàng hóa nên việc cơ quan thuế ra quyết định truy thu thuế là không đúng...

Chiều 21-9, TAND tỉnh Bến Tre đã tuyên án vụ ông Nguyễn Việt Cường khởi kiện yêu cầu hủy quyết định truy thu thuế vì ông tham gia trao đổi tiền điện tử (bitcoin) của chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Bến Tre và cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bến Tre. Theo đó HĐXX đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Cường, hủy các quyết định truy thu thuế đối với ông. Các luận cứ bảo vệ của luật sư cũng được HĐXX chấp nhận toàn bộ.

Tiền điện tử không phải hàng hóa

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, từ giữa năm 2008 đến tháng 9-2013, ông Cường tham gia trao đổi tiền điện tử qua mạng Internet. Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bến Tre kết luận trường hợp kinh doanh của ông không phải là hành vi phạm tội nhưng đề nghị xử lý hành chính đối với hành vi mua bán tiền điện tử của ông.

Ngày 12-5-2016, Chi cục Thuế TP Bến Tre đã ra Quyết định 714 buộc ông Cường khắc phục hậu quả, nộp hơn 981 triệu đồng tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) và hơn 1,6 tỉ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân (TNCN), tổng cộng là hơn 2,6 tỉ đồng. Ông Cường khiếu nại hai lần đều bị bác đơn nên khởi kiện.

Tại phiên xử hôm qua, HĐXX nhận định hiện chưa có bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào quy định tiền kỹ thuật số, tiền ảo là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam.

Cụ thể, Điều 163 BLDS 2005 quy định tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Điều 3 Luật Thương mại 2005 quy định hàng hóa bao gồm tất cả loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai, những vật gắn liền với đất đai.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không chấp nhận tiền ảo là tiền tệ, phương tiện thanh toán hợp pháp. Nghị định 96/2014 có quy định chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cung ứng và sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp như bitcoin và các loại tiền ảo tương tự.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Bến Tre đều có công văn xác định pháp luật hiện hành không có văn bản pháp luật nào điều chỉnh việc kinh doanh tiền ảo trên Internet.

Cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre cũng có Công văn 47/2017 từ chối việc đăng ký kinh doanh tiền điện tử của ông Cường vì loại tiền này không phải tiền tệ, không phải phương tiện thanh toán hợp pháp. Việc phát hành, cung ứng, thanh toán bằng tiền ảo là hành vi bị cấm...

Ông Nguyễn Việt Cường (trái) và người đại diện. Ảnh: PL

Ông Nguyễn Việt Cường (trái) và người đại diện. Ảnh: PL

Vi hiến

Cũng theo HĐXX, do pháp luật chưa có quy định về tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử nên ngày 21-8-2017, Thủ tướng đã ký ban hành đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Thủ tướng giao Bộ Tài chính xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành.

Vì vậy quyết định truy thu thuế của Chi cục Thuế TP Bến Tre căn cứ vào công văn của Bộ Tài chính nêu hoạt động mua bán tiền kỹ thuật số là hoạt động mua bán hàng hóa và được xếp vào loại hình kinh doanh thương mại, tiền kỹ thuật số được xếp vào loại chịu thuế GTGT và cá nhân người kinh doanh thuộc đối tượng chịu thuế TNCN là vi hiến, trái với Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, vượt quá các quy định của bộ luật, luật, nghị định và quyết định của Thủ tướng.

Nhận định của tòa rất thuyết phục

Tôi hoàn toàn đồng tình với lập luận đầy thuyết phục của tòa. Bitcoin là dạng tiền kỹ thuật số (tiền điện tử), không được phát hành bởi chính phủ hay một tổ chức tài chính. Việc lưu thông trên thị trường của loại tiền này không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Vì không phải phương tiện thanh toán hợp pháp nên cũng chưa có tập quán thương mại liên quan đến việc kinh doanh loại tiền này. Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam hiện nay chưa xem đồng tiền bitcoin là hàng hóa dịch vụ nên việc truy thu thuế là không thỏa đáng.

Luật sư TRẦN THỊ ÁNH, người bảo vệ cho người khởi kiện

Việc cơ quan thuế ra quyết định truy thu thuế trong trường hợp này là mặc nhiên công nhận tiền điện tử là hàng hóa. Việc truy thu thuế không đúng này sẽ ảnh hưởng hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tạo điều kiện để chuyển tiền bất hợp pháp, thanh toán tài trợ cho các giao dịch bất hợp pháp...

Bên cạnh đó, tại quyết định truy thu thuế, cơ quan thuế có ghi nhận rằng không xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Cường do hình thức kinh doanh mua bán tiền kỹ thuật số trên mạng Internet là một loại hình mới phát sinh, các văn bản hướng dẫn áp dụng thu thuế còn chậm. Điều đó thể hiện việc mua bán loại tiền này chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành...

Quyết định truy thu thuế đã căn cứ vào công văn của cơ quan an ninh để tính thuế là không đúng bởi tài liệu này chỉ mang tính chất tham khảo. Tài liệu này là kết quả thu thập chứng cứ trong tố tụng hình sự nhằm xác định có đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự hay không, nhằm xác định số tiền ông Cường tham gia mua bán tiền ảo, từ đó định lượng số tiền phạm pháp hoặc thu lợi bất chính chứ không phải làm căn cứ để tính thuế GTGT hay thuế TNCN theo quy định.

Từ những nhận định này, HĐXX đã tuyên hủy quyết định truy thu thuế và các quyết định giải quyết khiếu nại liên quan của cơ quan thuế.

Không thuộc diện người phải nộp thuế

Theo Điều 3 Luật Thuế GTGT thì “hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế GTGT”. Trong khi đó, tiền điện tử không phải là hàng hóa sử dụng cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam nên không chịu thuế GTGT.

Mặt khác, theo điểm c khoản 3 Điều 2 Nghị định 209/2013 thì cá nhân không kinh doanh không phải là người nộp thuế GTGT bán tài sản. Do đó ông Cường không phải nộp thuế GTGT trong trường hợp này.

Thu nhập của ông Cường cũng không thuộc diện nộp thuế TNCN theo Điều 3 Luật Thuế TNCN. Theo điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 65/2013 thì thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh bao gồm: Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật và thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, hoạt động mua bán, trao đổi tiền điện tử không phải là hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tóm lại, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về hoạt động mua bán, trao đổi tiền điện tử nên không được xem là hoạt động kinh doanh. Mà thu nhập của cá nhân không phải từ hoạt động kinh doanh thì không chịu thuế TNCN trong trường hợp này.

Luật sư LÊ VIỆT HÙNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

PHƯƠNG LOAN

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/lan-dau-tien-xu-truy-thu-thue-kinh-doanh-tien-dien-tu-728451.html