Lần đầu tiên xử phạt nông dân dùng thuốc BVTV lậu

Cơ quan chức năng Hà Nội đã gọi những nông dân dùng thuốc BVTV lậu lên để xác định rõ nguồn gốc và xử phạt họ vì hành vi nguy hiểm này.

 Cơ quan chuyên môn đang làm việc với những nông dân sử dụng thuốc BVTV lậu. Ảnh: NNVN.

Cơ quan chuyên môn đang làm việc với những nông dân sử dụng thuốc BVTV lậu. Ảnh: NNVN.

Hà Nội đi tiên phong

Nghị định 31 đã quy định cụ thể việc xử phạt những hành vi phạm trong dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) như sau: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sử dụng thuốc không đúng với hướng dẫn ghi trên nhãn, không thu gom, để đúng nơi quy định bao gói sau khi sử dụng.

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thuốc không có tên trong danh mục (thuốc lậu).

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thuốc không đúng nội dung hướng dẫn ghi trên nhãn gây hậu quả nguy hiểm. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thuốc cấm.

Tuy nhiên, thống kê của Cục BVTV chưa ghi nhận trường hợp nông dân nào bị phạt cả. Hà Nội là địa phương tiên phong trong việc xử lý vi phạm này.

Ngay buổi sáng ngày 29/5/2020 khi báo điện tử nongnghiep.vn đăng tải bài viết: “Những cánh đồng rau Mê Linh bạc trắng vì thuốc sâu Tàu” thì đầu giờ chiều tại HTX Dịch vụ Tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, đoàn công tác của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Hà Nội, Trạm Trồng trọt và BVTV Mê Linh đã mời những nông dân liên quan lên.

Ông Đàm Văn Chanh, địa chỉ ở xóm 2 của thôn Đông Cao cho biết: Gia đình có sản xuất rau cải củ với diện tích 360m2.

Tại thời điểm rau cải đang giai đoạn 4 lá thật (1 tuần sau gieo), ông có sử dụng 1 loại thuốc BVTV không có tên trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam (loại chai nhựa màu trắng, dung tích 40ml/chai, nhãn màu xanh, chữ nước ngoài) pha với liều lượng 1 chai cho 5 bình 25 lít để phun.

Loại thuốc trên được ông mua rong tại gần chợ Yên, xã Tiền Phong, Mê Linh. Việc sử dụng thuốc BVTV không có tên trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam đúng thông tin báo đã nêu.

Ông Nguyễn Văn Giới, địa chỉ ở xóm 1 cho biết: Gia đình có sản xuất rau cải củ với diện tích 360m2. Tại thời điểm rau đang giai đoạn củ nhỏ bằng ngón tay cái (1 tháng sau gieo) có sử dụng 1 loại thuốc BVTV không có tên trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam (loại chai nhựa màu trắng, dung tích 10ml/chai, nhãn màu xanh, chữ nước ngoài) pha với liều lượng: 1 chai cho 1 bình 25 lít để phun.

Loại thuốc trên ông mua rong tại gần chợ Yên, xã Tiền Phong, Mê Linh. Việc sử dụng thuốc BVTV không có tên trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam đúng thông tin báo đã nêu.

Đoàn công tác của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội thăm hiện trường ở xã Tráng Việt, huyện Mê Linh. Ảnh: NNVN.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đề nghị các hộ dân này chấm dứt ngay việc sử dụng các loại thuốc BVTV không có tên trong danh mục nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông sản. Đề nghị UBND xã Tráng Việt xử phạt vi phạm hành chính với mức 1 - 2 triệu đồng/người theo Nghị định 31. UBND xã Tráng Việt đã ra quyết định xử phạt mỗi nông dân vi phạm 1,5 triệu đồng.

Sau đó, đoàn công tác sang xã Mê Linh kiểm tra việc dùng thuốc lậu trên hoa. Ông Trần Văn Ly, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết khoảng 99% diện tích đất nông nghiệp ở đây đang được trồng hoa với 230 ha và có 17 hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp.

UBND xã đã phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Mê Linh thường xuyên tuyên truyền việc thu gom vỏ bao bì 1 tháng 2 lần, giám sát đồng ruộng, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV đúng quy định…

Trước sự việc báo nêu, ngày 28/5/2020 xã đã có giấy mời đối với ông Phạm Đức Quân ở xóm Đường đến làm việc để xác minh việc sử dụng thuốc BVTV lậu của gia đình theo nội dung của báo đã nêu. Tuy nhiên do ông Quân đưa người nhà đi viện nên xin vắng mặt.

Những ruộng rau bị sâu tàn phá ở xã Tráng Việt, huyện Mê Linh. Ảnh: NNVN.

Cần sự vào cuộc của nhiều bên

Ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết: Thanh tra chuyên ngành BVTV theo quy định một năm chỉ được đi một lần, nếu thấy dấu hiệu vi phạm mới được quyền thanh tra tiếp.

Trước khi đi thanh tra theo Luật phải gửi văn bản thông báo trước cho cơ sở. Đó là một bất cập bởi đại lý nếu có bán thuốc ngoài danh mục họ đã chủ động cất giấu hàng lậu. Vả lại thanh tra chỉ được phép kiểm tra những mặt hàng ở cửa hàng còn nhà riêng hay chỗ khác thì ngoài thẩm quyền nên rất khó...

Trong khi đó, theo suy nghĩ của chúng tôi, cuộc chiến chống thuốc BVTV lậu phải ngăn từ trên biên giới với các lực lượng như bộ đội biên phòng, hải quan, công an.

Còn trong nội địa phải có các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương nhập cuộc mà nhất là các đơn vị như quản lý thị trường, công an.

Họ có đầy đủ chế tài, nghiệp vụ, quyền hạn hơn nhiều so với thanh tra, cán bộ của ngành nông nghiệp để có thể điều tra, bóc gỡ các đường dây thuốc lậu.

Câu hỏi đặt ra là tại sao lực lượng này lại để cho tình trạng đó xảy ra? Việc người nông dân dùng thuốc lậu là sai nhưng cái sai lớn hơn là các đại lý buôn thuốc lậu và những đường dây tuồn thuốc lậu từ biên giới về. Tại sao quản lý thị trường, công an vẫn để chúng hoành hành giữa thanh thiên bạch nhật?

Nhóm phóng viên điều tra

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/lan-dau-tien-xu-phat-nong-dan-dung-thuoc-bvtv-lau-d265519.html