Lần đầu tiên vở kịch thiếu nhi Tấm Cám được biểu diễn tại sân khấu chứa được 4.000 chỗ

Tấm Cám đã thành vở diễn gây sốt trên sân khấu Hà Nội suốt hơn một tháng nay. Đến nay,Tấm Cám đã có 36 buổi diễn, tại 4 địa điểm chính: Nhà hát Lớn Hà Nội, rạp Đại Nam, Hồng Hà và Cung Hữu Nghị Việt Xô. Ngày cuối tháng 6, vở diễn sẽ hiện hữu tại Trung Tâm hội nghị quốc gia Hà Nội, có sức chứa gần 4000 chỗ. Đây là thành tích gần như chưa từng có của một vở diễn dành cho thiếu nhi trong nhiều năm trở lại đây.

Tôi gọi đó là "hiện tượng", và phải dùng từ "hiện tượng" cho Tấm Cám, bởi lẽ đã rất lâu sân khấu Hà Nội không có sự bùng nổ ngoạn mục đến thế. Việc Tấm Cám diễn một ngày 2-3 suất, liên tiếp trong nhiều ngày, tại rạp Đại Nam, Hồng Hà, Nhà hát Lớn, Cung Việt Xô, và kín đặc khán giả, là một thành tích hiếm có. Tới đây, vở diễn tiếp tục diễn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia với gần 4.000 chỗ, đó là điều không tưởng, trong bối cảnh sân khấu đang bị nhiều loại hình khác lấn át.

Trước hiện tượng đáng ngạc nhiên này, PV báo Tổ Quốc đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái.

Vở kịch thiếu nhi Tấm Cám

Vở kịch thiếu nhi Tấm Cám

Không chấp nhận những kiểu chi tiết quá tàn bạo vào kịch thiếu nhi

+ Thành tích của Tấm Cám vừa qua nói lên điều gì, thưa bà?

- Đó là thành tích của một vở diễn, đã phản ánh thực trạng quan hệ sân khấu và người xem, trong đó, người xem đông nhất, lại là thiếu nhi. Sân khấu đang rất thiếu vắng vở diễn dành cho thiếu nhi, nếu không muốn nói là cực kỳ khan hiếm. Trẻ em đang "đói khát" nghệ thuật biểu diễn, chỉ còn cách xem những chương trình truyền hình thực tế, những chương trình lấy danh trẻ em, nhưng cách làm và nội dung lại rất người lớn. Mà tôi nghĩ, trẻ em đâu phải hình ảnh thu nhỏ của người lớn?

"Tấm Cám" xuất hiện trong bối cảnh ấy, đã chiều lòng được trẻ em, bắt mắt được trẻ, làm cho trẻ có cái để xem, và đương nhiên, đã được trẻ em hào hứng đón nhận.

Về tổ chức biểu diễn, "Tấm Cám" cũng cho thấy tài tổ chức rất khoa học, đón đầu được thị hiếu khán giả thiếu nhi của NSND Lệ Ngọc, người chỉ đạo nghệ thuật diễn xuất của diễn viên và tổ chức khán giả xem vở diễn. Tài tổ chức, trong bối cảnh sân khấu đìu hiu hôm nay, đóng vai trò căn cơ và quan trọng, khiến vở diễn gây sốt và trở thành hiện tượng.

"Không chấp nhận những kiểu chi tiết quá tàn bạo vào kịch thiếu nhi"

+ Với tư cách cố vấn nghệ thuật, theo bà, sáng tạo lớn nhất của vở "Tấm Cám" do sân khấu Lệ Ngọc dàn dựng là gì?

Trước hết, tôi xác định "Tấm Cám" nguyên bản là chuyện cổ tích. Mà bản chất cổ tích là chuyện "ngày xửa ngày xưa", "bà kể cháu nghe", phi văn bản, phi tác giả và phi xuất bản, chỉ lưu truyền duy nhất bằng truyền miệng. Sân khấu Lệ Ngọc dựng vở Tấm Cám trên tinh thần cổ tích ấy. Và khi cổ tích đưa lên sân khấu thì buộc phải có kịch bản văn học. Và phải được viết dành cho cái dàn dựng của đạo diễn và cái biểu diễn của diễn viên sân khấu, thuộc thể loại kịch.

Sáng tạo đáng kể nhất của kịch bản ở đây là tác giả đã mạnh dạn thay thế nhân vật ông Bụt trong nguyên tác cổ tích, bằng hình tượng người mẹ đã mất khi Tấm còn rất bé, cha của Tấm đã lấy vợ kế, đẻ ra Cám, là em gái cùng cha khác mẹ của Tấm. Sáng tạo này đã hình thành hai cặp mẹ con: mẹ Tấm (đã mất, chỉ hiện lên khi Tấm cần trợ giúp) và Tấm, mẹ Cám và Cám. Hai cặp mẹ con đối kháng này đã tạo thành xung đột đối kháng, xuyên suốt vở diễn, và đều nhằm đến hạnh phúc: con mình được hoàng tử lấy làm vợ. Việc hoàng tử chọn Tấm làm vợ khiến mẹ Cám căm uất, đã xui Cám giết Tấm hơn một lần, dù Tấm hóa thân vào chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi, thì vẫn bị mẹ con Cám tiêu diệt… Tuy nhiên, tác giả Nguyễn Hiếu đã cắt bỏ cảnh tàn bạo nhất là cảnh mẹ Cám ăn hũ mắm làm từ xác con gái mình là Cám, dù Cám phải đền tội, vì đã cùng mẹ bức tử Tấm bốn lần: giết Tấm khi về nhà giỗ bố, khi hóa thành chim vàng anh, thành khung cửi, cả khi hóa thành cây xoan đào. Đây cũng chính là cách trả đũa "ác giả ác báo" quen thuộc của chuyện cổ tích. Nên, cách trả thù của Tấm trong chuyện cổ tích là đặng chẳng đừng, buộc Cám chết, làm mắm gửi cho dì ghẻ là mẹ Cám. Khi biết mình ăn thịt con, mẹ Cám lăn đùng ra chết. Nếu đưa những chi tiết tàn bạo đó lên sân khấu thì phản cảm và hoàn toàn không ổn.

Là cố vấn nghệ thuật, tôi không chấp nhận kiểu chi tiết quá tàn bạo ấy. Bởi vậy, câu chuyện về tình mẫu tử của vở Tấm Cám được đề cao, được thiết lập trên sự thắng thế của tình mẹ Thiện, đối với mẹ Ác, đã là một thay đổi lớn. Nguyên lý Mẹ trong văn hóa dân gian Việt được tác thành chủ đề vở diễn, thấm đượm sự từ tâm của người mẹ cô Tấm, đó là đạo lý: "nước mắt chảy xuôi", "cá chuối đắm đuối vì con", "vì cây dây cuốn", "Phúc đức tại Mẫu". Chỉ tiếc nhân vật Linh hồn Mẹ Tấm trong vở diễn chưa được đào sâu, để biểu hiện thành chuỗi chi tiết diễn sống động, trở thành đương lượng (cân bằng) với nhân vật mẹ Cám, đã được NSND Lệ Ngọc thể hiện xuất sắc trên sàn diễn.

"Chua Soo Pong là đạo diễn tài hoa, mạnh về dàn dựng kinh kịch Trung Hoa, và đặc biệt có kinh nghiệm dàn dựng kịch thiếu nhi. Tính tương tác với khán giả của vở kịch này được đẩy lên rất mạnh, trẻ em được giao lưu trực tiếp với vai diễn của diễn viên trên sân khấu."

+ Về việc bỏ nhân vật ông Bụt và thay bằng nhân vật linh hồn mẹ Tấm, có ý kiến cho rằng, vở diễn đã ít nhiều thay đổi câu chuyện cổ tích quen thuộc, bà nói gì?

- Ông Bụt, là nhân vật biểu đạt cho tôn giáo – Phật giáo, không phải là tín ngưỡng, như tín ngưỡng thờ Nõ - Nường của người Việt cổ chẳng hạn. Trong truyện Tấm Cám, người Việt đã "Việt hóa" ông Phật, thành ông Tiên, hiền hậu và độ lượng, ưa cứu giúp những thân phận bị áp bức, ngược đãi. Và người Việt cổ đã gọi đó là ông Bụt, theo cách gọi nguyên sơ, chứ không gọi theo cách du nhập sau này từ Trung Quốc là ông Phật. Ở kịch "Tấm Cám", nhân vật người mẹ được thay thế cho Bụt, là điều hợp lý, hợp tình và nằm trong quyền hạn phóng tác của nhà viết kịch. Mẹ Tấm hiện lên như một bà Tiên hiền, đã giúp Tấm nhặt thóc ra khỏi gạo, giúp Tấm chôn cất cá Bống, để sau đó có áo váy, hài đẹp đi trảy hội, cho bằng chị bằng em. Sau đó, còn giúp Tấm sống lại, khi đã bị mẹ con Cám giết chết hơn một lần. Như truyền thống mẹ Việt, chỉ mẹ mới luôn dõi theo con, "cá chuối đắm đuối vì con", luôn bên con, cứu con trong bất kì tình huống gian nguy nào!

Mẹ vốn là hình ảnh rất thiêng với người Việt truyền thống, trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Mẫu đối với người Việt đã vượt ngưỡng một người mẹ bình thường, để thành mẹ thiên nhiên, hiện diện trong nghi lễ thờ Mẫu và lan tỏa ân sủng khắp đình đền, chùa phủ Việt, và từ một nghi lễ thờ cúng thuần Việt, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

Hình ảnh người mẹ xuất hiện trong Tấm vừa mang vẻ đẹp dân gian truyền thống Việt, vừa hiện đại, hội nhập với thế giới hôm nay, và phù hợp với tín ngưỡng Việt cổ truyền. Vậy, nhân vật người mẹ trong vở kịch này đã "sân khấu" hơn nhân vật Bụt trong cổ tích.

Do xuất hiện của nhân vật mẹ, tình mẫu tử được tô đậm thành thông điệp xuyên suốt vở diễn. Tấm cũng trở nên đẹp đẽ hơn, và vì mẹ, Tấm đã vượt qua nhiều cái chết để trở về, sống cạnh hoàng tử. Và Tấm đáng được thế vì cô là người được người mẹ đã khuất dạy dỗ tử tế về lòng hiếu thuận, đức hạnh, thơm thảo, sẵn lòng tha thứ lỗi lầm và tội ác của người dì ghẻ và cô em Cám. Hơn ai hết, Tấm hiểu: họ từng là người cùng gia đình. Tôi đánh giá cao sự sáng tạo đó trong kịch bản của nhà văn Nguyễn Hiếu.

Tôi vẫn ao ước một lễ hội dân gian rực rỡ màu hội hè, trong vở Tấm Cám

+ Bà đánh giá thế nào về cách dàn dựng của đạo diễn Singapore Chua Soo Pong trong "Tấm Cám"?

- Chua Soo Pong là đạo diễn tài hoa, mạnh về dàn dựng kinh kịch Trung Hoa, và đặc biệt có kinh nghiệm dàn dựng kịch thiếu nhi. Tính tương tác với khán giả của vở kịch này được đẩy lên rất mạnh, trẻ em được giao lưu trực tiếp với vai diễn của diễn viên trên sân khấu.

Những câu hỏi tương tác xuyên suốt từ đầu đến cuối vở diễn, đã khiến người biểu diễn và khán giả nhỏ tuổi gần như không còn khoảng cách. Trẻ con được "vào vai" như dàn đế của chèo. Hoàng tử ra sân khấu ngẩn ngơ cầm chiếc hài xinh bị rớt của người thiếu nữ không quen, hỏi dò dẫm: Nhặt được hài thì phải làm sao? Trẻ đồng thanh: Phải trả người đánh rơi! Làm sao trả lại? Trẻ nhất loạt đồng thanh: Thử hài!!!. Tình huống nào cũng có thể hỏi – đáp ngộ nghĩnh như vậy, khán phòng đầy ắp tiếng cười vui hạnh phúc và sung sướng, vì trẻ em được tham gia đối thoại sân khấu.

Vở diễn cũng có hai vai diễn Tấm, Cám hồi nhỏ do diễn viên nhí sắm vai. Và trong màn khai mở vở diễn, khá nhiều diễn viên nhí đã trình diễn hoạt cảnh ca múa nhạc rất bắt mắt, giúp tăng cường tính tương tác của vở diễn.

Ngoài ra, Chua Soo Pong cũng mạnh về việc dàn dựng vũ đạo, ca hát, mang lại hiệu quả về cái để xem, hấp dẫn được trẻ em. Thực tế trình diễn Tấm Cám đã chứng minh đạo diễn đã chính xác về phương pháp dàn dựng.

Nhưng cũng có chỗ chưa hẳn đã phù hợp, bởi lẽ đôi lúc việc nhảy múa lại mang đến cảm giác hơi gượng, vì "Tấm Cám" được xác tín là vở kịch, chứ không phải một vở nhạc kịch.

Thêm nữa, đạo diễn Singapore vẫn chưa dàn dựng được "mãn nhãn" trên sân khấu Tấm Cám một không khí lễ hội dân gian của châu thổ Bắc Bộ Việt Nam, vốn là hội làng, mỗi năm cứ đến "xuân thu nhị kì đến hẹn lại lên". Dù ông ấy sinh ra ở một đất nước nằm trong vùng văn hóa phương Đông, là vùng văn hóa chứa nhiều lễ hội nông nghiệp, song, cảnh lễ hội trong vở diễn vẫn chưa thật thuyết phục về ngôn ngữ dàn dựng. Lễ hội dân gian Việt thực chất là hội làng, vốn là nơi gặp gỡ của trai thanh gái tú chân quê, và là nơi cộng đồng trồng lúa, già trẻ lớn bé hội tụ. Tôi vẫn ao ước một lễ hội dân gian rực rỡ màu hội hè, trong vở Tấm Cám!

+ Về trang phục và thiết kế sân khấu của vở diễn, bà có bình luận gì?

- Tổng thể rất lộng lẫy, nhất là về trang phục. Phải công nhận Sỹ Hoàng là một họa sĩ thiết kế trang phục sáng tạo. Trang phục rất đẹp, nhân vật nào cũng được họa sĩ tính toán chất liệu, màu sắc, kiểu dáng phù hợp, nên đã mang đến cho sân khấu sự sang trọng. Trang phục giúp vở diễn đạt đến thẩm mỹ của cái đẹp sân khấu biểu diễn. Nhưng, đôi lúc, tôi thấy trang phục hơi bị quá lộng lẫy so với nhân vật và chưa thật ăn khớp với tình huống kịch, dù có thể muốn làm đẹp mắt người xem!

Về thiết kế mỹ thuật sân khấu, tôi cũng chưa thật hài lòng, bởi chưa tham gia đích đáng vào diễn xuất của nhân vật và chưa tô đậm cho thông điệp vở diễn. Là người xem và cũng là người bình luận sân khấu, tôi vẫn mong vở diễn tự hoàn thiện trong quá trình tương tác với khán giả, cả khán giả người lớn và khán giả trẻ em đều ngưỡng mộ. Và đấy chẳng phải là khao khát lớn trong sự chinh phục khán giả của sân khấu Lệ Ngọc sao?. Tôi tin sân khấu Lệ Ngọc có thể làm tốt hơn nữa.

+ Trong buổi ra mắt vở diễn, bà nhận định Tấm Cám vẫn đang "đung đưa" giữa khán giả người lớn và trẻ em. Vậy sau hơn một tháng, bà có nghĩ khác?

- Phải nói là sân khấu Lệ Ngọc khi dựng Tấm Cám, ngay từ đầu đã tham vọng làm hài lòng cả phụ huynh lẫn con em của họ, nghĩa là hướng đến cả hai đối tượng khán giả. Trẻ con thích và người lớn cũng thích. Nhưng trong thực tế biểu diễn, ở mấy buổi diễn đầu, vẫn phải nhận rằng, vở diễn "đung đưa" ở giữa hai loại khán giả này và có những tình huống xử lý không khéo. Tôi đã góp ý thẳng thắn. Đạo diễn và diễn viên sau đó đã rất giỏi điều chỉnh, bằng cách dựa vào phản ứng của khán giả, nhất là khán giả trẻ em. Đặc biệt, biết gia tăng sự tương tác sinh động giữa nhân vật trên sân khấu và trẻ em dưới khán phòng. Trẻ em được phát biểu, nhận xét, được nêu ý kiến, tỏ thái độ yêu ghét thoải mái, được đứng về phía những người hiền lành, tử tế, cao thượng như cô Tấm, già Đa, Hoàng tử, được bày tỏ thái độ với cái xấu, cái ác… Trẻ em vui thích xem kịch đã cuốn theo người lớn ủng hộ.

Cho đến buổi diễn gần đây nhất, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi thấy Tấm Cám đã gần như hoàn thiện và nhuần nhuyễn trong việc điều chỉnh diễn xuất sân khấu, rất đáng được trẻ em và người lớn cùng yêu mến./.

+ Cảm ơn những chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái!

Tường Vy

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/lan-dau-tien-vo-kich-thieu-nhi-tam-cam-duoc-bieu-dien-tai-san-khau-chua-duoc-4000-cho-20190627113117015.htm