Lần đầu tiên Việt Nam giao dịch chứng quyền có đảm bảo

Giai đoạn đầu, cơ quan quản lý sẽ triển khai chứng quyền mua trước, trên cơ sở đơn giản hóa tối đa, nhằm giảm thiểu rủi ro khi sản phẩm lần đầu tiên ra mắt thị trường.

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 28/6, Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) sẽ chính thức đưa sản phẩm chứng quyền có bảo đảm lên giao dịch trên thị trường niêm yết.

Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sản phẩm mới này nằm trong lộ trình phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2020. Và đến nay, các công tác chuẩn bị bao gồm các quy định pháp lý, quy chế, quy trình, cơ sở vật chất, nhân sự vận hành, tuyên truyền, đào tạo cho nhà đầu tư cũng đã được hoàn tất.

Sản phẩm có độ chắc chắn cao

Trên thị trường chứng khoán quốc tế, chứng quyền có bảo đảm là một sản phẩm phổ biến và có nhiều tên gọi khác nhau như: Covered Warrant (Anh, Đức, Australia, Canada), Derivative warrant (Hong Kong, Thái Lan), Structured warrant (Malaysia), Call/put Warrant (Đài Loan), Equity-linked warrant (Hàn Quốc).

Tại Việt Nam, chứng quyền có bảo đảm được định nghĩa tại Nghị định 60/2015/CP-NĐ là chứng khoán có tài sản đảm bảo do công ty chứng khoán phát hành.

Theo đó, các nhà đầu tư chỉ phải trả một khoản phí để sở hữu chứng quyền và được quyền mua hoặc bán chứng khoán cơ sở cho tổ chức phát hành với mức giá đã được xác định (tại hoặc trước thời điểm đã được ấn định) hoặc được nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.

Tính chất “có bảo đảm” của sản phẩm được thể hiện ở nhiều mức độ mang tính chắc chắn cao, phù hợp đối với các thị trường đang phát triển, có điểm xếp hạng tín nhiệm thấp và các thành viên thị trường còn thiếu kinh nghiệm trong công tác quản trị rủi ro.

Theo Thông tư 107/2016, tổ chức phát hành chứng quyền tại Việt Nam phải ký quỹ bảo đảm thanh toán với giá trị tài sản bảo đảm ban đầu tối thiểu là 50% giá trị chứng quyền dự kiến chào bán.

Điểm đáng chú ý, khi phát hành chứng quyền có bảo đảm, tổ chức phát hành phải có Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án bảo đảm thanh toán và thực hiện các nghĩa vụ của tổ chức phát hành cũng như Điều lệ phải có điều khoản về quyền của người sở hữu chứng quyền.

Vì vậy, chứng quyền có bảo đảm còn được xem là hợp đồng giao kết giữa nhà đầu tư với tổ chức phát hành, theo đó người sở hữu chứng quyền là chủ nợ có đảm bảo một phần của tổ chức phát hành và tổ chức phát hành có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với người sở hữu.

Giao dịch trên thị trường niêm yết

Mặc dù được phát hành dựa trên một chứng khoán cơ sở song theo thông lệ quốc tế, chứng quyền có bảo đảm được tổ chức giao dịch trên thị trường giao ngay (cash market) cùng với cổ phiếu, ETF, quyền mua, chứng quyền công ty với phương thức giao dịch hoàn toàn tương tự như cổ phiếu.

Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chứng quyền có bảo đảm giao dịch trên thị trường cơ sở là bởi sản phẩm này được thực hiện giao dịch giống như cổ phiếu trong thanh toán và chuyển nhượng.

“Chứng quyền có bảo đảm về bản chất là sản phẩm phái sinh, các bên ký kết với nhau về một thời điểm xác định trong tương lai, nhưng một bên có quyền song không có nghĩa vụ. Bên còn lại trong hợp đồng được chỉ định rõ ràng là công ty chứng khoán và phải đảm bảo các cơ chế kiểm soát, điều kiện ràng buộc, vì vậy rủi ro bên đối tác có thể có nhưng rất thấp và do đó sản phẩm này được thanh toán, giao dịch trên thị trường cơ sở.

Giai đoạn đầu, cơ quan quản lý sẽ triển khai chứng quyền mua trước, trên cơ sở đơn giản hóa tối đa, nhằm giảm thiểu rủi ro khi sản phẩm lần đầu tiên ra mắt thị trường,” bà Bình nói.

Ngoài ra, bà Bình cũng cho biết, vì một sản phẩm chứng quyền chạy trên một tài sản cơ sở là cổ phiếu đơn lẻ, do đó các mã được phép là chứng khoán cơ sở của chứng quyền có bảo đảm phải là chứng khoán phổ biến, có thanh khoản cao, vốn hóa lớn, hoạt động giao dịch nhiều nhằm tránh đi các hoạt động thao túng và làm giá.

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lợi ích đa chiều

Sản phẩm chứng quyền có bảo đảm ra đời nhằm giúp nhà đầu tư gia tăng các cơ hội kinh doanh đồng thời giảm thiểu những rủi ro trên thị trường.

Tương tự như sản phẩm quyền chọn, các nhà đầu tư có thể sử dụng chứng quyền có bảo đảm trong chiến lược đầu tư như một phương án phòng hộ rủi ro trong trường hợp không thực hiện được nếu chỉ sử dụng chứng khoán cơ sở.

Trong bối cảnh thị trường có xu hướng chuyển động một chiều, như thị trường có xu hướng tăng giá khiến nhà đầu tư tranh mua cổ phiếu hay khi thị trường giảm giá, làn sóng bán cổ phiếu xuất hiện và chứng quyền bảo đảm sẽ giúp bù đắp hạn chế đó, từ đó tạo điều kiện nhà đầu tư tự cân bằng và kiếm lời trong các bối cảnh của thị trường.

Chứng quyền có bảo đảm còn là sản phẩm có tính “đòn bẩy” khá lớn, đây là đặc điểm thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm đến sản phẩm này. Chi phí để sở hữu chứng quyền có bảo đảm là khá hơn so với giá trị của chứng khoán cơ sở song nhà đầu tư vẫn có thể nhận được khoản lợi nhuận tương đương như nắm giữ chứng khoán cơ sở đó.

Theo các chuyên gia trong ngành, việc chứng quyền có đảm bảo ra đời tạo ra những cơ hội mới cho những nhà đầu tư ưa mạo hiểm, tuy nhiên cũng cần lưu ý với tính hai mặt của “đòn bẩy,” giá trị của chứng quyền có bảo đảm thông thường sẽ tăng hoặc giảm nhanh hơn nhiều lần so chứng khoán cơ sở, do đó sản phẩm sẽ không phù hợp với tất cả các loại hình nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư không thích rủi ro./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/lan-dau-tien-viet-nam-giao-dich-chung-quyen-co-dam-bao/579008.vnp