Lần đầu tiên Việt Nam ghép ruột từ người sống thành công

Theo báo cáo của Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103 đã thực hiện thành công hai ca ghép ruột từ người sống cho hai bệnh nhân có chỉ định về ghép ruột, với sự hỗ trợ từ chuyên gia Bệnh viện Đại học Tohoku, Nhật Bản.

Ngày 31-10, tại buổi thông tin về ghép ruột trên người từ người cho sống đầu tiên ở Việt Nam, Trung tướng, GS-TS. Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y cho biết, tháng 12-2019, Học viện Quân Y được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện đề tài: “Nghiên cứu triển khai ghép ruột từ người cho sống”.

Sau khi nhận nhiệm vụ, Học viện Quân Y đã tích cực triển khai nghiên cứu, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất… và thường xuyên trao đổi kinh nghiệm ghép ruột trên người với các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Tohoku (Nhật Bản). Cùng đó, Học viện cũng phối hợp với các bệnh viện trong nước để tuyển chọn và chăm sóc bệnh nhân có chỉ định ghép ruột.

Nối ruột cho 2 người bệnh mắc hội chứng ruột ngắn

Bệnh nhân số 1 là Nguyễn Văn D. 42 tuổi, có tiền sử phẫu thuật vào ổ bụng 5 lần vì viêm phúc mạc do thủng đại tràng, tắc ruột tại nhiều bệnh viện. Bệnh nhân đã phẫu thuật cắt ruột khối lượng lớn (chiều dài ruột non còn lại khoảng 80cm) vào tháng 5-2007.

Ngày 2-5-2020 bệnh nhân vào Bệnh viện Quân Y 103 với chẩn đoán suy ruột không hồi phục do hội chứng ruột ngắn type 1, rò đại tràng. Bệnh nhân đã được điều trị nuôi dưỡng tích cực qua đường tĩnh mạch và điều chỉnh các rối loạn do suy chức năng ruột gây ra.

Bệnh nhân số 2 là Lò Văn T. 26 tuổi. Đầu tháng 9-2020 bệnh nhân bị viêm phúc mạc do hoại tử gần như toàn bộ ruột non, được Bệnh viện huyện Than Uyên (Lai Châu) phẫu thuật cấp cứu cắt gần như hoàn toàn ruột non. Chiều dài ruột non còn lại của bệnh nhân còn lại gần 20cm.

Ngày 29-9-2020, bệnh nhân được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Quân Y 103 với chẩn đoán suy mòn suy kiệt do hội chứng ruột cực ngắn type 3. Bệnh nhân T. đã được điều trị tích cực, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện bệnh gan chuyển hóa liên quan hội chứng suy chức năng ruột.

Sau khi tiếp nhận hai bệnh nhân, Học viện Quân Y đã tiến hành khám, xét nghiệm và mời chuyên gia trong nước khám và hội chẩn, xác định cả 2 bệnh nhân đều có chỉ định tuyệt đối về ghép ruột.

Ngày 27-10-2020, các bác sỹ Bệnh viện Quân Y 103 (Học viện Quân Y) đã phối hợp với chuyên gia từ Bệnh viện Đại học Tohoku (Nhật Bản) thực hiện thành công ca ghép ruột cho bệnh nhân Lò Văn T. Người hiến ruột cho bệnh nhân Lò Văn T. là mẹ đẻ của bệnh nhân, 47 tuổi.

Tiếp đó, ngày 28-10-2020, ê kíp tiếp tục đã thực hiện thành công ca ghép ruột cho bệnh nhân Nguyễn Văn D. Người hiến ruột là em trai của bệnh nhân, 40 tuổi.

Sau mổ, cả hai người hiến ruột đều ổn định. Hiện nay 2 bệnh nhân ghép ruột đang được theo dõi, các chỉ số sinh tồn đều ổn định và đang được điều trị tích cực.

Ca ghép ruột tại Việt Nam được hỗ trợ bởi các chuyên gia Nhật Bản (ảnh BVCC)

Ca ghép ruột tại Việt Nam được hỗ trợ bởi các chuyên gia Nhật Bản (ảnh BVCC)

Thể hiện trình độ, năng lực, y đức của nền y học nước nhà

GS-TS. Đỗ Quyết cho biết, ruột có chức năng hấp thu dinh dưỡng để nuôi cơ thể. Vì nhiều lý do như bệnh lý bẩm sinh, tai nạn, biến chứng, ruột không thể đảm đương vai trò này. Lúc đó, người bệnh chỉ có thể sống nhờ nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch kèm theo biến chứng viêm, nhiễm trùng máu. 30-50% bệnh nhân ăn đường tĩnh mạch sẽ tổn thương gan do nhiễm trùng. Điều này gây khó khăn hơn cho người bệnh và các bác sĩ khi phải ghép đồng thời gan và ruột.

Ghép ruột đem lại cho bệnh nhân cơ hội sống. Tuy nhiên, bệnh nhân được thay thế lượng ruột tương đối lớn, khoảng trên một mét. Điều đó đồng nghĩa khối lượng kháng nguyên đưa vào người nhận rất lớn. Đặc biệt, ruột có nhiều hệ bạch huyết. Đường tiêu hóa có đặc trưng là mở, thường xuyên ăn uống, tạo nên hệ thống kháng nguyên rất lớn. Do đó, sau ghép, người bệnh phải dùng lượng lớn thuốc ức chế miễn dịch, chống thải ghép. Ngoài ra, người được ghép cũng đối mặt nguy cơ nhiễm trùng cao.

Về phía người hiến, ruột người thông thường dài 5-9 m, khi cho đi một phần, số còn lại vẫn đủ dùng. Sau một tháng, người cho sẽ quay lại sinh hoạt bình thường và không cần dùng thuốc.

Ngay trong ngày 31-10, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã gửi thư chúc mừng thành công của tập thể bác sỹ Bệnh viện 103. Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh: Thành công này thể hiện năng lực chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện 103 nói riêng và ngành Y tế nói chung; thể hiện trình độ, năng lực, y đức của nền y học nước nhà.

Quyền Bộ trưởng nêu: Việc thực hiện ghép ruột cho bệnh nhân từ người sống rất phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao cùng với sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm. Bộ Y tế đánh giá cao sự chủ động tìm tòi, học hỏi của đội ngũ y bác sỹ đã làm chủ kỹ thuật ghép ruột từ người cho sống, thực hiện thành công cho cả hai bệnh nhân.

Việc triển khai thành công đề tài “Nghiên cứu triển khai ghép ruột từ người cho sống” là thành quả có ý nghĩa trong việc làm chủ kỹ thuật ghép ruột tại Việt Nam, thể hiện những tiếp nối thành tựu trong lĩnh vực ghép thận, ghép gan, ghép tim, ghép tụy-thận, ghép phổi của Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/lan-dau-tien-viet-nam-ghep-ruot-tu-nguoi-song-thanh-cong-215712.html