Lần đầu tiên triển lãm thành tựu về quyền con người của Việt Nam theo hình thức trực tuyến

Lễ khai trương Triển lãm ảnh và tài liệu lưu trữ thành tựu bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam 'Vì hạnh phúc của mỗi người' diễn ra vào sáng nay (24/12) tại Hà Nội.

Triển lãm do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam và các cơ quan chức năng tổ chức, với điểm nhấn là tư liệu phản ảnh giá trị tư tưởng quyền con người ở các triều đại phong kiến Việt Nam.

Các đại biểu bấm nút khai trương website Triển lãm ảnh và tài liệu lưu trữ thành tựu bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam với tên gọi “Vì Hạnh phúc của mỗi người”.

Các đại biểu bấm nút khai trương website Triển lãm ảnh và tài liệu lưu trữ thành tựu bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam với tên gọi “Vì Hạnh phúc của mỗi người”.

Năm ngoái, Triển lãm “Vì hạnh phúc của mỗi người” được tổ chức tại thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, phát huy rất tốt hiệu quả tuyên truyền tại các cấp cơ sở. Năm nay, do điều kiện dịch Covid-19, Bộ Thông tin và Truyền thông chuyển sang hình thức Triển lãm trực tuyến qua website với mong muốn Triển lãm đến được một cách sinh động nhất tới với đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước, phát huy hơn nữa hiệu quả truyền thông đối ngoại của Triển lãm.

Phát biểu khai mạc Triển lãm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, mục tiêu của Triển lãm là nâng cao nhận thức về quyền con người trong nhân dân, trong các cấp quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, và đặc biệt là đội ngũ thực thi pháp luật; quảng bá hình ảnh một Việt Nam giàu truyền thống nhân văn, một Việt Nam có trách nhiệm với người dân của mình và cộng đồng quốc tế.

"Điều đó thể hiện sinh động qua công tác chống dịch Covid-19 hiệu quả trong năm qua", Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh.

Điểm nhấn của Triển lãm là tìm tòi để giới thiệu tới công chúng các tư liệu phản ánh giá trị tư tưởng quyền con người ở các triều đại phong kiến Việt Nam được lựa chọn từ kho di sản mộc bản, châu bản triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận ngày 31/7/2009.

Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu khai mạc Triển lãm ảnh và tài liệu lưu trữ thành tựu bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam “Vì hạnh phúc của mỗi người”.

Từ ngày 20/12, Ban tổ chức Triển lãm đăng tải 200 ảnh, tài liệu trên nền tảng 3D, 9 phim ngắn giới thiệu các chủ đề của Triển lãm trên website: www.vihanhphucmoinguoi.vn và www.vihanhphucmoinguoi.com.

Từ nguồn dữ liệu, ảnh của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Văn phòng Thường trực về Nhân quyền và từ các nghệ sỹ nhiếp ảnh chuyên và không chuyên toàn quốc, Ban tổ chức đã lấy ý kiến của Hội đồng thẩm định, Ban Chỉ đạo lựa chọn ra 200 ảnh, tài liệu đáp ứng được tương đối cả 3 yếu tố: Tính khoa học, đại diện cho các quyền; Tính nghệ thuật thể hiện cảm xúc hạnh phúc của mỗi người; và Yếu tố kỹ thuật để đảm bảo độ phân giải, hiệu ứng.

Triển lãm gồm 200 ảnh và tài liệu được chú thích song ngữ (Việt - Anh), được bố cục theo từng chủ đề.

Chủ đề 1: Nhóm tài liệu cổ phản ánh tư tưởng quyền con người ở các triều đại phong kiến Việt Nam, cho thấy Việt Nam tuy không phải là nơi sản sinh ra thuật ngữ quyền con người nhưng giàu truyền thống nhân văn và khái niệm nhân quyền đi liền với yêu thương con người, khoan dung, hòa ái.

Nhóm này gồm 94 hình ảnh của 30 tài liệu, mặt khắc cổ được chọn từ hai nguồn: Mộc bản Triều Nguyễn: Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận ngày 31/7/2009, hiện được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia IV, Đà Lạt; Châu bản Triều Nguyễn: Di sản Tư liệu Thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận ngày 30/10/2017, đang được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I, Hà Nội.

Chủ đề 2: Tài liệu về thành tựu bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam từ 1945 đến nay, được chia làm hai giai đoạn:

Nhóm ảnh tài liệu giai đoạn 1945-1986: Thể hiện quyền dân tộc tự quyết, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; quan điểm về quyền con người của Nhà nước Việt Nam thông qua các bản Hiến pháp và một số sắc lệnh tiêu biểu bảo đảm quyền con người theo các lĩnh vực như quyền tự do tôn giáo, quyền tự do báo chí, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, thư tín…

Nhóm ảnh tài liệu từ năm 1986 đến nay, chia theo các nhóm quyền cơ bản: Các quyền dân sự và chính trị (tự do bầu cử, tín ngưỡng, ngôn luận, quyền được đối xử nhân đạo, có gắn tuyên truyền về quyền được sống hòa bình và quyền chủ quyền, độc lập qua hình ảnh Trường Sa, Lý Sơn với Hoàng Sa...); các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; quyền của các nhóm dễ bị tổn thương; nỗ lực và kết quả hợp tác quốc tế về quyền con người.

Chủ đề 3: Việt Nam bảo đảm các quyền con người trong đại dịch Covid-19

Việt Nam vững vàng và ứng phó thành công trước đại dịch toàn cầu; quyền con người đối với sức khỏe, tính mạng, quyền tiếp cận y tế, giáo dục và thông tin được bảo đảm trong trạng thái “bình thường mới” được cộng đồng quốc tế ca ngợi và đánh giá cao.

Chủ đề 4: Quảng Nam - Đổi mới và phát triển

Giới thiệu về các thành tựu kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Nam trong phát triển bền vững với nhiều giá trị văn hóa, tinh thần có giá trị cao, được thế giới công nhận.

Triển lãm đăng tải 200 ảnh, tài liệu trên nền tảng 3D, 9 phim ngắn giới thiệu các chủ đề của Triển lãm trên website: www.vihanhphucmoinguoi.vn và www.vihanhphucmoinguoi.com.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lan-dau-tien-trien-lam-thanh-tuu-ve-quyen-con-nguoi-cua-viet-nam-theo-hinh-thuc-truc-tuyen-132327.html