Lần đầu tiên tổ chức triển lãm tôn vinh '20 họa sĩ hàng đầu trong nền thị trường mỹ thuật Việt Nam'

Lần đầu tiên, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) sẽ tổ chức triển lãm '20 họa sĩ hàng đầu trong nền thị trường mỹ thuật Việt Nam'. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu cuộc triển lãm này không đích danh chỉ ra ai là 'họa sĩ thị trường'...

Triển lãm “20 họa sĩ hàng đầu trong nền thị trường mỹ thuật Việt Nam” do họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm làm giám tuyển. Những cái tên được nhắc tới trong cuộc ra mắt lần này có họa sĩ Thành Chương, Đào Hải Phong… và phải đảm bảo 2 tiêu chí: tranh bán chạy và đạt chất lượng nghệ thuật.

Việc lựa chọn các gương mặt mời tham gia triển lãm lần này không khó, bởi hầu hết 20 họa sĩ được lựa chọn đều là các họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam, chỉ nhắc đến tên hầu hết mọi người đều biết và lượng tranh tiêu thị trên thị trường rất khả quan.

Nhưng cái khó theo giám tuyển Vi Kiến Thành cho biết là việc thuyết phục họ gửi tác phẩm tham dự. Nhiều ý kiến tranh luận về tên gọi “họa sĩ hàng đầu”, “họa sĩ thị trường” khiến cho không phải nghệ sĩ nào cũng cảm thấy thoải mái và tự tin đặt chân vào cuộc triển lãm.

Cho đến tháng 4/2020, triển lãm sẽ khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhưng cho tới nay, đã có 1 họa sĩ xin rút lui vì không chịu được áp lực của giới làm nghề. Giám tuyển Vi Kiến Thành lo ngại, nếu không thuyết phục thành công, rất có thể triển lãm sẽ phải đổi tên thành “19 họa sĩ hàng đầu trong nền thị trường mỹ thuật Việt Nam”.

Họa sĩ Thành Chương là 1 trong 20 gương mặt được vinh danh lần này

Họa sĩ Thành Chương là 1 trong 20 gương mặt được vinh danh lần này

Triển lãm đã nhận được sự chấp thuận của Bộ VH-TT&DL và khẳng định tầm quan trọng của cuộc triển lãm lần này với mong muốn khẳng định sự ảnh hưởng của các tên tuổi nghệ sĩ đối với nền thị trường mỹ thuật Việt Nam.

“Lâu nay, các họa sĩ thường né tránh hoặc ngại bị gọi là “họa sĩ thị trường”. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, tâm lý này cần thay đổi khi mỹ thuật Việt Nam đang phát triển sâu rộng, hòa cùng dòng chảy của mỹ thuật thế giới. Các họa sĩ Việt ra nước ngoài làm triển lãm, mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế, đưa tác phẩm của mình đến với công chúng quốc tế đã quá quen thuộc. Vậy thì, việc họ bán được tác phẩm hay tác phẩm của họ có nhiều nhà sưu tầm là chuyện đáng mừng và nếu có phải mang danh xưng “họa sĩ thị trường” cũng không có gì xấu hổ”, họa sĩ Vi Kiến Thành chia sẻ.

Tranh của họa sĩ Đào Hải Phong được thị trường đón nhận

Cũng theo họa sĩ Vi Kiến Thành, ở đây cần có sự phân biệt giữa họa sĩ chạy theo thị hiếu thị trường, chiều theo xu hướng của một bộ phận người xem, làm tầm thường nghệ thuật và họa sĩ được thị trường đón nhận nhờ các sáng tạo trong nghệ thuật. Triển lãm lần này hướng tới các họa sĩ ở vế thứ 2.

Việc tôn vinh các nghệ sĩ là cần thiết để thúc đẩy nền thị trường mỹ thuật sơ khai của Việt Nam và chỉ ra những tên tuổi xứng đáng được vinh danh. Đây cũng là lý do giải thích vì sao, triển lãm cần phải đáp ứng đủ 2 tiêu chí là nghệ thuật và tranh bán chạy trên thị trường. Nếu chỉ đáp ứng 1 trong 2 tiêu chí này, triển lãm sẽ sa đà vào nghệ thuật đơn thuần hoặc nghệ sĩ chạy theo thị trường.

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/lan-dau-tien-to-chuc-trien-lam-ton-vinh-20-hoa-si-hang-dau-trong-nen-thi-truong-my-thuat-viet-nam/844033.antd