Lần đầu tiên sau sửa đổi hiến pháp, Tổng thống Nga khẳng định hành động liên quan Nhật Bản

Ngày 4/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Moscow sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Nhật Bản về một hiệp ước hòa bình thời hậu chiến.

Quan hệ giữa Nhật Bản và Nga lâu nay vẫn căng thẳng trong bối cảnh hai nước chưa ký hiệp ước hòa bình sau khi Thế chiến 2 kết thúc. (Ảnh minh họa. Nguồn: ShutterStock)

Quan hệ giữa Nhật Bản và Nga lâu nay vẫn căng thẳng trong bối cảnh hai nước chưa ký hiệp ước hòa bình sau khi Thế chiến 2 kết thúc. (Ảnh minh họa. Nguồn: ShutterStock)

Trong cuộc họp báo trực tuyến với sự tham gia của các cơ quan báo chí lớn trên thế giới, trả lời câu hỏi của hãng thông tấn Kyodo, Tổng thống Putin nêu rõ: "Nga và Nhật Bản cùng chia sẻ lợi ích chiến lược trong việc ký kết hiệp ước hòa bình. Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục đàm phán".

Tuyên bố trên của Tổng thống Putin được đưa ra trong bối cảnh có nhiều dư luận tại Nga cho rằng, hiến pháp mới của nước này sẽ ngăn cản Moscow đàm phán để giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản.

Hiến pháp mới của Nga có hiệu lực từ tháng 7/2020 cấm Moscow chuyển giao lãnh thổ cho bất cứ thế lực nước ngoài nào.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi Nga sửa đổi hiến pháp, Tổng thống Putin khẳng định các cuộc đàm phán song phương với Nhật Bản sẽ được tiếp tục.

Quan hệ giữa Nhật Bản và Nga lâu nay vẫn căng thẳng trong bối cảnh hai nước chưa ký hiệp ước hòa bình sau khi Thế chiến 2 kết thúc.

Trở ngại chính là do tranh chấp chủ quyền biển đảo, liên quan quần đảo gồm 4 đảo hiện Moscow đang quản lý và gọi là Nam Kuril, trong khi Tokyo cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc.

Phía Nga muốn Nhật Bản công nhận rằng, Moscow đã tiếp quản quần đảo này một cách hợp pháp sau khi phát xít Nhật đầu hàng năm 1945. Tuy nhiên, Nhật Bản lại cho rằng đây là sự chiếm đóng bất hợp pháp.

Tháng 11/2018, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Abe Shinzo và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng nhất trí tăng cường các nỗ lực nhằm giải quyết tranh chấp dựa trên Tuyên bố chung năm 1956 giữa Nhật Bản và Liên Xô trước đây.

Tuyên bố này nêu rõ, nhóm 4 hòn đảo, hai hòn đảo nhỏ hơn - Shikotan và nhóm đảo nhỏ Habomai - sẽ được bàn giao cho Nhật Bản sau khi ký kết hiệp ước hòa bình. Hai hòn đảo lớn hơn đang tranh chấp là Etorofu và Kunashiri. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán tới nay vẫn chưa đạt được tiến triển cụ thể nào.

Tháng 9/2020, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Putin ngay sau khi nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản, ông Suga Yoshihide đã bày tỏ mong muốn phát triển quan hệ Nhật Bản-Nga và giải quyết dứt điểm tranh chấp chủ quyền quần đảo.

Theo ông Suga, tại cuộc điện đàm, Tổng thống Putin nêu rõ Moscow sẵn sàng tiếp tục đối thoại về tất cả các vấn đề song phương và hai bên nhất trí sẽ sớm gặp mặt trực tiếp để tiến hành "các cuộc thảo luận thẳng thắn".

Tuy nhiên, cho đến nay, hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Nga vẫn chưa thực hiện cuộc gặp trực tiếp như đã đề cập.

(theo Kyodo)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lan-dau-tien-sau-sua-doi-hien-phap-tong-thong-nga-khang-dinh-hanh-dong-lien-quan-nhat-ban-147389.html