Lần đầu tiên sàn diễn Chanel bị chê xấu, trông giống sân khấu năm 2011

Chiếc thiệp mời với bức ảnh màu nước về khu rừng mùa đông của Chanel cũng không hề có sự liên quan đến sàn diễn lần này.

Sau khi kế nhiệm ngôi vị thuyền trưởng của Chanel, giám đốc sáng tạo Virginie Viard nhiều lần gây tranh cãi với các thiết kế không thể hiện được dấu ấn riêng.

Cô bị giới mộ điệu cho rằng bản thân vẫn chưa thể thoát khỏi cái bóng quá lớn của "ông hoàng" Karl Lagerfeld. Thậm chí, show diễn Haute Couture Xuân - Hè 2019 còn bị nhiều nhà phê bình nhận xét nhàm chán, cố gắng bám víu vào giá trị xưa cũ của nhà sáng lập Coco Chanel, để ra đời bộ sưu tập nằm ở mức tạm chấp nhận.

Mới đây, Viard lại nhận về luồng tranh cãi trái chiều với show thời trang Thu - Đông 2020. Cụ thể, lần đầu tiên sàn diễn của thương hiệu Pháp bị chê xấu, không có sự đầu tư chỉn chu về mặt hình ảnh so với các mùa mốt trước đây.

Sàn diễn Chanel Thu - Đông 2020. Ảnh: Now Fashion.

Sàn diễn Chanel Thu - Đông 2020. Ảnh: Now Fashion.

Những tảng băng sắp đặt dọc sân khấu trở thành ghế ngồi cho khách mời. Ngoài ra, phần mặt gương phản chiếu bên dưới sàn để tập trung sự chú ý của khán giả vào các thiết kế cùng làn khói mờ ảo như sự bốc hơi của tảng băng trôi. Tuy nhiên, sàn diễn lần này từ thương hiệu bị đem ra so sánh với sự sáng tạo của Karl Lagerfeld khi còn đương nhiệm.

Sàn runway mùa này của Chanel được cho là bản dựng lại sân khấu Thu - Đông 2011 cùng phần khói lan tỏa từ hai bên và những khối băng không được làm chân thật như sàn diễn năm 2010.

Thậm chí, chiếc thiệp mời với bức ảnh màu nước về khu rừng mùa đông của Chanel cũng không có sự liên quan đến sàn diễn lần này.

Sàn diễn Chanel năm 2010 và 2011 có nhiều điểm tương đồng với sân khấu Thu - Đông 2020. Ảnh: Now Fashion.

Giám đốc sáng tạo Virginie Viard đang cố gắng cân bằng "con thuyền" Chanel giữa các yếu tố như đề cao giá trị của nhà sáng lập Coco, thể hiện tinh thần sáng tạo của ngài Karl Lagerfeld, duy trì mối quan hệ với nhóm khách hàng hiện hữu mà vẫn phải tạo được sự chú ý đến thế hệ Millenials, Gen Z.

Các tín đồ dễ dàng nhìn thấy mỗi show diễn của Viard luôn gắn liền với một câu chuyện trong lịch sử Chanel cùng yếu tố nguyên bản xây dựng nên thương hiệu như tông màu trắng đen cổ điển, vải tweed, vòng ngọc trai hay kỹ thuật kết cườm thượng đẳng.

Cái hay ở bà là biết cách thăm dò ý kiến giới chuyên môn cũng như sự đón nhận của khách hàng khi ở giữa show diễn những chất liệu mới như lụa, chiffon, voan, gấm được khéo léo kết hợp với sắc màu tươi trẻ hơn hay tinh thần vị lai cá tính.

Thiết kế mới gói gọn trong 2 chữ Luxurious Dailywear (trang phục sang trọng mặc hàng ngày) thì kiểu gì bà đầm thép Anna Wintour cũng có thể diện đi làm hay các cô gái có cơ hội thoát khỏi danh sách mặc xấu trong một thập niên tới.

Hiện tại, Viard trên điểm trung bình, thuộc vùng an toàn. Tuy nhiên, khách quan đánh giá chỉ trong vài show nữa, bà phải tìm được "tiếng nói riêng" tại nhà mốt Pháp. Nếu không vị trí được định sẵn chính là xếp cùng trang với những kẻ thừa thế thất bại, ngay cạnh Frida Giannini khi nhận Gucci từ Tom Ford.

Bộ sưu tập của Chanel dưới thời Virginie Viard mang màu sắc trẻ trung, hướng đến đối tượng khách hàng Millenials, Gen Z. Ảnh: Vogue.

Thước phim quảng bá nước hoa dạng bút chì của Chanel 4 cô gái trẻ trung xuất hiện trong thước phim quảng cáo đại diện cho mùi hương của nước hoa Chanel trong mùa Xuân - Hè 2020.

Thuận Vũ

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/lan-dau-tien-san-dien-chanel-bi-che-xau-trong-giong-san-khau-nam-2011-post1054622.html