Lần đầu tiên Quốc hội xem xét bầu Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước

Chiều 18/10, chủ trì cuộc họp báo thông tin về chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Ban chấp hành TƯ Đảng được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước…

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo trước kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo trước kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Tổng thư ký Quốc hội cho biết, kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (dự kiến khai mạc ngày 22/10, bế mạc ngày 21/11 với 24 ngày làm việc) vừa là kỳ họp cuối năm cũng là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên có nhiều vấn đề cần xem xét.

Quốc hội dành thời gian cho xây dựng pháp luật là 9,5 ngày, dự kiến thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến 6 dự án luật khác.

Hoạt động giám sát chuyên đề và quyết định các vấn đề quan trọng chiếm thời lượng 10 ngày.

Công tác nhân sự có thời lượng khoảng 1,5 ngày. Cụ thể, ông Hạnh Phúc cho biết, công tác nhân sự được tiến hành ngay từ ngày đầu của kỳ họp với việc Quốc hội nghe tờ trình giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Sau khi bầu xong (1 ngày sau đó), Chủ tịch nước sẽ thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức.

Liền sau đó, Quốc hội tiến hành miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng TT-TT với ông Trương Minh Tuấn và bỏ phiếu phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng TT-TT mới.

“Đây là lần đầu tiên Ban chấp hành TƯ Đảng giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước” – Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.

Về khả năng Chủ tịch nước sẽ chủ trì họp báo theo thông lệ, sau khi nhậm chức, ông Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận, tới nay, có 2 lần các Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo sau khi được bầu để thông tin về chương trình hành động của mình. Văn phòng Quốc hội sẽ trao đổi về việc này, còn có tổ chức họp báo hay không là quyền của Chủ tịch nước.

Đại biểu Quốc hội không liên hoan, gặp gỡ Bộ, ngành trong kỳ họp

Do đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc đề cập việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với những người giữ chức vụ được Quốc hội bầu và phê chuẩn. Trừ 2 đối tượng Chủ tịch nước và Bộ Trưởng TT-TT không được lấy phiếu kỳ này vì chưa đủ thời gian đảm nhiệm chức vụ theo quy định, danh sách các chức danh được lấy phiếu là 48 người.

Tổng thư ký Quốc hội cho biết, tại phiên họp UB Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có lời nhắc nhở, yêu cầu các đại biểu không tham gia liên hoan, gặp gỡ các Bộ, ngành. Điều này, theo ông Phúc là thể hiện hiện sự quyết tâm nêu gương theo quy định cán bộ, Đảng viên phải nêu cao trách nhiệm nêu gương.

“Khi đang họp mà dự tiệc tùng, liên hoan, gặp gỡ thì rất phản cảm. Việc này làm vào thời điểm lấy phiếu thì càng phù hợp” – ông Hạnh Phúc nhận định.

Ông cũng giải thích thêm, lời nhắc nhở của Chủ tịch Quốc hội là cho cả kỳ họp chứ không chỉ cho đến khi hết phiên lấy phiếu tín nhiệm là xong.

Còn lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành trước phiên chất vấn tại kỳ họp này, Tổng Thư ký Quốc hội giải thích, vì phiên chất vấn thường chỉ chất vấn một số thành viên Chính phủ được đề cập trong các Nghị quyết chuyên đề về chất vấn của Quốc hội. Nhìn vào phiên chất vấn để đánh giá, so sánh giữa các thành viên Chính phủ như vậy sẽ không đảm bảo công bằng. Vậy nên, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trước phiên chất vấn là để đảm bảo sự công bằng trong đánh giá giữa các chức danh được lấy phiếu.

Ông Phúc phân tích: “Việc lấy phiếu tín nhiệm tại thời điểm này có căn cứ là từ sự đánh giá suốt 3 năm qua rồi, cán bộ lãnh đạo ai thế nào cũng đủ bộc lộ rồi. Báo cáo của từng người được lấy phiếu cũng đã được gửi sớm tới các đại biểu để nghiên cứu cho kỹ lưỡng”.

Theo Dân trí

Link gốc: https://dantri.com.vn/chinh-tri/lan-dau-tien-quoc-hoi-xem-xet-bau-tong-bi-thu-lam-chu-tich-nuoc-20181018165533229.htm

Xem link gốc Nguồn: Dân trí

P.Thảo

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/lan-dau-tien-quoc-hoi-xem-xet-bau-tong-bi-thu-lam-chu-tich-nuoc-305978.html