Lần đầu tiên phẫu thuật hết liệt cho một bệnh nhân bị 4 bệnh mạn tính

PGS.TS.BS. Võ Văn Thành, chuyên gia chấn thương chỉnh hình, cho biết, BV. Trưng Vương vừa kết hợp với BV. Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM điều trị thành công cho bệnh nhân cao tuổi 76 tuổi liệt tứ chi, ngồi xe lăn một năm, đau nhức tay phải nhiều hơn.

Tình trạng liệt ngày càng tiến triển, bệnh nhân không gài nút, không cầm đũa dược khoảng 6 tháng trước khi nhập viện. Đặc biệt hơn nữa, tạng thể của bệnh nhân khá “dữ dội”, bao gồm tiền căn cao huyết áp 60 năm, đái tháo đường 20 năm, gút trong 30 năm, suy thận mạn 8 - 10 năm cần thẩm phân phúc mạc 3 năm qua. Bệnh nhân trước mổ còn bị gãy xương đùi.

Kết quả chụp cộng hưởng từ MRI và CT-scan cho thấy bệnh nhân Nguyễn. T. D. bị liệt, tê và đau nhức là do bệnh lý tủy sống cổ mạn do thoái hóa cột sống cổ, cốt hóa dây chằng dọc sau, hẹp ống sống cổ nặng chỉ còn khoảng 30 - 50%, tổn thương tủy kèm theo bệnh lý rễ thần kinh.

Êkíp phẫu thuật đã thực hiện thành công ca phẫu thuật điều trị liệt cho bệnh nhân bị nhiều bệnh lý mạn tính

BS.CKII. Nguyễn Thiên Bình, Trưởng khoa Khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc ICU (BV. Trưng Vương), với một ca bệnh nhiều bệnh sử như vậy, điều trị nội khoa cũng có thể dẫn đến tử vong huống chi là bệnh nhân cần phải phẫu thuật. Trước khi bệnh nhân bước vào cuộc mổ, các chuyên gia y tế nhau đã phối hợp với nhau để kiểm soát tốt ngay từ đầu, như chế độ dinh dưỡng tăng cường nhiều đạm vì thẩm phân phúc mạc làm mất rất nhiều chất, đặc biệt là đạm.

“Một tháng trước khi phẫu thuật, chúng tôi phải luôn luôn ổn định huyết áp cho bệnh nhân để cho tưới máu tủy được tốt hơn, giúp khả năng phục hồi tủy về sau tốt hơn. Tủy của bệnh nhân bị chèn rất nặng, làm nhịp tim chậm lại nên cần sử dụng thuốc để tăng nhịp tim, thuận lợi hơn trong quá trình gây mê. Đồng thời, chúng tôi phải kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính khác như tình trạng suy thận mạn và tiểu đường. Còn trong cuộc mổ, chúng tôi phối hợp với các bác sĩ gây mê hồi sức để kiểm soát huyết áp nhằm hồi sức thuận lợi hơn; theo dõi hô hấp, giảm đau tốt, cho bệnh nhân thở máy trong vòng 24 giờ để chắc chắn quá trình hồi phục của bệnh nhân an toàn hơn, bệnh nhân đỡ đau, kiếm soát nhiễm khuẩn để giảm thiểu thời gian làm việc”, BS. Thiên Bình cho biết.

Theo BS.CKII. Võ Ngọc Thiên Ân (BV. Chấn thương Chỉnh hình), phẫu thuật viên chính của ca này, do bệnh nhân có nhiều nguy cơ như vậy, nên các bác sĩ đã chọn kỹ thuật mổ ít xâm lấn, giảm thiểu rủi ro, bao gồm cả nguy cơ liệt tứ chi vĩnh viễn, thậm chí tử vong.

Ở một bệnh nhân gồm bệnh lý tủy cổ kết hợp với bệnh lý rễ thần kinh, các bác sĩ đã chọn kỹ thuật tạo hình bản sống Shiraishi (Minimal Ivasive Spine Surgery) kết hợp mở rộng lỗ liên hợp để giải phóng chèn ép cho dây thần kinh. Đây là kỹ thuật điều trị do các chuyên gia Nhật chuyển giao, bước đầu áp dụng thành công trên khoảng 40 bệnh nhân tại BV. Trưng Vương. Nhưng đây là lần đầu tiên, các bác sĩ phẫu thuật điều trị cho một bệnh nhân bị liệt tứ chi và trên một nền tảng nhiều bệnh nền mạn tính nặng. Kỹ thuật mổ tinh tế, đòi hỏi kỹ thuật thao tác chính xác, dụng cụ vi phẫu, mổ dưới kính hiển vi, giải áp, tránh tổn thương mạch máu nuôi tủy, giảm thiểu nguy cơ phù tủy.

Bệnh nhân đã xuất viện và đã hồi phục tốt

4 bác sĩ gây mê, trang bị tất cả những dụng cụ thực hiện ca mổ tinh vi, như kính hiển vi. Ca mổ thực hiện nhanh, thành công. Vùng tủy đập lại nhanh. Chỉ 2, 3 ngày sau khi phẫu thuật, bệnh nhân đã phục hồi tốt. Bệnh nhân không còn cảm giác đau tê, dễ thở, không cần nẹp cổ sau phẫu thuật, không tốn chi phí đặt dụng cụ. Sau 10 ngày, tay phải của bệnh nhân bớt đau, tay trái và hai chân đã cử động. Khi sức khỏe phục hồi, bệnh nhân có thể tập phục hồi chức năng để đi lại bình thường.

Theo các chuyên gia của BV. Trưng Vương và BV. Chấn thương Chỉnh hình, một bệnh cảnh nhiều bệnh mạn tính, nếu chọn mổ mở rộng như đặt vít, đặt đĩa đệm giả... càng tạo nguy cơ ổ viêm lớn. Kỹ thuật càng ít xâm lấn trên bệnh nhân mạn tính, thời gian mổ ngắn lại, thời gian hồi phục nhanh hơn, tạo ra đáp ứng viêm ít chừng nào, hồi sức càng thuận lợi và kết quả sau phẫu thuật sẽ tốt hơn rất nhiều.

Đối với bệnh lý tủy sống cổ - cột sống, nam mắc nhiều hơn nữ vì do công việc. Bệnh có thể bắt đầu từ thoái hóa, vôi hóa rồi dẫn đến cốt hóa, thường từ độ tuổi trung niên 40 trở lên. Đây là bệnh lý diễn tiến âm thầm nên rất khó phát hiện. Người bệnh phải theo dõi rất chặt triệu chứng tê mơ hồ ở một tay, hai tay hoặc từ vai xuống ngón tay hoặc xuất hiện các dị cảm như rát, buốt, kiến cắn, kiến bò, kim châm... Bệnh nhân có thể phát hiện sớm bệnh nhờ vào các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như CT-scan và MRI.

AN QUÝ

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/lan-dau-tien-phau-thuat-het-liet-cho-mot-benh-nhan-bi-4-benh-man-tinh-n140912.html