Lần đầu tiên phẫu thuật bắc cầu động mạch vành cho người bệnh

Để cứu sống bệnh nhân, các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã có một quyết định hết sức sáng tạo và cũng rất táo bạo, đó là lấy tĩnh mạch hiển từ chính con trai của người bệnh làm vật liệu sử dụng để bắc cầu động mạch vành. Đây là giải pháp duy nhất để có vật liệu làm cầu nối động mạch vành cho bệnh nhân, điều mà chưa từng được thực hiện ở Việt Nam.

Mới đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận trường hợp người bệnh T.Đ.L (55 tuổi, ở Nam Định) nhập viện trong tình trạng khó thở khoảng 2 tháng và đã được khám, chẩn đoán bệnh hở van tim nặng kết hợp với hẹp tắc động mạch vành, cần phải được phẫu thuật sớm.

Sau khi nhập viện, bệnh nhân được thực hiện các quy trình kiểm tra, đánh giá chuyên môn để thực hiện phẫu thuật. TS Vũ Ngọc Tú, Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, người bệnh có triệu chứng tim mạch không quá nặng và được dự kiến mổ tạo hình van hai lá, đồng thời bắc cầu các động mạch vành. Để bắc cầu động mạch vành thì có thể dùng tĩnh mạch hiển ở chân, động mạch quay ở tay hoặc động mạch ngực trong ở sau xương ức. Với đa số bệnh nhân mắc bệnh này, đây chỉ là một phẫu thuật tim mạch thường quy.

Tuy nhiên, bệnh nhân L là trường hợp đặc biệt do có tiền sử lùn bẩm sinh và béo phì. Bệnh nhân chỉ cao 120 cm nhưng cân nặng tới 60 kg. Tình trạng béo phì này làm chân tay không thể nâng đỡ cơ thể, khiến từ lâu người bệnh không tự đi lại được. Điều này gây khó khăn về vận động và sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình hồi phục sau mổ.

TS Vũ Ngọc Tú cũng chia sẻ, quyết định phẫu thuật cho người bệnh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về vật liệu sử dụng để bắc cầu động mạch vành. Vì tay và chân của người bệnh quá ngắn và lớp mỡ dưới da quá dày nên không thể lấy được mạch máu để làm cầu nối cho mạch vành. Bên cạnh đó, xương ức bị cong vồng lên khiến các bác sĩ cũng không thể lấy được động mạch ngực trong để làm cầu nối như các bệnh nhân khác.

Bên cạnh đó, vị trí để thực hiện các cầu nối động mạch vành là động mạch chủ lên (còn gọi là cuống tim) của người bệnh vôi hóa nặng nhiều chỗ, điều rất hiếm gặp ở người đàn ông 55 tuổi. Do đó, khi phẫu thuật, phẫu thuật viên phải tận dụng từng milimet vùng cuống tim bị vôi ít nhất để thực hiện cầu nối, vì nếu thực hiện miệng nối ở vùng vôi hóa có thể dẫn tới các biến chứng nguy kịch ở động mạch chủ hoặc trôi các cục vôi, xơ vữa lên não, gây nhồi máu não, người bệnh có thể tử vong ngay trong mổ.

Để giải quyết khó khăn trên, kíp mổ của các bác sĩ đã đi đến một quyết định hết sức sáng tạo và cũng rất táo bạo, đó là lấy tĩnh mạch hiển từ chính con trai của người bệnh. Đây là giải pháp duy nhất để có vật liệu làm cầu nối động mạch vành cho bác L, điều mà chưa từng được thực hiện ở Việt Nam.

Nhận định và đưa ra kế hoạch chi tiết thực hiện cho từng phương án trong quá trình phẫu thuật cho bệnh nhân, hai kíp mổ đã được tiến hành đồng thời. Kíp thứ nhất lấy tĩnh mạch hiển hai chân của con trai người bệnh và chuyển sang cho kíp thứ hai, khi kíp này đã bộc lộ được tim của người bệnh. Kỹ thuật tạo hình van tim đồng thời bắc cầu động mạch vành được tiến hành ngay sau đó. Rất may mắn, ca mổ kéo dài trong khoảng thời gian 4 giờ đồng hồ đã thành công, quả tim hồi phục với các chỉ số rất tốt.

Theo TS Vũ Ngọc Tú, sau mổ, diễn biến của người bệnh rất thuận lợi. Ống thở được rút sau mổ 1 ngày và điều kì diệu là chỉ sau 1 tuần, bệnh nhân đã hồi phục gần như hoàn toàn, tự ăn uống và phục vụ bản thân. Kết quả siêu âm tim và các xét nghiệm đều tốt. Người bệnh đã được xuất viện sau mổ 2 tuần.

Hiền Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/lan-dau-tien-phau-thuat-bac-cau-dong-mach-vanh-cho-nguoi-benh/384064.vgp