Lần đầu tiên người khiếm thị 'xem tranh' bằng đôi tay và mùi hương

Nữ họa sĩ Liku Maria Takahashi đến từ Nhật Bản đã có sáng kiến vẽ tranh cho người khiếm thị để từ đó chuyển tải những màu sắc của cuộc sống đến với tâm hồn người xem.

Từ ngày 14-17.2, tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM diễn ra Triển lãm Maris giới thiệu Nghệ thuật vẽ tranh dành cho người khiếm thị đầu tiên trên thế giới và workshop chung tay chế tác quốc kỳ.

Bạn trẻ cảm nhận bức tranh bằng đôi tay.

Đây là dự án được xây dựng với mục đích giúp các em nhỏ khiếm thị cũng như những người không thể nhìn thấy trên toàn thế giới có thể thưởng thức những bức tranh đầy màu sắc cùng với bao người bình thường khác.

Nghệ sĩ Maria đã phát minh ra Bảng tiêu chuẩn thế giới Maris thể hiện độ sáng màu thông qua kích thước hạt cát chia làm 10 cấp độ, cùng với tinh dầu thảo mộc được áp dụng trên vải canvas.

Họa sĩ Maria.

Tại đây còn có phần biểu diễn chơi cờ vây dành cho người khiếm thị lần thứ 2 và họa sĩ Maria biểu diễn vẽ tranh trực tiếp.

Bất ngờ khi đến phòng triển lãm của họa sĩ Liku Maria Takahashi: Hàng loạt các bạn trẻ khiếm thị thi nhau sờ lên các bức tranh với vẻ hân hoan trên nét mặt.

Một bạn gái cho biết, cô cảm nhận được những màu sắc thông qua “bảng màu” biểu thị bằng độ dày của các hạt cát, hạt đá li ti được gắn lên tranh, hoặc thông qua từng mùi hương thảo mộc của tranh.

Đó là niềm vui khi thế giới bên ngoài chợt hiện diện dưới bàn tay với “ngôn ngữ”, ký hiệu riêng, và niềm thích thú khi phân biệt được những lá cờ của các nước trên thế giới.

Nữ họa sĩ Maria chia sẻ: “Có lần, tôi vẽ bông hoa trong không gian của mùi hương thảo mộc, cây lá và thấy thú vị với cảm giác mới mẻ này.

Khi đó, tôi bắt đầu hình dung ra bức tranh có mùi hương sẽ có tác dụng thế nào với người khiếm thị. Tôi đã suy nghĩ, tìm tòi và thử quét mùi hương của hoa oải hương lên tranh của mình. Chỉ sau 1 ngày thì mùi hương biến mất.

Bảng màu do họa sĩ sáng tạo cho người khiếm thị.

Một góc phòng triển lãm.

Lúc ấy tôi nghĩ cách giữ mùi hương thơm lâu hơn, nên đã ghép các viên đá nhỏ vào bức tranh. Dĩ nhiên đó là những bức tranh mới vẽ, còn lâu ngày thì không còn mùi hương nữa. Vậy nên những viên đá xếp theo độ dày từ thấp đến cao cũng có thể thể hiện bảng màu sắc trong tâm trí của người khiếm thị”.

M.T

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/xem-nghe/lan-dau-tien-nguoi-khiem-thi-xem-tranh-bang-doi-tay-va-mui-huong-657473.ldo