Lần đầu tiên dùng robot để lấy thận ghép

Lần đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á, quả thận của người cho còn sống được lấy ra bằng kỹ thuật phẫu thuật robot để ghép cho người bị suy thận nhiều năm.

Từ thành công bước đầu, bệnh viện Chợ Rẫy kỳ vọng kỹ thuật hiện đại và nhiều ưu điểm này sẽ được triển khai rộng rãi hơn, mong bảo hiểm y tế sẽ thanh toán cho kỹ thuật này để nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh.

An toàn và nhiều ưu điểm

Chiều 27-6, PGS.TS.BS Thái Minh Sâm, Trưởng Khoa Tiết niệu - Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh cho biết đơn vị vừa thực hiện thành công hai ca phẫu thuật cắt thận từ người cho sống bằng kỹ thuật robot để ghép cho bệnh nhân suy thận nhiều năm. Ông khẳng định hai ca này được thực hiện lần đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng là hai ca đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á.

Lý giải nguyên do chỉ có Việt Nam thực hiện lần đầu tiên trong khi các nước Đông Nam Á chưa làm được, PGS.TS.BS Thái Minh Sâm cho rằng có thể do ở các nước có hai ê kíp khác nhau: một nhóm bác sĩ chuyên về hiến ghép tạng và một nhóm bác sĩ chuyên về kỹ thuật mổ dùng robot. Vì thế, họ chưa phối hợp để áp dụng. Trong khi đó, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ vừa là chuyên gia về ghép thận vừa học được kỹ thuật mổ dùng robot.

Các bác sĩ thao tác đặt các "cánh tay" robot vào cơ thể người bệnh.

Hệ thống robot mà Bệnh viện Chợ Rẫy sử dụng có tên là Robot da Vinci. Trong khu vực Đông Nam Á, số lượng robot này ở Singapore là 7 máy, Thái Lan 6, Việt Nam 4, Malaysia 4, Philippines 2 và Indonesia 1. Hệ thống phẫu thuật robot xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2014 ở Viện Nhi Trung ương; năm 2016 tại Bệnh viện Bình Dân; năm 2017 tại Bệnh viện Chợ Rẫy; và năm 2018 tại Bệnh viện Vinmec. Tuy nhiên, việc dùng kỹ thuật này để lấy thận từ người cho sống để ghép cho người bị suy thận là lần đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Hai trường hợp được lấy thận bằng kỹ thuật robot là ông Dương Xuân T. (53 tuổi) phẫu thuật ngày 16-5, cắt lấy thận để ghép cho một người bà con là ông Nguyễn Văn V. (55 tuổi). Người thứ hai là ông Nguyễn Văn T. (50 tuổi), phẫu thuật ngày 20-6, cắt lấy thận để ghép cho con gái là chị Nguyễn Thị Diễm T. (27 tuổi).

Quả thận đã được lấy ra khỏi cơ thể người cho.

Theo PGS.TS.BS Thái Minh Sâm, do đây là lần đầu tiên thực hiện phẫu thuật bằng robot nên các bác sĩ rất cẩn trọng, không dám thao tác nhanh, thời gian lấy thận lâu hơn thời gian phẫu thuật nội soi kinh điển. Thời gian thực hiện ca đầu tiên mất 4 giờ và ca thứ hai là 3 giờ 45 phút. Lượng máu bệnh nhân mất trong mỗi ca phẫu thuật chỉ trung bình 50ml, không phải truyền máu trong quá trình phẫu thuật, không có biến chứng, không phải chuyển sang mổ mở, thời gian nằm viện chỉ hai ngày, ít hơn năm ngày so với phẫu thuật nội soi như trước.

"Ưu điểm của phẫu thuật lấy thận bằng robot rất an toàn, vết mổ nhỏ, tính thẩm mỹ cao, máu bị mất ít, ít đau, ít xâm lấn, bệnh nhân hồi phục nhanh, thời gian nằm viện ngắn hơn; trong khi kết quả phẫu thuật tương đương với phẫu thuật nội soi kinh điển", PGS.TS.BS Thái Minh Sâm nhấn mạnh.

Kỳ vọng Bảo hiểm y tế sẽ sớm hỗ trợ chi phí

Kỹ thuật này hiện tại chỉ lấy thận bằng cánh tay robot từ người cho, chứ chưa thực hiện được việc ghép thận bằng robot. Hai trường hợp được ghép thận vẫn phải thực hiện theo kỹ thuật mổ hở. Trong thời gian tới, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ tiếp tục cử bác sĩ đi nước ngoài (hiện chỉ có Hàn Quốc và Hồng Kông là có cấp chứng chỉ về kỹ thuật này) học về kỹ thuật ghép thận bằng robot để sau đó về áp dụng tại đây.

Một hệ thống robot phẫu thuật.

Kỹ thuật lấy và ghép thận bằng robot hiện đã được thực hiện thành công tại các nước Anh, Mỹ, và nhất là Ấn Độ... Tuy nhiên, phương pháp này còn rất mới ở Việt Nam. Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ mới đưa vào sử dụng hệ thống robot phẫu thuật từ tháng 10-2017, đến nay đã thực hiện được 68 ca như cắt một phần thận, cắt thận tận gốc, tận gốc bàng quang, tiết niệu... Việc dùng kỹ thuật robot để phẫu thuật cắt thận từ người cho sống để ghép tạng là kỹ thuật mới nhất được bệnh viện này thực hiện.

PGS.TS.BS Thái Minh Sâm cho biết phẫu thuật bằng robot đa số sử dụng trong điều trị ung thư, cho kết quả tốt, có nhiều điểm mạnh như khâu vá cực kỳ tốt, khéo léo. Cánh tay robot xoay 4 chiều, với hình ảnh 3D phóng đại 10 đến15 lần, giúp bác sĩ thấy được cả những mạch máu nhỏ. Với tư thế thao tác khá tiện lợi, nếu ca mổ kéo dài, phẫu thuật viên vẫn có thể ngồi thao tác thoải mái. Thậm chí, phẫu thuật viên có thể tạm dừng ca mổ ít phút, sau đó lại tiếp tục …

Đại diện của Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết sẽ nhân rộng kỹ thuật phẫu thuật cắt thận bằng robot, tiến tới ghép thận bằng robot. Hiện chi phí thực hiện kỹ thuật này chưa được Bảo hiểm y tế thanh toán nên người bệnh đang phải chi trả số tiền khoảng trên dưới 100 triệu đồng cho một ca lấy thận (trong khi đó, một ca mổ nội soi thông thường sẽ tốn khoảng 50 triệu đồng), khá cao so với mặt bằng chung thu nhập của người dân. Bệnh viện Chợ Rẫy kỳ vọng Bảo hiểm y tế sẽ sớm hỗ trợ một phần chi phí phẫu thuật bằng robot cho bệnh nhân để sẽ có nhiều người được tiếp cận, sử dụng kỹ thuật cao này vào lấy và ghép thận.

Ông Nguyễn Văn V. cho biết: "Sau mổ chỉ 7 ngày là cả tôi và người cho đều khỏe. Sau ca ghép thận hơn một tháng, tôi cảm thấy không còn đau đớn gì cả. Mổ xong thấy người khác hẳn, khỏe hơn, ăn uống được nhiều hơn. Tiếp tục nghỉ dưỡng thêm một thời gian nữa, tôi dự tính tháng sau sẽ đi làm lại.

Theo các bác sĩ, việc mất đi một quả thận không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe của người cho, bởi mỗi quả thận của một người bình thường chỉ hoạt động khoảng 50% công suất. Khi hiến một quả thận, quả thận còn lại vẫn đảm bảo mọi chức năng trong cơ thể.

Phú Lữ

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/lan-dau-tien-dung-robot-de-lay-than-ghep-498326/