Lần đầu tiên đưa bài học mô phỏng tương tác PhET vào Việt Nam

PhET là dự án mô phỏng tương tác do nhà vật lý học từng đoạt giải Nobel Vật lý (năm 2001) Carl Wieman sáng lập mục đích tạo ra các mô phỏng tương tác miễn phí thuộc lĩnh vực toán và khoa học.

Hình ảnh mô phỏng con lắc lò xo trong môn vật lý của dự án PhET.

Hình ảnh mô phỏng con lắc lò xo trong môn vật lý của dự án PhET.

Hệ thống giáo dục HOCMAI cho hay đơn vị này vừa chính thức ký hợp tác và tài trợ cho Đại học Colorado Boulder (Hoa Kỳ) phát triển dự án PhET - dự án xây dựng các bài học mô phỏng tương tác, nhằm đưa cách tiếp cận các nội dung khoa học mới về Việt Nam.

PhET là dự án mô phỏng tương tác do nhà vật lý học từng đoạt giải Nobel Vật lý (năm 2001) Carl Wieman sáng lập từ năm 2002 tại Đại học Colorado Boulder với mục đích tạo ra các mô phỏng tương tác miễn phí thuộc lĩnh vực toán và khoa học.

Mô phỏng PhET được sáng tạo dựa trên các công trình nghiên cứu về khoa học giáo dục nhằm thu hút học sinh vào một môi trường trực quan, vui nhộn hơn thông qua các hoạt động tìm tòi và khám phá. Theo đó, giáo viên có quyền truy cập vào các thủ thuật và tư liệu video theo mô phỏng, tài nguyên dạy học với các mô phỏng và các hoạt động do cộng đồng giáo viên tại PhET chia sẻ.

Tiến sỹ Kathy Perkins, Giám đốc Mô phỏng Tương tác PhET cho biết hiện mô phỏng PhET được sử dụng tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với những tính năng ưu việt, dự án này đang nhận được sự tài trợ từ hơn 30 tổ chức, cá nhân và công ty trên khắp thế giới như Google, Tổ chức Khoa học Quốc gia NSF...

Riêng tại khu vực Đông Nam Á, HOCMAI là đơn vị đầu tiên tham gia chương trình Đối tác cơ bản của PhET.

Theo ông Phạm Giang Linh, Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục HOCMAI, mục đích của sự hợp tác này nhằm mang tới những nội dung học tập tiên tiến nhất cho học sinh Việt Nam. Bên cạnh đó, HOCMAI sẽ kết hợp đưa các nội dung phù hợp vào trong các khóa học của mình, bao gồm các thí nghiệm mô phỏng về toán học, vật lý, hóa học, sinh học.

Cũng theo ông Linh, ngành giáo dục đã và đang cố gắng mang cuộc sống thực vào cho học sinh trong chương trình học nhưng quá trình này còn rất nhiều cản trở. Ví dụ, với các thí nghiệm vật lý, hóa học… học sinh cần có môi trường để làm và tốn kinh phí. "Việc hợp tác với PhET mở ra cơ hội mới, giúp HOCMAI đưa các nội dung khoa học tiên tiến mà PhET đang xây dựng về Việt Nam, giúp học sinh tiếp cận được ngay với nội dung học tập thông qua mô phỏng hóa, hiểu được bản chất của sự vật, hiện tượng bên cạnh lý thuyết thông thường”, ông Linh chia sẻ.

Là giáo viên đã ứng dụng mô phỏng PhET vào việc giảng dạy nhiều năm nay cả trên cả bài giảng trực tiếp và trực tuyến, thầy Nguyễn Thành Nam, giáo viên môn vật lý tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI nhận định, việc áp dụng mô phỏng này vào bài học mang lại sự trải nghiệm thú vị hơn cho học sinh. Cụ thể, với mô phỏng PhET, học sinh có thể tự định hướng việc học, theo dõi và thậm chí tham gia vào các thí nghiệm mà các em muốn tìm hiểu. Ví dụ, học sinh di chuyển một thanh trượt hoặc tạo một cài đặt khác, các hình ảnh và biểu diễn trong mô phỏng thay đổi động và ngay lập tức, cho phép học sinh khám phá các mối liên quan khác.

Hiện tại các mô phỏng trong dự án PhET đã được các tình nguyện viên dịch sang hơn 90 ngôn ngữ, giúp thầy cô và học sinh ở nhiều nơi trên thế giới dễ dàng tiếp cận nguồn học liệu miễn phí bổ ích và thú vị này./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/lan-dau-tien-dua-bai-hoc-mo-phong-tuong-tac-phet-vao-viet-nam/680276.vnp