Lần đầu tiên dân làng chài Kon Tum đón Tết trên bờ

Sau gần 10 năm xa quê, lênh đênh trên sông nước, mặt hồ, đến xuân Kỷ Hợi năm 2019 tất cả 96 khẩu của 29 hộ ở làng chài trên hồ thủy điện Sê San 4 ở huyện vùng biên Ia H'Drai (Kon Tum) mới lần đầu tiên được đón Tết trên bờ. Một cái tết ấm nồng, đầy yêu thương cho những con người nơi đây.

Một góc xóm chài Sê San 4. Ảnh: thanhnien.vn

Nghìn ngày lênh đênh trên sông nước

Những tháng cuối năm 2018, tin vui đến với người dân làng chài khi chính quyền huyện Ia H’Drai đã bàn giao khu định cư, nhà ở, cấp hộ khẩu cho 29 hộ ở làng chài để dân kịp đón xuân trên đất liền. Đây là lần đầu tiên các hộ dân này có nhà để định cư sau hàng nghìn ngày sống lênh đênh trên sông nước.

Gần 10 năm xa quê, trong hành trang kiếm sống, người làng chài đã lênh đênh trên các sông, hồ ở các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Đắk Lắk… trước khi cư ngụ tại lòng hồ thủy điện Sê San 4.

“Cuộc sống trên sông, sống bằng đánh bắt cá. Tôi gần như chỉ biết đón tết trên thuyền bè, sông nước” anh Nguyễn Văn Triều (tên thường gọi là Hai Triều), quê gốc An Giang cho biết. Đến năm 2012, khi tới lòng hồ Thủy điện Sê San 4, vùng nước còn hoang sơ, nơi có nhiều loài cá tự nhiên ngon, có giá trị kinh tế cao như cá lăng đuôi đỏ, cá chạch, bống… đã thôi thúc Hai Triều quyết an cư trên lòng hồ này.

Cùng đó, người dân ở nhiều vùng miền khác trong cả nước cũng đến mưu sinh trên lòng hồ Sê San. Một làng chài mới được hình thành tự phát tại nơi đây.

Làng chài ngày một đông, cuộc mưu sinh cũng khó dần với người dân nơi đây. “Bây giờ cá tự nhiên, to, có giá trị cao ít, hiếm hơn. Ngày xưa mỗi ngày có thể bắt 50 - 70 kg cá, nay khó khăn hơn, muốn bắt phải thả lưới sâu dưới lòng hồ.

Tuy nhiên, lòng hồ hiện nhiều cây, gỗ mục, dễ rách lưới nên chúng tôi chuyển qua đánh rớ. Cứ đem rớ ra, chong đèn, cá cơm Sê San thấy đèn là bu lại, mình cất rớ là có sản phẩm” anh Tư Sơn, một ngư phủ của làng chài cho biết.

Là dân di cư tự do, gần 10 năm sống trên thuyền bè, người dân gần như tách biệt với cộng đồng, không được hưởng chế độ gì, trong khi thu nhập từ đánh bắt cá ngày một khó khăn.

“Nhiều lúc bị chính quyền tỉnh Kon Tum kiểm tra, chúng tôi cho bè chạy qua địa phận Gia Lai (cùng trên lòng hồ) hoặc ngược lại nhưng vì mưu sinh nên chúng tôi chấp nhận cuộc sống lênh đênh….” một người thừa nhận.

Ngày xuân ở làng chài

Có thể nói, cuộc sống của dân làng chài trên hồ thủy điện Sê San chỉ được sang trang khi Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum đến tận nơi tìm nguyên nhân và đề ra hướng giải quyết. Chỉ hơn 1 năm, đến xuân Kỷ Hợi 2019, lần đầu tiên sau nhiều năm lênh đênh trên lòng hồ Sê San người dân đã được định cư.

Theo đó, để giúp dân an cư lập nghiệp, tỉnh Kon Tum đã cấp mỗi hộ 400 mét vuông đất ở, Ban cứu trợ UBMTTQ tỉnh Kon Tum hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ để làm nhà đã mang lại niềm vui vô bờ bến cho dân làng chài ở xuân Kỷ Hợi.

Ngoài ra, người dân còn góp thêm tiền, công sức để xây dựng nhà khang trang hơn. Nhà mới được chọn ở điểm cao, cách không xa bến nước của lòng hồ Sê San 4.

Đón xuâ Kỷ Hợi này, ngay trong đêm giao thừa, cả làng chài không ai chợp mắt. Với người làng chài, niềm vui an cư trên bờ đến quá bất ngờ. Trong căn nhà mới khang trang, vợ chồng anh Nguyễn Tuấn Vũ (42 tuổi) quây quần chào đón thời khắc chuyển giao năm cũ, mới và báo tổ tiên ông bà về nơi cư ngụ mới, không bồng bềnh trên sóng nước.

Con cháu tư do vui đùa trên bờ. “Niềm vui kể không xiết. Gần 10 năm lênh đênh sông nước, cuối cùng cả nhà cũng có mái ấm trên bờ. Chính quyền đã lắng nghe ý nguyện của dân. Vợ chồng tôi đã được cấp đất, xây nhà. Xuân mới, nhà mới và niềm tin mới. Trước kia sống trên bè, thuyền ngày tết mấy ai ghé, ngoài dân làng chài. Nay khác nhiều. Con cháu ai cũng vui” anh Nguyễn Tuấn Vũ, người làng chài hồ hởi khoe.

Ông Chế Hồng Quyền, Chủ tịch UBNDxã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai cho biết gần 10 năm bà con mới được lên bờ đón một mùa xuân. Ngoài ổn định nơi ở, tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo đầu tư kéo điện lưới tới điểm dân cư mới của làng chài. Tổng kinh phí hơn 3 tỉ đồng, nhờ vậy tết Kỷ Hợi với người dân làng chài càng thêm ấm cúng.

Trước Tết Kỷ Hợi 2019, UBND xã Ia Tơi cũng có chương trình hỗ trợ về giống cá cho dân chài, với 16/29 hộ được nhận giống cá của chương trình hỗ trợ sản xuất. Chương trình lo Tết cho người nghèo, 29 hộ dân làng chài đều thuộc hộ nghèo, được nhận mức hỗ trợ là 500.000 đồng/hộ.

Vui mừng với những gì nhận được, anh Nguyễn Văn Thiều còn cho biết thêm: Sau 10 năm lênh đênh, giờ dân làng chài đã hết bấp bênh. Ngoài việc chính quyền giúp dân định cư, có hộ khẩu, ra tết nhiều gia đình còn được ngân hàng giải ngân cho vay vốn để phát triển. Về lâu dài, chúng tôi không thể chỉ dựa sông nước, phải tìm lối cho lao động, sản xuất để đem lại cuộc sống ấm no hơn.

Được biết, từ sự hỗ trợ của các ngành chức năng, cuối năm 2018, các hộ dân làng chài đã hoàn thiện quy trình nuôi cá lòng hồ. Theo đó, mỗi hộ có hàng chục mét vuông lồng bè, cá giống được chính quyền hỗ trợ đã đem lại nhiều niềm tin cho mọi người.

Cùng với đó, phát huy lợi thế tự nhiên, sông nước, lòng hồ thủy điện Sê San 4 đã trở thành điểm du lịch thu hút nhiều khách tham quan. Một số hộ dân đã lập tổ dịch vụ đưa đón khách ra lòng hồ. Du khách được phục vụ ăn uống tại chỗ với các đặc sản từ làng chài đã giúp dân có thêm nhiều nguồn thu nhập cho gia đình.

Theo ông Bùi Văn Nhàn, Phó chủ tịch UBND H.Ia H’Drai, khi bà con được ổn định lập nghiệp, chính quyền sẽ tạo điều kiện cho các hộ vay vốn cùng các chế độ chính sách hỗ trợ khác cho hộ nghèo, cận nghèo theo quy định nhằm tạo điều kiện giúp dân bắt đầu ổn định cuộc sống mới trên bờ.

Một mùa xuân mới đầy ấm nồng đã về với dân làng chài trên lòng hồ thủy điện Sê San 4. Khởi đầu với với những thuận lợi người dân làng chài tự tin hướng đến một năm mới với nhiều niềm vui và hạnh phúc.

Cao Nguyên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/lan-dau-tien-dan-lang-chai-kon-tum-don-tet-tren-bo-20190205090752807.htm