Lần đầu tiên Đại học Công nghệ tổ chức Hội nghị Khoa học Quốc tế IEEE

Sáng ngày 12/9, phiên khai mạc 'Hội nghị Khoa học Quốc tế IEEE lần thứ 12 về Hệ thống trên chip nhúng đa lõi xử lý và Trí tuệ nhân tạo'đã diễn ra tại Trường Đại học Công Nghệ, Đại học Quốc Gia Hà Nội.

Tham dự phiên khai mạc Hội nghị Khoa học Quốc tế IEEE có gần 100 đại biểu, diễn giả đến từ các trường đại học uy tín trên thế giới, các nhà nghiên cứu khoa học, chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về ứng dụng cùng các giảng viên, nhà khoa học, nhà nghiên cứu và sinh viên đến từ các tổ chức và công ty khác nhau tại Việt Nam…

Các đại biểu tham dự Hội nghị Khoa học Quốc tế IEEE lần thứ 12

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Chử Đức Trình, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ, thay mặt trường chào đón các đại biểu tham dự Hội nghị. PGS.TS Chử Đức Trình cho biết, Trường được giao nhiệm vụ đào tạo, trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao ở tất cả các cấp học; nghiên cứu phát triển và ứng dụng các lĩnh vực khoa học và công nghệ tiên tiến; tiên phong trong quá trình tiếp cận các tiêu chuẩn giáo dục đại học khu vực và quốc tế; và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của nền kinh tế tri thức và xã hội của đất nước.

PGS.TS Chử Đức Trình, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị

Để theo đuổi mục tiêu và nhiệm vụ này, nhà trường đã thiết lập quan hệ hợp tác với các trường đại học và các tổ chức ở nước ngoài qua các hoạt động trao đổi học thuật và nghiên cứu. Thông qua Hội nghị MCSoC 12, trường mong rằng sẽ tạo được một diễn đàn thân thiện để thảo luận về các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển hàng đầu trong lĩnh vực mạch tích hợp và tạo dựng một hệ thống học viện, cộng đồng quốc tế cho tương lai của hệ thống đa lõi/nhiều lõi trên chip và các lĩnh vực liên quan. Nhà trường cũng hy vọng trong và sau Hội nghị, các nhà khoa học sẽ tham gia sẽ duy trì mối quan hệ hợp tác lâu dài.

PGS.TS Trần Xuân Tú chia sẻ tại Hội nghị

Nhân dịp này, PGS.TS Trần Xuân Tú, đại diện Ban tổ chức Hội nghị MCSoC 12 cũng đã có những chia sẻ về MCSoC 2018 và tin tưởng rằng trong tương lai, các hệ thống máy tính song song dựa trên mô hình kết nối và thiết kế sáng tạo của các mạng kết nối, kiến trúc bộ xử lý, ứng dụng, công cụ phần mềm cho các hệ thống trên chip nhúng đa lõi xử lý và trí tuệ nhân tạo đóng vai trò quan trọng trong sự hiểu biết của con người về các hệ thống tương lai. Cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, điện toán đám mây, điện toán tập trung xử lý dữ liệu thông qua Internet, trí tuệ nhân tạo ngày càng trở nên phổ biến nên thông qua Hội nghị lần này, hy vọng sẽ cung cấp các đề dẫn mới cho lĩnh vực liên quan.

Ban tổ chức Hội nghị hy vọng rằng những vấn đề được trao đổi qua 35 công trình được trình bày tại Hội nghị lần này sẽ mang đến những cơ hội để phát triển các lĩnh vực khoa học máy tính và kỹ thuật trong thời gian tới.

Sau phiên khai mạc, các diễn giả cũng đã tiến hành trình bày các nghiên cứu và nội dung công trình nghiên cứu và ứng dụng thực tế tại hội nghị. Dự kiến chương trình Hội nghị sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ nay đến hết ngày 14/9/2018.

Được tổ chức lần đầu vào năm 2004, tới nay sau 11 lần tổ chức thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới, Hội nghị Khoa học Quốc tế IEEE đã chứng tỏ được tầm quan trọng và là sự kiện khoa học tầm quốc tế.

Minh Vy. Ảnh: Minh Khánh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/giao-duc/lan-dau-tien-dai-hoc-cong-nghe-to-chuc-hoi-nghi-khoa-hoc-quoc-te-ieee-363233.html