Lần đầu tiên cộng đồng dân cư được xác định là một chủ thể trong bảo vệ môi trường

Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi vừa được công bố gồm 16 chương, 171 điều, với nhiều quy định cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20 - 85 ngày.

Từ đó, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các TTHC vào 01 giấy phép môi trường, đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án.

Đáng quan tâm, lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT); tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời được bảo đảm quyền và lợi ich của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Luật đã bổ sung nguyên tắc hoạt động BVMT phải được công khai, minh bạch; quy định rõ trách nhiệm công khai thông tin liên quan đến chất lượng môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường; chủ trương của Nhà nước là khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, cung cấp thông tin về môi trường.

Đồng thời, luật quy định thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường, kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường.

Luật cũng thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường thông qua thể chế hóa được chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trường kinh tế; BVMT phải hài hòa với tự nhiên, khuyến khích bảo vệ và phát triển tự nhiên. Đồng thời, đặt ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm người dân.

Bên cạnh đó, các quy định được sửa đổi, bổ sung cũng thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn, định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Lần đầu tiên Luật đã quy định việc thực hiện thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay; quy định trách nhiệm mở rộng của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì có khả năng tái chế/khó có khả năng tái chế phải thu hồi với tỷ lệ và quy cách bắt buộc hoặc thông qua hợp đồng dịch vụ hoặc cơ chế đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu.

Luật sửa đổi cũng bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, xả nước thải vào công trình thủy lợi mà lồng ghép nội dung này trong giấy phép môi trường nhằm thống nhất trách nhiệm, thẩm quyền và nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; đồng thời giảm TTHC mạnh mẽ cho doanh nghiệp.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/lan-dau-tien-cong-dong-dan-cu-duoc-xac-dinh-la-mot-chu-the-trong-bao-ve-moi-truong-220548.html