Lần đầu tiên công bố Sách trắng hợp tác xã Việt Nam 2020

Sáng 28/4/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê họp báo công bố Sách trắng hợp tác xã Việt Nam và Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020.

Theo đó, để đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, các nhà quản lý, nghiên cứu sử dụng thông tin phục vụ mục tiêu phát triển hợp tác xã cả nước và các địa phương, từ năm 2020 Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Tổng cục Thống kê chủ trì biên soạn và công bố Sách trắng hợp tác xã Việt Nam thường niên.

Cụ thể, “Sách trắng hợp tác xã Việt Nam năm 2020” (năm đầu tiên phát hành) gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển hợp tác xã cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2018.

Sách gồm 5 phần: Phần I - Bối cảnh phát triển hợp tác xã năm 2018. Phần II -Tổng quan phát triển hợp tác xã Việt Nam năm 2018 và giai đoạn 2016-2018. Phần III - Đề xuất giải pháp phát triển hợp tác xã. Phần IV - Bộ chỉ tiêu phát triển hợp tác xã năm 2018 và giai đoạn 2016-2018 của cả nước. Phần V - Bộ chỉ tiêu phát triển hợp tác xã năm 2018 và giai đoạn 2016-2018 của các địa phương.

Sách trắng hợp tác xã Việt Nam năm 2020 khẳng định, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã - thành phần kinh tế quan trọng cùng với kinh tế nhà nước dần trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Phát triển kinh tế tập thể đã trở thành chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước. Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng đó, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chính sách, tạo động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển và bước đầu đã mang lại kết quả tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, đòi hỏi kinh tế hợp tác xã cần đổi mới mạnh mẽ để thích ứng và phát triển.

Tổng cục Thống kê họp báo công bố Sách trắng hợp tác xã Việt Nam (lần đầu tiên) và Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020

Tổng cục Thống kê họp báo công bố Sách trắng hợp tác xã Việt Nam (lần đầu tiên) và Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020

Theo Sách trắng Hợp tác xã 2020, tính đến 31/12/2018 có 22.861 hợp tác xã trên cả nước, tăng 8,8% so với thời điểm 31/12/2017.

Theo địa phương, có 29/63 địa phương có tốc độ tăng số hợp tác xã hiện có tại thời điểm 31/12/2018 so với thời điểm 31/12/2017 cao hơn mức bình quân chung của cả nước (8,8%), trong đó có 10 địa phương có tốc độ tăng trên 25%.

Ngoài ra, có 33/63 địa phương có tốc độ tăng số hợp tác xã hiện có thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (8,8%), trong đó có 5 địa phương có tốc độ giảm gồm: Thái Bình giảm 9,6%; Cao Bằng giảm 3,0%; Hải Phòng giảm 2,6%; Điện Biên giảm 2,0%; Quảng Ninh giảm 1,9%.

Tổng số hợp tác xã đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh do ngành Thống kê điều tra, cập nhật tại thời điểm 31/12/2018 trên phạm vi cả nước là 13.958 hợp tác xã, tăng 5,5% so với thời điểm 31/12/2017.

Năm 2018, tổng doanh thu thuần của toàn bộ khu vực này đạt 88.586 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2017, tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng nguồn vốn của hợp tác xã (1,8%).

Sách trắng Hợp tác xã 2020 cũng cho biết, tổng số lao động đang làm việc trong các hợp tác xã đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh tại thời điểm 31/12/2018 là 185.714 người, giảm 1,5% so với cùng thời điểm năm 2017.

Phản ánh hiệu quả của hợp tác xã đang hoạt động, ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê cho biết, hiệu suất sử dụng lao động bình quân toàn bộ khu vực hợp tác xã năm 2018 đạt 10,4 lần (trong khi hiệu suất sử dụng lao động của doanh nghiệp là 15,3 lần).

Thu nhập bình quân tháng một lao động của các hợp tác xã đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 đạt 3,84 triệu đồng (thấp hơn nhiều so với mức thu nhập 8,82 triệu đồng của khu vực doanh nghiệp), tăng 3,2% so với năm 2017.

Trên cơ sở thực trạng phát triển hợp tác xã, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm đề xuất 3 nhóm chủ thể chính. Đó là, nhóm giải pháp về cơ chế chính sách; nhóm giải pháp về vốn, lao động, thị trường và nhóm giải pháp về đổi mới cơ chế hoạt động.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra cần nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể theo hướng tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện pháp luật về kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã, bảo đảm thực hiện hiệu quả nội dung quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã.

Thu Thủy

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/lan-dau-tien-cong-bo-sach-trang-hop-tac-xa-viet-nam-2020-71188.htm