Lần đầu Mỹ đưa F-35 tới Trung Đông, đối mặt S-400?

Theo Bộ tư lệnh Trung tâm thuộc Không quân Mỹ (AFCENT), lần đầu tiên phi đội F-35 được điều đến Trung Đông để lấp vào khoảng trống F-22 để lại.

Thông tin về quyết định triển khai này được Tướng Joseph Guastella, chỉ huy AFCENT cho biết, hôm 15/4, Không quân Mỹ đã điều phi đội tiêm kích tàng hình F-35A đến căn cứ Al Dhafra của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đánh dấu lần đầu phiên bản F-35A xuất hiện tại Trung Đông.

Quyết định này được đưa ra sau khi không quân Mỹ rút các tiêm kích tàng hình F-22 khỏi Trung Đông sau nhiều năm triển khai tại khu vực này.

Tiêm kích F-35A.

Tiêm kích F-35A.

Tướng Guastella tuyên bố: "Chúng tôi đang bổ sung những vũ khí hiện đại, giúp tăng cường sức mạnh của liên quân trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố IS. Khả năng sống sót và hệ thống cảm biến hiện đại sẽ giúp duy trì an ninh, răn đe các đối thủ trong khu vực".

Trang The Drive cho rằng, Không quân Mỹ từng điều tiêm kích F-35A đến châu Âu và Thái Bình Dương, nhưng chúng chỉ làm nhiệm vụ huấn luyện và không tham chiến.

Và khi những chiếc F-35A đến Trung Đông, chúng sẽ sớm tham gia các đợt không kích nhằm vào mục tiêu IS ở Iraq và Syria - tình huống này có thể xảy ra đụng độ giữa tiêm kích tàng hình Mỹ và lực lượng Nga tại Syria.

Phản ứng sau khi F-35 đến Trung Đông, tạp chí National Interest của Mỹ nhận định rằng, không nên đùa với các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, nếu không sẽ phải hối hận. Xung quanh tổ hợp phòng không S-400 của Nga luôn nảy ra những cuộc tranh cãi.

Nga khẳng định đây là hệ thống phòng không tối tân nhất thế giới hiện nay, có khả năng hạ sát các tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Mỹ như F-22 Raptor, F-35 Lightning II hay F-35I Adir của Israel. Trong khi đó, Mỹ và phương Tây cho rằng, nó không có khả năng phát hiện được máy bay tàng hình.

Báo Mỹ nhấn mạnh, dù hết lời chê bai S-300 hay S-400 nhưng không một lực lượng không quân nào muốn đối mặt với các hệ thống phòng không của Nga trong điều kiện chiến đấu.

Các hệ thống này được thiết kế để bảo vệ một cách có hiệu quả các công trình chính trị, hành chính, kinh tế và quân sự quan trọng nhất tránh các cuộc không kích, các đòn tấn công của tên lửa chiến lược, tên lửa đạn đạo chiến thuật và tên lửa chiến thuật, cũng như tên lửa đạn đạo tầm trung trong điều kiện chiến đấu và tác chiến điện tử.

Hệ thống S-400 sử dụng các trạm radar mới, cho phép hệ thống phòng không hiện đại này phát hiện hầu hết các mục tiêu trên không. Ngoài ra, hệ thống phòng không có thể sử dụng bốn loại tên lửa với trọng lượng, tầm phóng, khả năng diệt các mục tiêu bay khác nhau ở nhiều độ cao.

Nhờ radar có phạm vi giám sát tới 600km, một tổ hợp S-400 có thể hoạt động như một lưới phòng không hoàn chỉnh, có khả năng phòng thủ đa tầng, đa lớp; có thể tiêu diệt các máy bay ở khoảng cách xa tới 400km, cùng với các tên lửa đạn đạo của đối phương.

Chỉ với những thông tin này cũng đủ cho thấy, không một lực lượng nào trên thế giới, kể cả Không quân Mỹ muốn đối đầu với vũ khí này. Chính vì vậy, việc Mỹ cho F-35 hoạt động thế nào để tránh xảy ra tình huống đối đầu với phòng không và tiêm kích Nga tại Syria đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Tuấn Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/lan-dau-my-dua-f-35-toi-trung-dong-doi-mat-s-400-3378468/