Lần đầu làm chuyên gia

Chúng tôi may mắn được là những người đầu tiên của Báo Quân đội nhân dân (QĐND) sống và làm việc với Báo QĐND của nước bạn Lào.

Hồi đó, năm 1979, khi cách mạng Lào đã hoàn toàn thành công được 4 năm, thủ đô kháng chiến ở chiến khu đã trở về Viêng Chăn, chính quyền và lực lượng vũ trang của bạn đã phát triển đồng bộ, ổn định qua một thời gian dài. Công tác chính trị, công tác báo chí quân đội bạn cũng đã tiến lên một bước mới. Quan hệ hai nước Việt-Lào bước vào một kỷ nguyên mới sâu sắc, đậm đà hơn trên nền móng của mối quan hệ đặc biệt. Mối quan hệ giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước, hai quân đội phát triển nhanh chóng, đa dạng, toàn diện và yêu cầu cao hơn. Theo ký kết giữa Tổng cục Chính trị của quân đội hai nước, Báo QĐND cử một số chuyên gia sang giúp bạn đào tạo đội ngũ người làm báo cho QĐND Lào. Chuyên gia quân sự các ngành khác đã có từ lâu trong kháng chiến và đã có cống hiến lớn lao, góp phần xây đắp bề dày của tình hữu nghị, nhưng chuyên gia báo chí quân đội thì đây là lần đầu. Và chúng tôi là những người đầu tiên nhận sứ mệnh vẻ vang này.

Đối tượng học viên đã không giống như chúng tôi dự kiến, và cũng không được nghiên cứu trước, công tác tuyển sinh bạn làm lại không theo tiêu chí nào. Chương trình học tập thì tham khảo giáo trình của Trường Tuyên giáo Trung ương nhưng lý luận nhiều quá, chỉ lấy được nguyên tắc cơ bản. Những nguyên tắc ấy được kết hợp với kinh nghiệm của Báo QĐND và của mỗi chúng tôi.

Tôi được giao nhiệm vụ phụ trách các nhóm giáo viên hướng dẫn hai lớp đầu. Các anh: Nghiêm Túc, Vũ Hồ, Khắc Tiếp, Đức Toại, sau thêm Bá Thước (nhiếp ảnh) và Hải Tân (phát thanh). Trình độ học viên đa số còn thấp, có người chưa hề tiếp xúc với báo chí bao giờ, chưa nói đến năng khiếu báo chí. Do đó khi đi vào làm thật sự mà luôn coi như vừa làm vừa thí nghiệm. Mọi việc phải làm tới và theo những yêu cầu vừa phải. Cách làm của lớp học là: Giảng dạy cụ thể, thực tế, có mẫu dễ hiểu và có thể làm được; đi thực tế lấy tài liệu và thực tập viết nhiều, lấy người khá giúp người kém...

Đã nảy ra những chuyện thú vị là do việc học phải qua phiên dịch, giảng bài qua phiên dịch, bài làm qua phiên dịch thành văn bản giáo viên mới chấm được nên việc học phải kéo dài thời gian gần gấp đôi. Ngôn ngữ bất đồng, thuật ngữ báo chí là điều lạ khó hiểu. Tiếng Việt, tiếng Lào xen kẽ, khi khó hiểu đã gây ra nhầm lẫn và vận dụng vụng về, tạo ra những chuyện cười. Chuyện cười lại giúp hiểu rõ và thân nhau, dạy và học dễ hơn, tốt hơn...

Sau khi giúp bạn hoàn thành hai lớp học, tôi được cử làm chuyên gia thường trú giúp bạn điều hành tờ báo và chương trình phát thanh quân đội trong một nhiệm kỳ 3 năm rưỡi và mở thêm một lớp học nữa. Báo QĐND vẫn tiếp tục giúp bạn về công tác báo chí bằng một số lớp theo các chuyên đề. Phía bạn có rất nhiều nỗ lực, bạn đã tiến lên nhiều mặt. Còn một nhiệm kỳ chuyên gia khác nữa thì sau này không cần thiết có chuyên gia. Báo QĐND của nước bạn đã có vị trí xứng đáng trong nền báo chí Lào và có uy tín với cán bộ, chiến sĩ.

Tôi đã có dịp trở lại Viêng Chăn sau 10 năm tạm biệt. Các bạn học viên, nay là đồng nghiệp, vẫn tự xưng là học trò. Có người không làm báo nữa vẫn tìm đến thăm hỏi, tặng quà, tổ chức những cuộc gặp gỡ thân tình, ôn lại những kỷ niệm xúc động. Vẫn như xưa, các bạn gọi chúng tôi là “xiều”, là bạn rất thân thiết. Họ nói rằng, bạn Việt Nam với Lào là “bạn cùng chết”, đó là từ một thành ngữ Lào: “Bạn cùng ăn tìm dễ, bạn cùng chết tìm khó” (phườn kin hả ngài, phườn tài hả nhạc). Mỗi cuộc chia tay của chúng tôi như một “lễ hội” nhỏ, thật vui và cảm động. Vẫn là múa lăm vông dập dìu, rượu cần nồng đượm, rồi buộc chỉ cổ tay. Hai cổ tay tôi đầy những vòng chỉ trắng các bạn buộc cho, giữ lại đến mấy ngày hôm sau. Lễ buộc chỉ cổ tay thường dành cho những người bạn quý được gọi là “xiều”. “Xiều” đã chia tay mà vẫn mong có ngày trở lại.

CÔNG BẰNG (trích trong cuốn “Ký ức người cầm bút”, Nhà xuất bản QĐND, HN, 2010)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/lan-dau-lam-chuyen-gia-641257