Lần chủ trì phiên họp Chính phủ cuối cùng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2021 cũng là phiên họp cuối cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Chiều 31/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 3/2021.

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần phải tiếp tục công việc cho đến khi Quốc hội khóa XV bầu Chính phủ mới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3

“Tới đây, có thay đổi nhiều thành viên Chính phủ nên hôm nay chúng ta phải thảo luận và cho ý kiến nhiều vấn đề. Các thành viên Chính phủ, bộ, ngành và địa phương cần thảo luận các vấn đề rốt ráo hơn, chặt chẽ hơn để xử lý những tồn tại, bất cập, không để tồn tại kéo dài sang nhiệm kỳ mới", Thủ tướng yêu cầu.

Theo đó, Chính phủ sẽ tập trung thảo luận về những vấn đề cấp bách, nổi cộm, thực hiện tốt tinh thần “làm việc đến giờ phút cuối cùng”, không có tư tưởng cầm chừng, ỷ lại, chờ đợi trong lúc giao thời, kiện toàn bộ máy, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ với trách nhiệm cao trước Đảng, trước dân.

Thủ tướng cũng cho biết, một trong những nội dung của phiên họp là thảo luận tình hình phát triển kinh tế xã hội quý I-2021. Người đứng đầu Chính phủ thông tin tình hình quý I-2021 có nhiều tín hiệu tích cực, nhiều chỉ số kinh tế phát triển tốt hơn cùng kỳ.

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng

Phiên họp cuối cùng của Chính phủ khóa XIV trước khi kiện toàn diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đã đi qua quý đầu tiên của năm 2021 với kết quả rất tích cực.

Theo báo cáo, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế quý I/2021 ước đạt 4,48% (cùng kỳ tăng 3,68%). Hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường làm nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng; thị trường chứng khoán tăng trưởng khá với tổng mức huy động vốn tăng 42% so với cùng kỳ.

Vốn đầu tư phát triển tăng khá, đạt 6,3%, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng (vốn đầu tư công tăng 13%, đạt 15% kế hoạch; vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng 5,7%; vốn FDI thực hiện tăng 6,5%). Tổng vốn FDI cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đạt trên 10 tỷ USD, tăng 18,5%. Đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài tăng 6 lần. Doanh nghiệp thành lập mới tăng 27,5% vốn đăng ký. Thu, chi NSNN đạt kết quả tích cực (thu ngân sách bằng 23,8% dự toán).

Hoạt động xuất nhập khẩu ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, tận dụng hiệu quả các Hiệp định FTA đã được ký kết. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 152,7 tỷ USD, tăng 24,1% (cùng kỳ tăng 5,9%). Xuất siêu trên 2 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở mức thấp; CPI tháng 3/2021 giảm 0,27% so với tháng trước, tăng 1,31% so với tháng 12/2020. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3 tăng 1,16%, thấp nhất kể từ năm 2016.

Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng có xu hướng phục hồi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2021, tăng 5,1% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, nền kinh tế còn đối diện không ít khó khăn, nhất là diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Do đó, việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% năm 2021 là thách thức lớn, đòi hỏi cần có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Theo chương trình, tại phiên họp này, Chính phủ còn xem xét, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội 3 tháng đầu năm 2021; báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; báo cáo về chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu…

Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ sẽ xem xét một số báo cáo về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh quý I năm 2021; công tác cải cách hành chính quý I năm 2021; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng quý I năm 2021; tình hình thực hiện nhiệm vụ và kết quả hoạt động của Tổ công tác tháng 3/2021…

Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ xem xét, thảo luận về dự án ngăn triều chống ngập xét đến yếu tố biến đổi khí hậu tại TP.HCM.

Xem xét về chương trình phát triển nhanh, bền vững tại khu vực ĐBSCL theo Nghị quyết 120 của Chính phủ...

Hồ Văn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/thu-tuong-chu-tri-phien-hop-cuoi-cung-cua-chinh-phu-khoa-14-723953.html