Lấn chiếm, xây dựng công trình... trên đê!

Gần đây, tình trạng nhiều cá nhân, hộ gia đình ở các xã Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Thắng, Phước Hòa (H. Tuy Phước, tỉnh Bình Định) lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép, vi phạm hành lang bảo vệ đê điều thuộc hệ thống đê Đông diễn ra khá phổ biến. Thế nhưng, chính quyền các địa phương và ngành chức năng liên quan chưa có biện pháp xử lý kiên quyết, dứt điểm.

Gần đây, tình trạng nhiều cá nhân, hộ gia đình ở các xã Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Thắng, Phước Hòa (H. Tuy Phước, tỉnh Bình Định) lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép, vi phạm hành lang bảo vệ đê điều thuộc hệ thống đê Đông diễn ra khá phổ biến. Thế nhưng, chính quyền các địa phương và ngành chức năng liên quan chưa có biện pháp xử lý kiên quyết, dứt điểm.

Nhà hàng, quán nhậu ở thôn Vinh Quang 2 dựng bảng hiệu nằm ngang phía trên thân đê Đông.

Nhà hàng, quán nhậu ở thôn Vinh Quang 2 dựng bảng hiệu nằm ngang phía trên thân đê Đông.

Đê Đông bị xâm hại

Thời gian gần đây, nhiều người đi trên hệ thống đê Đông- đoạn qua địa phận thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn- không khỏi ngạc nhiên trước việc một số chủ nhà hàng, quán nhậu dựng bảng hiệu như cổng chào nằm ngang phía trên thân đê. Ngoài ra, chủ nhà hàng, quán nhậu còn chiếm dụng nhiều diện tích đất trong phạm vi hành lang đê xây dựng nhà để xe.

Tại thôn Vinh Quang 2 và thôn Dương Thiện (xã Phước Sơn), nhiều hộ dân vô tư tập kết vật liệu, xây dựng các công trình nhà ở nằm sát thân đê và trong phạm vi hành lang bảo vệ đê Đông. Đáng nói, dường như chính quyền địa phương chưa có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn nên hoạt động xây dựng diễn ra khá công khai.

Qua tìm hiểu được biết, không riêng xã Phước Sơn, tại các xã Phước Thuận, Phước Hòa, Phước Thắng cũng xảy ra tình trạng một số cá nhân, hộ gia đình lấn chiếm nhiều diện tích đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ đê Đông để xây dựng công trình trái phép. Ông Nguyễn Văn Vinh, trú xã Phước Sơn, cho biết: "Một số hộ gia đình vô tư xây dựng công trình trong hành lang đê Đông nhưng lâu nay chẳng thấy ai bị xử lý. Nếu chính quyền địa phương và ngành chức năng không xử lý kiên quyết, dứt điểm thì số trường hợp vi phạm sẽ tăng thêm, bởi người dân thường "nhìn nhau" để lấn chiếm".

Người dân tập kết vật liệu, xây dựng công trình nhà ở trong phạm vi hành lang bảo vệ đê Đông.

Cần xử lý dứt điểm

Ông Tôn Kỳ Hải- Chủ tịch UBND xã Phước Sơn xác nhận: Chạy dọc theo hệ thống đê Đông qua địa bàn xã Phước Sơn có rất nhiều trường hợp xây dựng công trình nhà ở từ trước khi Luật Đê điều năm 2006 có hiệu lực thi hành nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Đối với các trường hợp mới phát sinh xây dựng gần đây, UBND xã đã tiến hành lập biên bản; trong đó có các chủ quán nhậu, nhà hàng tự ý dựng bảng hiệu nằm ngang phía trên thân đê.

"Riêng tại khu vực tràn Dương Thiện - nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ đê Đông, thuộc thôn Dương Thiện- trước kia UBND xã có tổ chức bán đấu giá đất cho một số hộ dân; hiện người dân đang xây dựng nhà. Tuy nhiên, việc này đã diễn ra cách đây rất lâu nên tôi không nắm rõ, UBND xã đang cho cán bộ chuyên môn rà soát lại để có hướng xử lý tiếp theo", ông Hải cho biết thêm.

Theo Phòng NN&PTNT H. Tuy Phước, bước đầu, Phòng xác định có 27 trường hợp ở các xã Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Hòa, Phước Thắng xây dựng công trình vi phạm hành lang bảo vệ đê Đông; những trường hợp này mới phát sinh thời gian gần đây. Phòng NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát, thống kê chính xác số lượng các trường hợp xây dựng vi phạm.

Ông Phan Văn Khiêm- Trưởng phòng NN&PTNT H. Tuy Phước cho biết: Phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo UBND các xã rà soát, lập biên bản đối với các trường hợp xây dựng công trình trái phép, vi phạm hành lang bảo vệ đê Đông. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân tự tháo dỡ công trình vi phạm; trường hợp không chấp hành thì ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức cưỡng chế tháo dỡ theo đúng quy định pháp luật. Quan điểm của huyện là phải ngăn chặn ngay từ đầu; xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm mới.

Có thể thấy, để hệ thống đê Đông không bị xâm hại, chính quyền các địa phương và ngành chức năng liên quan cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời trong việc phát hiện, ngay chặn, xử lý những trường hợp xây dựng công trình trái phép. Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm minh, kiên quyết tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm để răn đe, ngăn chặn ngay từ đầu.

DƯƠNG MINH

Đê Đông là tuyến đê xung yếu của tỉnh, tổng chiều dài gần 50 km, từ TP Quy Nhơn đến các xã phía Đông của H. Tuy Phước và Phù Cát. Tuyến đê có nhiệm vụ ngăn mặn, tiêu úng và thoát lũ cho hơn 5.000 ha đất canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_224677_lan-chiem-xay-dung-cong-trinh-tren-de-.aspx