Lấn chiếm lòng suối, vi phạm xây dựng ở Lâm Đồng: Địa phương có 'giơ cao đánh khẽ'?

Mặc dù chỉ được cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ với diện tích tầng 1 là 80m2, nhưng một cá nhân xây công trình lớn hơn gấp nhiều lần (364m2), lấn chiếm lòng suối (130m2) và hành lang Quốc lộ 27 tạo thành 'chợ' tại xã Lạc Xuân (H.Đơn Dương, Lâm Đồng).

Nắn suối rồi "vô tư" chiếm dụng lòng suối

Theo họa đồ thửa đất của UBND H.Đơn Dương (Lâm Đồng) cùng phản ánh của nhiều hộ dân cư trú lâu năm tại thôn Lạc Viên A, xã Lạc Xuân (H.Đơn Dương), nhiều năm trước, tại đây, cách mặt đường QL27 khoảng 14m có 1 con suối nhỏ. Sau đó, bà Nguyễn Kim Phượng (SN 1976, thường trú TT.Liên Nghĩa, H.Đức Trọng, Lâm Đồng) mua đất, làm hồ sơ xin nắn dòng một phần con suối về phía cuối mảnh đất của bà và được địa phương chấp thuận.

Khu "chợ" tự phát (dãy nhà xanh) xâm phạm hành lang an toàn QL27

Khu "chợ" tự phát (dãy nhà xanh) xâm phạm hành lang an toàn QL27

Bà Phượng sau đó sở hữu tại đây 3 lô đất, tổng diện tích gần 1.600m2, đã chuyển nhượng gần 600m2. Đáng nói, 2 trong số 3 lô đất này của bà Phượng đã được cấp sổ đỏ vào các tháng 3, 5-2020, mặc dù từ tháng 5-2019 khu đất này xảy ra khiếu nại, tranh chấp với 2 hộ khác, chính quyền địa phương đang thụ lý, giải quyết (?!).

Bà Phượng được cấp giấy phép làm nhà ở riêng lẻ, nhưng xây công trình, tạo thành 13 ki-ốt và 18 sạp hàng cho nhiều người khác thuê, kinh doanh buôn bán các mặt hàng tươi sống, thực phẩm, trái cây... tạo thành một khu "chợ" tự phát khiến nhiều người dân phản ánh. Vào các ngày 12, 15-12-2020, chúng tôi đến hiện trường ghi nhận thực tế. Không chỉ xây dựng "chợ" lấn chiếm lòng suối, bà Phượng còn đổ bê tông, xây tường gạch chiếm dụng lòng suối dọc theo chiều dài nhiều chục mét, giáp ranh con suối. Nghĩa là sau khi được chấp thuận cho nắn dòng suối, bà Phượng "vô tư" xây bờ kè, đổ bê tông chiếm dụng bề mặt lòng suối để thêm rộng, dài mảnh đất.

Địa phương nói gì?

Về hành vi xây "chợ" tự phát, san gạt đất, lấn chiếm hàng lang an toàn QL27, ngày 14-5-2019, Cục quản lý đường bộ IV (Tổng cục đường bộ Việt Nam) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với bà Phượng, phạt số tiền 11 triệu đồng; yêu cầu dỡ bỏ đất tự san lấp mặt bằng, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông theo quy định, trong hạn 10 ngày.

Xây kè đổ đất chiếm dụng lòng suối

Ngày 11-5-2020, UBND xã Lạc Xuân cũng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 2,5 triệu đồng; yêu cầu bà Phượng phải tự tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, khôi phục hiện trạng ban đầu. Bà Phượng sau đó đóng tiền phạt, không tháo dỡ công trình. Từ tháng 7-2020, hộ bà Phượng hoàn tất công trình kinh doanh cho thuê ki-ốt, đi vào hoạt động kinh doanh, buôn bán.

Ngày 24-11-2020, các ngành chức năng H.Đơn Dương do Phòng kinh tế - hạ tầng chủ trì, phối hợp Phòng Tài nguyên - môi trường, lãnh đạo UBND xã Lạc Xuân và Chi cục quản lý đường bộ IV tiến hành kiểm tra công trình xây dựng của hộ bà Nguyễn Kim Phượng, xác định: công trình vi phạm về xây dựng tầng 1 có hiện trạng 364m2, lấn chiếm đất công (lòng suối) 130m2; chưa có giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm.

Phòng Kinh tế - hạ tầng báo cáo kiến nghị UBND H.Đơn Dương chỉ đạo UBND xã Lạc Xuân xử lý hành vi xây dựng công trình không đúng giấy phép được cấp. Đối với phần xây dựng vượt giấy phép được cấp, nếu phù hợp với quy hoạch thì cho bổ sung hồ sơ để khắc phục; phần diện tích lấn chiếm đất công yêu cầu trả lại hiện trạng. UBND xã Lạc Xuân cho rằng, đây không phải chợ mà là hộ kinh doanh cá thể nên Phòng Kinh tế - hạ tầng thống nhất cho bà Phượng hoạt động kinh doanh, yêu cầu bổ sung giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm. Chi cục quản lý đường bộ IV cũng chấp thuận cam kết của hộ bà Phượng, cho tồn tại công trình, khi nào nhà nước làm đường, hộ bà sẽ trả lại đất, không yêu cầu bồi thường. Những kiến nghị, xử lý có phần "giơ cao đánh khẽ" này với người vi phạm sẽ trở thành tiền lệ xấu.

Đổ bê tông chiếm dụng lòng suối

Ngoài ra, theo đơn thư phản ánh, khiếu nại của ông Hà Quang Sáng (trú TP.Đà Lạt) và hộ bà Nguyễn Thị Tuyết (trú H.Đơn Dương), ngoài lô đất bà Phượng xây công trình, lập "chợ"; một phần diện tích đất mặt tiền QL27 trải dài trên 2 lô đất còn lại của bà Phượng trước đây là của gia đình bà Tuyết bán cho ông Sáng vào năm 2007; đất của bà Phượng phía sau. Các bên khiếu nại đến UBND xã Lạc Xuân và năm 2019, xã Lạc Xuân đã có các văn bản thụ lý giải quyết vụ việc. Nhiều người dân cư trú tại đây lâu năm xác nhận đất này là của cha mẹ bà Tuyết để lại, thế nhưng bà Phượng lại có sổ đỏ.

Về việc này, lãnh đạo Phòng Tài nguyên - môi trường và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai H.Đơn Dương cho rằng, họ không biết có sự tranh chấp đất đai giữa hộ bà Phượng với các hộ khác khi làm thủ tục cấp sổ (?!). Lãnh đạo UBND xã Lạc Xuân thì cho biết, sau khi lập thủ tục cấp đất, đã niêm yết tại xã 15 ngày theo quy định, nhưng không ai có ý kiến gì nên hồ sơ được chuyển cấp trên để hoàn tất thủ tục.

Bà Nguyễn Thị Tuyết cho biết, tôi tuổi già, ít đi lại, không có việc gì tại trụ sở UBND xã Lạc Xuân nên không biết gì về việc niêm yết này. Đến khi thấy bà Phượng đổ đất, đề bảng bán đất, có người báo tôi mới biết và thông tin với ông Sáng đi khiếu nại đòi đất.

Ngoài ra, thêm 1 tình tiết "lạ" khác là vào ngày 5-5-2020, bà Phượng bán 1 phần đất (trên đất không có nhà) cho ông Nguyễn Đức Q. (trú địa phương; phần đất đang tranh chấp). Ngày 15-12-2020 UBND huyện Đơn Dương mới cấp giấy phép xây dựng số 244/GPXD-UBND cho ông Q., nhưng ngày 13-12-2020, phóng viên có mặt ở hiện trường thì căn nhà đã xây gần xong phần thô. Cả ông Sáng và bà Tuyết tỏ ra bức xúc vì đất đang tranh chấp, họ có nhiều chứng lý rõ ràng, địa phương thụ lý hồ sơ, chưa xem xét giải quyết dứt điểm mà đã cấp sổ đỏ cho bà Nguyễn Kim Phượng.

Khu vực đất đang tranh chấp giữa các hộ bà Tuyết, ông Sáng bà Phượng, nhưng chưa được giải quyết, địa phương lại cấp sổ đỏ cho bà Phượng

Ngọc Hà

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/lan-chiem-long-suoi-hanh-lang-quoc-lo-xay-cho-tu-phat_104711.html