Lấn chiếm lòng đường, vỉa hè căn bệnh trầm kha

Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè đã diễn ra từ rất lâu và dường như đang trở thành 'căn bệnh nan y' đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Từng góc phố, con đường người dân dễ dàng bắt gặp tình trạng lấn chiếm với đủ loại hình chiếm dụng diễn ra. Nào từ việc xe ô tô đỗ chiếm lòng đường cho tới việc vỉa hè được sử dụng làm nơi để xe máy, bày bán bàn ghế, hàng ăn, hàng nước, xe bán hàng…

Hà Nội hay TP.HCM đều có những “chiến dịch”, những đợt ra quân xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè… sau mỗi đợt ra quân, tình trạng lấn chiếm được kéo giảm rõ rệt nhưng sau đó một thời gian ngắn thì đâu lại vào đấy, thậm chí việc tái lấn chiếm còn diễn ra nghiêm trọng hơn.

Đơn cử như tại các tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Thập, Huỳnh Tấn Phát (Quận 7), nhiều hàng quán bán cây cảnh, bán hàng ăn… thoải mái lấn chiếm vỉa hè, tạo nên khung cảnh nhếch nhác.

Hay như tại các tuyến đường Nguyễn Trường Tộ, Hoàng Diệu, Vĩnh Khánh, Tôn Đản (Quận 4), hàng quán bày bán la liệt trên vỉa hè, các quán cà phê, quán ăn… đã chiếm dụng hầu như không còn khoảng trống nào trên vỉa hè, thậm chí còn tràn xuống lòng đường.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè đã diễn ra từ lâu và khiến người dân vô cùng bức xúc, không chỉ là chiếm dụng bán hàng, kinh doanh mà kéo theo đó là tình trạng người đi bộ không còn lối đi trên vỉa hè, rác thải từ hàng quán được vứt bừa bãi xuống đường, người đi đường đỗ xe mua hàng… dẫn tới tình trạng ùn ứ giao thông, mất mỹ quan đô thị và khiến người dân rất bức xúc.

Mặc dù chính quyền địa phương và ngành chức năng đã vào cuộc xử lý nhưng kết quả xử lý vẫn chưa được người dân hài lòng. Người dân và dư luận đòi hỏi cơ quan chức năng, chính quyền cần phải có chế tài xử lý nghiêm hơn nữa và cũng cần có chính sách, biện pháp xử lý triệt để tình trạng này.

Không thể mãi đổ lỗi cho là lực lượng “mỏng”, việc làm khó… để không xử lý dứt điểm tình trạng này và càng không thể đổ lỗi cho việc nghèo khó, không có chốn mưu sinh… để lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán và không thể có bất kỳ lý do gì để bao biện, biện minh cho việc lấn chiếm lòng đường.

Một xã hội văn minh, một xã hội phát triển thì bộ mặt đô thị phải xanh – sạch – đẹp, chính quyền phải tuyên truyền, vận động kết hợp với các chính sách, biện pháp hợp lý, đúng quy định của pháp luật để xử lý tận gốc tình trạng này.

Tạ Tuấn

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/goc-nhin-cong-ly/lan-chiem-long-duong-via-he-can-benh-tram-kha-69560.html