Lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ biển: Cần xử lý nghiêm

Quảng Ngãi là tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành việc xác lập ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển (HLBVBB). Song, do công tác quản lý sau xác lập chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng xâm phạm HLBVBB vẫn diễn ra tại nhiều địa phương.

Nhiều công trình sai phạm

Tháng 9.2018, Quảng Ngãi đã hoàn thành việc xác lập ranh giới HLBVBB, gồm 18 khu vực thuộc các địa phương ven biển, hải đảo là TX.Đức Phổ, Mộ Đức, Bình Sơn, Lý Sơn và TP.Quảng Ngãi, với tổng chiều dài khoảng 80km. Theo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, sau khi thiết lập hành lang, các hoạt động có nguy cơ làm suy thoái hệ sinh thái như lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang, các hoạt động khoan, đào, đắp trong hành lang đều bị nghiêm cấm.

Ngay cả hoạt động khai thác nước dưới đất, cải tạo công trình đã xây dựng, hoạt động kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ làm suy thoái hệ sinh thái vùng bờ... trong hành lang cũng bị hạn chế. Thế nhưng, tình trạng người dân tự ý xâm lấn, đầu tư, xây dựng các công trình trái phép trong khu vực HLBVBB vẫn ngang nhiên diễn ra tại nhiều địa phương.

Ngôi nhà hai tầng lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ biển tại thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn).

Tại xã Bình Châu (Bình Sơn), ngoài trường hợp các hộ kinh doanh dịch vụ tại thôn Phú Quý ngang nhiên xây dựng công trình tại khu du lịch Ba Làng An - khu vực nằm trong HLBVBB, thì tại bờ biển thôn Châu Thuận Biển, người dân địa phương cũng tự ý xây dựng công trình nhà ở, kinh doanh dịch vụ trái phép. Trong đó có hai công trình kiên cố gồm nhà 2 tầng và quán cà phê với tường rào cổng ngõ trải dài mấy mươi mét bờ biển ngang nhiên “mọc” lên tại đây từ năm 2019 và đưa vào sử dụng, kinh doanh.

Còn tại xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), dù ngành chức năng đã thực hiện việc cắm mốc HLBVBB tại thôn Tân Thạnh, nhưng các trường hợp xây dựng nhà ở kiên cố nằm trong HLBVBB vẫn tồn tại từ năm 2015 đến nay, khiến chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong xử lý.

Việc xây dựng công trình lấn chiếm HLBVBB không chỉ gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái ven biển, mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân khi có sự cố thiên tai xảy ra. Song, vì lợi ích và nhu cầu trước mắt, các hộ dân vi phạm đều “phớt lờ” những điều này.

Cần siết chặt quản lý

Để tăng cường quản lý, bảo vệ HLBVBB, sau khi công bố HLBVBB vào cuối năm 2018, đến đầu năm 2019, UBND tỉnh tiếp tục phân cấp quản lý HLBVBB (theo Quyết định số 10/2019/QĐ-UBND).

“Dù Sở TN&MT đã cắm mốc HLBVBB, song tình trạng người dân tự ý xây dựng công trình nằm trong phạm vi hành lang vẫn diễn ra. Để quản lý, kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, địa phương đã phân công nhiệm vụ cho các thôn thực hiện giám sát tình hình vi phạm trên địa bàn. Từ đó, những công trình vi phạm HLBVBB được địa phương phát hiện và yêu cầu tháo dỡ ngay từ đầu. Bên cạnh việc xử lý sai phạm, địa phương còn tuyên truyền những quy định liên quan đến HLBVBB để từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ HLBVBB, chấn chỉnh việc lấn chiếm hành lang”, Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ Trần Đình Tiến cho hay.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Biển và hải đảo (Sở TN&MT) Trần Văn Phận, đối với các dự án đầu tư, Sở TN&MT được tham gia ngay từ khâu mà nhà đầu tư nộp hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư. Đơn vị sẽ lấy ý kiến thẩm định những nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, trong đó, có mục liên quan đến HLBVBB. Từ đó, đã làm tốt công tác “tiền kiểm”, đảm bảo dự án thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về HLBVBB.

Tuy nhiên, đối với các công trình xây dựng nhỏ, lẻ tại các địa phương, công tác “tiền kiểm” lại là một vấn đề nan giải. Vì thế, để tăng cường quản lý, bảo vệ HLBVBB, chính quyền địa phương tại những khu vực được xác lập HLBVBB, đặc biệt là cấp xã phải siết chặt hơn nữa công tác giám sát, kiểm tra để kịp thời xử lý ngay từ đầu các trường hợp vi phạm.

Bài, ảnh: Ý THU

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202007/lan-chiem-hanh-lang-bao-ve-bo-bien-can-xu-ly-nghiem-3014564/